Trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, thiết giáp hạm là loại tàu chiến hùng mạnh nhất trên biển và là biểu tượng cho sức mạnh hải quân của các quốc gia cho đến trước khi tàu sân bay ra đời.
Sau đây là những trận chiến lớn với nhiều thiết giáp hạm tham gia nhất:
1. Trận chiến tại cảng Arthur
Đây là trận hải chiến đã mở màn cho chiến tranh Nga - Nhật.
Ý định của người Nhật là chiếm thế thượng phong thông qua một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào hạm đội Nga đang neo đậu tại cảng Arthur, nằm trên bán đảo Liêu Đông, Trung Quốc.
Lực lượng Nhật gồm 6 thiết giáp hạm, với các tàu Hatsuse, Shikishima, Asahi, Fuji, and Yashima và kỳ hạm Mikasa. Hỗ trợ các thiết giáp hạm là 9 tuần dương hạm, 15 khu trục hạm và hơn 20 tàu phóng lôi.
Hạm đội Thái Bình Dương của Nga khi đó tại cảng Arthur gồm 7 thiết giáp hạm Petropavlovsk, Sevastopol, Peresvet, Pobeda, Poltava, Tsesarevich, và Retvizan. Cùng với đó là 5 tuần dương hạm.
Một lợi thế quan trọng của người Nga là họ có thể trông cậy vào hỏa lực từ những pháo đài trên bộ dùng để bảo vệ cảng Arthur, ngoài hỏa lực từ những tàu chiến của mình.
Lo ngại sự lợi hại của những pháo đài này, Đô đốc Togo, chỉ huy hạm đội Nhật, giữ các thiết giáp hạm ở khoảng cách an toàn, chỉ cho các khu trục hạm bí mật đột nhập vào trong cảng và dùng ngư lôi tấn công các tàu chiến Nga.
Cuộc tấn công bất ngờ vào đêm ngày 8/2/1904 đã gây hư hại cho 2 thiết giáp hạm Retvizan và Tsesarevich, khiến chúng bị loại khỏi vòng chiến trong nhiều tuần sau đó.
Đến sáng ngày 9/2, hạm đội Nga rời cảng để đối đầu với hạm đội Nhật. Hai bên dàn đội hình và khai hỏa ở khoảng cách gần.
Nhiều tàu của cả 2 bên bị trúng đạn và hư hại nặng, tuy nhiên không có chiếc nào bị đánh chìm.
Không thể cùng lúc đối phó với hỏa lực từ các tàu chiến Nga và từ các pháo đài trên bờ, Đô đốc Togo quyết định rút quân vào giữa trưa ngày 9/2.
Kết thúc trận chiến, hai bên không mất con tàu nào, phía Nga có thể được xem là đã giành một thắng lợi nhỏ do đã đẩy lùi được cuộc tấn công của đối phương.
Nhưng ngược lại, người Nhật tuy chưa thể tiêu diệt hạm đội Thái Bình Dương của Nga nhưng đã có thể bao vây phong tỏa cảng Arthur và qua đó vô hiệu hóa vai trò của hải quân Nga trong khu vực.
2. Trận chiến tại Hoàng Hải
Sau trận chiến tại cảng Arthur, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga và hạm đội liên hợp của Nhật tiếp tục giao chiến một lần nữa vào ngày 10/8/1904, khi hạm đội Nga tìm cách phá vòng vây của hải quân Nhật qua Arthur để di chuyển đến Vladivostok.
Tổng cộng có 10 thiết giáp hạm, 6 của Nga và 4 của Nhật, cùng gần 50 khu trục hạm và tuần dương hạm tham gia trận chiến. Sau gần 7 giờ giao chiến, hơn 7.000 viên đạn đã được bắn ra.
Cả 6 thiết giáp hạm Nga bị hư hại, trong đó 1 chiếc bị hư hại nặng.
Phía Nhật có 2 thiết giáp hạm hư hỏng nặng và 1 chiếc chịu thiệt hại nhẹ. Dự định của người Nga bị phá sản khi hạm đội Thái Bình Dương buộc phải quay về cảng Arthur.
3. Trận chiến tại eo biển Tsushima
Sau 2 thất bại liên tiếp tại cảng Arthur và Hoàng Hải, Sa hoàng ra lệnh cho hạm đội Baltic khởi hành đến Châu Á để tăng viện cho hạm đội Thái Bình Dương.
Xuất phát ngày 15/10/1904, hạm đội dưới quyền Đô đốc Zinovy Petrvich Rozhestvensky đã vượt qua quãng đường hơn 33.000 km từ biển Baltic đến vùng Viễn Đông vào cuối tháng 5/1905.
Ngày 26/5, hạm đội Nga di chuyển qua eo Tsushima để vào biển Nhật Bản và bị tàu trinh sát của Nhật phát hiện. Trước đó, Đô đốc Togo, tư lệnh hạm đội Nhật, đã dự đoán chính xác hải trình này của phía Nga.
Chiều ngày 27/5, hai hạm đội giáp mặt nhau. Hạm đội Nga xếp thành đội hình từ Nam-Tây Nam sang Bắc-Đông Bắc, còn hạm đội Nhật là từ Tây sang Đông Bắc.
Hạm đội Nga có 45 chiếc, gồm 11 thiết giáp hạm, 8 tuần dương hạm, các khu trục hạm và tàu hỗ trợ khác. Phía Nhật có 4 thiết giáp hạm và một số tuần dương hạm, khu trục hạm.
Đội hình hai hạm đội cách nhau khoảng 6km. Hỏa lực của quân Nhật rất ấn tượng, với nhịp bắn và độ chính xác cao.
Hơn nữa, người Nhật sử dụng một loại chất nổ có công thức mới trong đạn của mình, làm bùng lên những đám cháy dữ dội trên bất cứ con tàu nào bị bắn trúng.
Mức độ chính xác của hoả lực Nhật làm người Nga phải sững sờ.
Một sĩ quan Nga, Vladimir Semenoff Semenoff, đã viết: “Không thể đếm được số lần chúng tôi bị bắn trúng. Đạn dường như đang được rót xuống chúng tôi không ngừng”.
Kỳ hạm Mikasa của Đô đốc Togo được bảo quản và trưng bày để kỷ niệm chiến thắng tại Tsushima
Tháp pháo trên Mikasa
Kết cuộc trận chiến đã cho thấy chiến thắng vang dội cho phía Nhật. Hạm đội Nga mất phần lớn số tàu chiến, bao gồm toàn bộ số thiết giáp hạm, 4.380 người chết, 5.917 bị thương, 4.000 bị bắt làm tù binh, trong đó có 3 Đô đốc.
Hạm đội Thái Bình Dương và Baltic gần như bị xóa sổ.
Trong khi đó, phía Nhật mất 117 người, 583 bị thương, mất 3 tàu phóng lôi.
(Còn tiếp)