Vụ việc xảy ra với chiếc trực thăng tấn công AH-64 Apache tại quận Harad, tỉnh phía Tây Hajjah và thủ phạm là một loại tên lửa phòng không vác vai do phiến quân Houthi sở hữu.
Sau khi thông tin về chiếc trực thăng này bị bắn hạ được đăng tải, trang tin Akhbaar24.com của Saudi Arabia đã phủ nhận thông tin này và cho rằng, trực thăng tấn công Apache chỉ hạ cánh khẩn cấp do gặp lỗi kỹ thuật khi bay gần biên giới al-Tawal giữa Yemen và Saudi Arabia.
Trong khi đó, lực lượng phiến quân Houthi đã lên tiếng xác nhận về vụ việc này và cho biết thủ phạm của vụ bắn hạ này chính là loại tên lửa phòng không vác vai QW-1M có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Theo một số nguồn tin quân sự cho biết, tên lửa QW-1M được Trung Quốc đưa vào sử dụng từ thập niên 1990 và từng nhượng quyền sản xuất cho Pakistan.
Jane’s Defense Weekly dẫn lời các chuyên gia nhận định tên lửa QW-1M do Công ty China Precision Machinery Import and Export sản xuất rất giống SA-18 Grouse của Liên Xô và được sử dụng công nghệ sao chép từ tên lửa FIM-92 Stinger của Mỹ.
Nhiều nguồn tin chưa được xác nhận từ phương Tây cho rằng Trung Quốc lấy được mẫu FIM-92 Stinger từ các tay súng Afghanistan, Pakistan hoặc thậm chí là Iran làm nguyên mẫu phát triển QW-1M.
Không chỉ bị bắn hạ tại Yemen, theo thống kê được Jane’s Defense Weekly công bố, đã có ít nhất 10 trực thăng Apache bị bắn hạ ở Iraq kể từ cuộc tấn công do Mỹ phát động vào nước này năm 2003.
Trong khi đó, theo tài liệu về cách bắn hạ Apache do một người ủng hộ IS sử dụng tên gọi Nasser Al-Sharia đăng tải hồi cuối năm 2014 cho biết IS nên phục kích máy bay của Mỹ từ cự ly 1.500m hoặc chưa đầy 1 dặm (1.609m) bởi khi đó, máy bay nằm rõ trong tầm ngắm của xạ thủ.
Cũng theo tài liệu này, xạ thủ cần phải tiêu diệt phi hành đoàn khi họ đang cố gắng thoát khỏi chiếc máy bay. Như vậy, loại trực thăng này sẽ không có cách nào tránh được đòn tấn công.
Một chiếc trực thăng Apache hoạt động tại Iraq. (Ảnh trong bài: Trực thăng Apache bị bắn hạ tại Yemen và Iraq).