Trận đấu giữa 2 chiến hạm vĩ đại nhất: Yamato Nhật Bản hay Iowa Mỹ sẽ thắng?

Anh Tuấn |

Đó là một trận thư hùng của hai chiến hạm Thế chiến II vĩ đại nhất trong lịch sử: Chiến hạm Yamato với trọng lượng 65.000 tấn, là tàu chiến lớn nhất trong lịch sử, còn Iowa là niềm tự hào của nước Mỹ.

Thực tế, hai chiến hạm này chưa từng đối đầu nhau trong chiến tranh. Nhưng nếu chúng chạm trán nhau trên biển, chuyện gì sẽ xảy ra?

Ông Jon Parshall, nhà sử học và là tác giả sách lịch sử nổi tiếng đã so sánh nhiều loại chiến hạm của các nước trên trang Combinedfleet.com, nơi có đầy đủ thông tin về các loại tàu chiến trong lịch sử.

Trong số những tàu được so sánh có Yamato và Iowa, và chúng được xét trên 5 tiêu chí: pháo của tàu, giáp của tàu, lớp bảo vệ dưới mặt nước, hệ thống ngắm bắn và các yếu tố chiến lược (như tốc độ và khả năng giảm thiểu hư hại tàu).

Vỏ giáp dày của Yamato khiến thiết giáp hạm này chịu được nhiều trận không kích của máy bay đối phương

Chiến hạm Iowa của Mỹ

Pháo trên tàu

Pháo hạm có cỡ nòng 45 cm của tàu Yamato là loại pháo lớn nhất được lắp đặt trên tàu chiến. Bởi Nhật Bản không thể sánh với Mỹ về quân số, chiến lược của nước này là phải làm mỗi tàu chiến mạnh hơn về mọi mặt so với các tàu của Mỹ.

Pháo của Yamato có thể bắn đạn pháo nặng hơn 1,4 tấn và đạt tầm xa tối đa 42 km, trong khi pháo của Iowa chỉ dùng được đạn nặng 1,2 tấn và có tầm bắn ngắn hơn.

Mặc dù đạn pháo của Nhật không có sức công phá bằng Mỹ, tàu Yamato có lợi thế về tầm bắn. Vấn đề còn lại là bắn trúng vào mục tiêu.

Với hệ thống ngắm bắn của Thế chiến II, khả năng bắn trúng một tàu chiến di chuyển với tốc độ 30 hải lý/giờ từ khoảng cách 40 km là rất nhỏ.

Trong phân tích của mình, Parshall giả định rằng thuyền trưởng của hai tàu chiến sẽ thu hẹp khoảng cách xuống còn 37 km. Ở khoảng cách này, pháo của cả tàu Yamato lẫn Iowa có thể xuyên thủng lớp giáp của nhau.

“Do đó tôi nghĩ rằng yếu tố may mắn là rất quan trọng”, Parshall giải thích. “Iowa có hệ thống ngắm bắn tốt hơn, tuy nhiên nếu Yamato may mắn bắn trúng trong loạt pháo đầu, rất có thể Iowa sẽ phải chịu thúc thủ”.

Lớp giáp của tàu

Về mặt này, Yamato vượt trội so với tàu Iowa, khi lớp giáp ở mạn tàu Nhật Bản dày 40 cm so với 30 cm của tàu Mỹ. Tàu Yamato còn có lớp giáp trên boong dày 22 cm so với 15 cm của Iowa. Ở bề mặt tháp pháo, tàu Yamato có giáp dày đến 66 cm, so với chỉ 50 cm của tàu Iowa.

“Tàu Yamato được chế tạo để chống chịu và áp đảo bất kỳ tàu chiến nào của Mỹ và Anh bằng hỏa lực và giáp trụ”, ông Parshall viết.

Trong khi Yamato được trang bị giáp trụ ở mọi nơi, giáp của tàu Iowa dày hơn ở những vị trí trọng yếu.

Tuy nhiên, Parshall cho biết, chỉ Mỹ mới có thể chế tạo tàu chiến hoàn toàn từ thép luyện đặc biệt nhẹ và cứng hơn, tức là tàu chiến Mỹ có thể nhỏ và nhẹ hơn mà vẫn được bảo vệ một cách cẩn thận.

Dù vậy, Parshall vẫn coi tàu Yamato tốt hơn về mặt giáp trụ. Nếu cả hai tàu đều bị hỏng hệ thống ngắm bắn và phải lại gần để giao chiến, sức chịu đựng của tháp pháo tàu Yamato trước Iowa sẽ rất quan trọng.

Lớp bảo vệ dưới mặt nước

Tại sao lớp giáp dưới mặt nước của tàu chiến lại quan trọng đến vậy, khi mà các tàu thường nã pháo vào nhau thay vì sử dụng ngư lôi?

Bởi vì vào đầu Thế chiến II, chiến hạm Bismarck của Đức đã bị săn đuổi và đánh chìm sau khi một viên đạn pháo của tàu Prince of Wales của Anh đã không bắn trúng tàu của Đức mà đâm xuống mặt nước và xuyên thủng phần đáy tàu.

Nhằm đảm bảo tính ưu việt trong chiến đấu, Nhật Bản huấn luyện các đội tàu chiến của mình có thể bắn những phát pháo xuyên thủng đáy tàu.

“Tỷ lệ đạn pháo bắn trúng đáy tàu là khá nhỏ”, Parshall nói. “Nhưng nếu hàng loạt đạn pháo được bắn đi, khả năng đó sẽ tăng lên và sẽ có phát bắn trúng”.

Trong số 7 tàu chiến mà Parshall xem xét, tàu Yamato và Iowa có giáp bảo vệ đáy tàu tốt nhất. Tuy nhiên đường nối giữa phần trên và dưới của mạn tàu Yamato lại không được kín và đó là lý do khi tàu bị trúng thủy lôi của máy bay ngoài khơi Okinawa, nước đã tràn vào và khiến tàu chìm.

Hệ thống ngắm bắn

Độ chính xác của pháo là một trong những tiêu chí quan trọng khi tàu thường phải bắn pháo từ khoảng cách 40 km. Đây có thể coi là thế mạnh lớn nhất của tàu Iowa, bởi hệ thống radar của Nhật Bản rất kém, trong khi của Mỹ thì được coi là tốt nhất thế giới.

“Trong một cuộc thử nghiệm năm 1945, một tàu chiến của Mỹ có thể đảm bảo khả năng bắn chính xác ngay cả khi phải thực hiện quay tàu 45 độ, tiếp đó là một lần quay đầu 100 độ khác”, ông Parshall viết.

“Khả năng của hệ thống ngắm bắn Mỹ rõ ràng tốt hơn các hệ thống cùng thời”, ông nói, “và cho phép tàu chiến Mỹ có lợi thế chiến lược khi tàu có thể vừa bắn vừa đổi hướng, trong khi tàu địch chỉ có thể thực hiện một trong hai động tác trên”.

Tàu Iowa là biểu tượng của hải quân Mỹ, một trong những tàu có thành tích oanh liệt nhất trong Thế chiến II.

Tuy nhiên, tàu Nhật Bản có thiết bị xác định tầm bắn quang học cùng ống nhòm nhìn đêm, cho phép Yamato có thể đánh úp và tiêu diệt tàu của Mỹ, cụ thể là trong các trận hải chiến đêm ở Guadalcanal (Thái Bình Dương).

Nhưng thiết bị quang học lại yếu thế khi gặp thời tiết xấu hoặc khi có nhiều khói. “Thực tế, các hệ thống quang học có thể xác định góc bắn rất tốt, nhưng lại không hiệu quả khi xác định tầm bắn”, ông Parshall nói.

“Hệ thống radar thời Thế chiến II sẽ cho phép xác định khoảng cách rất rõ ràng, nhưng xác định góc bắn chuẩn cũng là một lợi thế. Có thể nói rằng, sự kết hợp giữa hệ thống quang học tốt với hệ thống radar đẳng cấp hơn hẳn hệ thống quang học đẳng cấp nhưng radar lại kém”.

Yếu tố chiến lược

Về mặt này, Parshall chỉ ra một vài yếu tố, ví dụ như tốc độ và khả năng né tránh đạn pháo. Iowa có vận tốc tối đa 33 hải lý/giờ còn Yamato chỉ có 27 hải lý/giờ, điều đó sẽ giúp tàu của Mỹ có lợi thế trong việc kiểm soát tầm bắn.

Tàu Yamato có trọng lượng lớn hơn Iowa, điều đó sẽ giúp tàu chịu được hư hại tốt hơn. Nhưng về mặt giảm thiểu hư hại cho tàu, Mỹ hoàn toàn bỏ xa Nhật Bản và các nước khác.

Kết luận

Vậy tàu chiến nào sẽ thắng cuộc? Dựa trên những số liệu, tàu Iowa có ưu thế hơn do có hệ thống ngắm bắn tốt hơn.

Tuy nhiên chỉ cần một phát bắn may mắn của tàu địch, radar có thể dễ dàng bị phá hủy và với loại pháo cỡ nòng 45 cm, một phát bắn của tàu Yamato sẽ khiến Iowa thiệt hại nghiêm trọng.

Mặc dù hai tàu đều có những lợi thế riêng, sự hơn kém của những đặc tính này rất nhỏ đến mức chỉ có may mắn mới quyết định chiến thắng của hai tàu.

Đương nhiên, tất cả mọi thứ chỉ là giả thuyết. Trên thực tế Yamato và Iowa sẽ không bao giờ đối đầu nhau kiểu một đối một trên chiến trường, mà quanh chúng sẽ là những tàu chiến và tàu ngầm khác.

Trong lịch sử hải quân, chỉ duy nhất có một lần hai tàu chiến đấu tay đôi với nhau mà không có sự can thiệp nào khác, đó là trận chiến giữa tàu Bismarck cùng tàu Prinz Eugen đấu với tàu Prince of Wales và Hood của Anh ở eo biển Đan Mạch.

Sau cùng, một cuộc đối đầu thực sự giữa Yamato và Iowa chưa bao giờ xảy ra. Đến năm 1945, thời đại của các chiến hạm lớn đã đến hồi kết khi các tàu lớn bị nhiều phi đội máy bay tiêu diệt.

Yamato đã bị đánh chìm ở Okinawa vào ngày 7/4/1945 sau khi hàng trăm máy bay Mỹ mang thủy lôi tấn công cùng lúc.

Tàu Iowa thì sống sót qua Thế chiến II và sau đó còn tham gia Chiến tranh Triều Tiên, vào những năm 1980 vẫn còn được tái sử dụng. Nó đã nhiều lần tấn công các mục tiêu ở bờ biển, nhưng chưa có cơ hội đối đầu trực tiếp với chiến hạm của đối phương.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại