Đối đầu Mỹ-Nhật: "Cuộc bắn gà" của phi công Mỹ ở quần đảo Mariana

Nhật Huy |

Cuộc đại bại của không lực Nhật Bản trước quân đội Mỹ khiến trận chiến trên biển Philippines (1944) có biệt danh "Cuộc bắn gà ở quần đảo Mariana".

Phần 1: Trận thua cay đắng của Hitler trước Không quân Anh

Với nhiệm vụ quét sạch máy bay đối phương để giành kiểm soát trên không, máy bay tiêm kích luôn đóng một vai trò thiết yếu trong chiến tranh hiện đại.

Lịch sử cũng cho thấy bên tham chiến nào có tiêm kích giành phần thắng trong không chiến cũng thường giành thắng lợi cuối cùng.

Dưới đây là những trận chiến lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử của máy bay tiêm kích.

4. Trận chiến trên vùng biển Philippines

Trận hải chiến tại Midway là bước ngoặt cho chiến trường Thái Bình Dương. Nhưng xét về quy mô, số lượng tàu chiến cũng như máy bay tham chiến thì nó vẫn không sánh bằng trận chiến tại vùng biển Philippines, diễn ra từ 19 đến 20 tháng 6/1944.

15 tàu sân bay, với 1.000 máy bay của Mỹ, đối đầu với 9 tàu sân bay Nhật, mang theo 700 máy bay, để giành quyền kiểm soát quần đảo Mariana.

Tại trận Midway 2 năm trước đó, hải quân Nhật chịu thất bại nặng nề khi mất 4 tàu sân bay cùng hàng trăm máy bay.

Nhưng bên cạnh mất mát về phương tiện, thiệt hại lớn nhất của hải quân Nhật là việc mất rất nhiều phi công lão luyện.

Ngoài ra, trong trận chiến lần này, hải quân Mỹ có trong tay F6F Hellcat, mẫu máy bay tiêm kích mới. Trong khi đó, hải quân Nhật vẫn dựa vào mẫu tiêm kích Zero đã lạc hậu.

Với động cơ mạnh mẽ, Hellcat có vận tốc tối đa 620 km/h so với 530 km/h của Zero. Nó cũng có lớp bảo vệ chắc chắn hơn nhiều so với Zero.

Một phi đội Hellcat

Sự chênh lệch thể hiện rất rõ qua kết quả của trận chiến. Hơn 500 máy bay Nhật bị bắn rơi.

Phía Mỹ mất 123 máy bay, nhưng chỉ 40 trong số đó là bị hạ trong không chiến, số còn lại bị rơi do hết nhiên liệu hoặc gặp tai nạn khi hạ cánh trong đêm.

Những phi công Mỹ thậm chí gọi đây là "cuộc bắn gà". Sau trận chiến này, hải quân Nhật không còn khả năng thực hiện những chiến dịch quy mô lớn sử dụng máy bay từ tàu sân bay nữa.

Thủy thủ Mỹ theo dõi máy bay Mỹ và Nhật đang quần đảo trên bầu trời

5. Chiến dịch Argument

Đối với phe Đồng minh, một trong những bước chuẩn bị quan trọng nhất cho chiến dịch đổ bộ tại Normandy là làm suy yếu năng lực của không quân Đức.

Để đạt được mục tiêu này, không quân Mỹ thực hiện những vụ ném bom chiến lược quy mô lớn nhằm vào các cơ sở sản xuất máy bay của Đức nhằm buộc máy bay tiêm kích của nước này phải xuất kích.

Khi đó, không quân Mỹ, vừa được trang bị tiêm kích P-51 Mustang, sẽ có cơ hội giao chiến và tiêu diệt máy bay Đức với số lượng lớn.

Trước đây, Anh và Mỹ không có máy bay tiêm kích có tầm bay đủ lớn để xâm nhập sâu vào nội địa nước Đức.

Vì vậy, những máy bay ném bom chiến lược của Mỹ phải thực hiện nhiệm vụ mà không có máy bay tiêm kích yểm trợ và phải chịu tổn thất nặng nề từ pháo phòng không và không quân Đức.

Với sự xuất hiện của P-51, lần đầu tiên có một loại máy bay tiêm kích có thể giao chiến sâu bên trong lãnh thổ Đức.

Máy bay tiêm kích Mỹ cũng được phép tự do tấn công và truy đuổi các máy bay tiêm kích của Đức mà không cần phải luôn theo sát máy bay ném bom.

P-51 nhìn từ bên trong một máy bay ném bom

Chỉ trong 5 ngày của chiến dịch, từ 20 đến 25 tháng 2/1944, không quân Đức mất 355 tiêm kích trong những cuộc không chiến với người Mỹ.

Quan trọng hơn là họ cũng mất gần 100 phi công dày dạn kinh nghiệm và không có đủ thời gian để thay thế. Trong khi đó, chỉ có 33 máy bay tiêm kích Mỹ bị hạ.

Chiến dịch này mở đường cho phe Đồng minh làm chủ hoàn toàn bầu trời trong chiến dịch đổ bộ vào Normandy.

6. "Ngày thứ Năm đen tối" trong Chiến tranh Triều Tiên

Trong giai đoạn đầu của chiến tranh Triều Tiên, không quân Mỹ vẫn sử dụng máy bay ném bom B-29 để tấn công các mục tiêu chiến lược của Bắc Triều Tiên.

Yểm trợ cho B-29 là máy bay tiêm kích P-51. Cả 2 loại máy bay cánh quạt nổi danh trong Thế chiến thứ 2 này đều vẫn tỏ ra rất hữu dụng và hoàn toàn làm chủ bầu trời cho đến khi Trung Quốc và Liên Xô trực tiếp tham chiến.

Bước ngoặt này của cuộc chiến cũng đồng thời giới thiệu một loại vũ khí mới, máy bay tiêm kích phản lực, cụ thể là MiG-15.

Bên cạnh P-51, không quân Mỹ cũng triển khai 2 mẫu máy bay tiêm kích phản lực F-80 và F-84.

Tuy nhiên, cả 2 đều là những thiết kế rất sơ khai, vẫn sử dụng cánh thẳng tương tự máy bay cánh quạt, thay vì cánh cụp về phía sau như MiG-15 nên chịu bất lợi về tốc độ.

Tiêm kích F-80

Bất lợi này được thể hiện rõ trong trận không chiến lớn vào ngày 12/04/1951, khi 30 chiếc MiG-15 tấn công đội hình gồm 36 máy bay ném bom B-29 đang được 100 chiếc F-80 và F-84 yểm trợ.

Mặc dù thua kém về số lượng, những chiếc MiG-15 vẫn bắn rơi 12 chiếc B-29 mà không chịu tổn thất nào. Người Mỹ gọi đây là "Ngày thứ Năm đen tối".

Trận không chiến này là lời cáo chung cho những loại máy bay cánh quạt trong thời đại phản lực.

Không quân Mỹ sau đó phải hạn chế sử dụng B-29, chỉ dùng trong những phi vụ ném bom ban đêm và cho triển khai F-86, mẫu máy bay phản lực cho cánh cụp về phía sau tương tự như MiG-15 để thay thế cho F-80 và F-84 trong vai trò tiêm kích.

MiG-15 đang cơ động để khai hỏa vào B-29

MiG-15 đang cơ động để khai hỏa vào B-29

7. Chiến tranh Lebanon

Cuộc chiến năm 1982 tại Lebanon là lần thứ 4 mà 2 nước Israel và Syria có chiến tranh. Và cũng như 3 lần trước, chiến thắng cuối cùng thuộc về người Do thái, mà trong đó sức mạnh không quân đóng vai trò then chốt.

Trong cuộc chiến Yom Kippur trước đó, không quân Israel chịu thiệt hại nặng vì hệ thống tên lửa phòng không mà Liên Xô cung cấp cho Ai Cập và Syria.

Vì vậy, vào ngày 9/6/1982, 3 ngày sau khi cuộc chiến tại Lebanon nổ ra, không quân Israel đã thực hiện một chiến dịch trên không quy mô và tinh vi nhằm truy tìm và tiêu diệt hệ thống phòng không của Syria triển khai tại đây, đặc biệt là quanh khu vực thung lũng Bekaa.

Một giàn tên lửa phòng không SA-6 của Syria tại Bekaa

Những máy bay không người lái được dùng để giả làm mục tiêu, khiến những khẩu đội tên lửa phòng không Syria mở radar theo dõi và do đó để lộ vị trí của mình.

Những chiến đấu cơ F-4 mang tên lửa diệt radar AGM-78 và AGM-45 sau đó xuất hiện và tấn công các vị trí này, gây hậu quả vô cùng nặng nề cho phía Syria.

17 trong số 19 khẩu đội tên lửa phòng không của họ bị tiêu diệt.

Để đáp trả, không quân Syria tung ra hơn 100 máy bay tiêm kích, gồm chủ yếu là MiG-21 và MiG-23, để đẩy lùi đợt tấn công này. Phía Israel cũng tung ra hơn 90 F-15 và F-16.

Trận không chiến giữa gần 200 chiếc tiêm kích cơ kéo dài trong chưa đầy 2 giờ, với kết quả nghiêng hẳn về một phía. Syria có 29 máy bay bị bắn rơi trong lúc Israel chỉ mất 1 chiếc F-4 và 1 chiếc Kfir.

Có nhiều nguyên nhân đằng sau thắng lợi áp đảo của không quân Israel trong trận không chiến này. Phi công Israel luôn được huấn luyện tốt hơn các phi công A rập.

Bên cạnh đó là sự xuất hiện của F-15 và F-16, những chiến đấu cơ thế hệ 4 hoàn toàn vượt trội so với những máy bay của Syria. Trong đó F-15 cho đến nay vẫn giữ kỷ lục chưa từng bị bắn hạ trong không chiến.

Một chiếc F-16 với 7 lần bắn hạ máy bay Syria

Ngoài ra, không quân Israel cũng sử dụng những chiến thuật và công nghệ hiện đại nhất lúc bấy giờ, như dùng máy bay cảnh báo sớm trên không E-2C để giúp các máy bay tiêm kích cơ động vào vị trí thuận lợi nhất.

Trong khi đó, không quân Syria vẫn phụ thuộc vào chỉ dẫn từ đài chỉ huy mặt đất nhưng đường truyền này cũng thường xuyên bị Israel gây nhiễu.

Các máy bay không người lái của Israel còn thường xuyên giám sát hoạt động của các sân bay quân sự Syria và do đó nước này nắm được thời điểm và số lượng khi máy bay Syria xuất kích.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại