Tổn thất nặng vì tàu Mistral, Pháp vẫn “lên gân”

Văn Linh |

Dù đang đối mặt với nguy cơ tổn thất nặng nề và phải trả giá đắt vì tự ý hủy bỏ hợp đồng bán siêu tàu chiến Mistral cho Nga, nhưng Pháp vẫn “lên gân” bằng việc tuyên bố tăng ngân sách quốc phòng.

Pháp dự kiến sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên thêm con số 4,2 tỷ USD trong vòng 4 năm nữa, bắt đầu từ năm 2016, bất chấp việc nước này chưa đạt được thỏa thuận trong hợp đồng bán siêu tàu chiến Mistral cho Nga, vốn đang bị trì hoãn vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố, quyết định tăng chi tiêu quốc phòng được đưa ra nhằm đảm bảo quân đội của Pháp có thể giải quyết các vấn đề trong nước, cũng như duy trì được những nhiệm vụ ở bên ngoài, đáng chú ý là ở Châu Phi và Trung Đông.

"Pháp đang phải đối mặt với những mối đe dọa cả từ bên trong lẫn bên ngoài. An ninh, sự bảo vệ và độc lập là những nguyên tắc không thể nhượng bộ hay đàm phán’, ông Hollande nhấn mạnh như vậy với các phóng viên sau cuộc họp nội các về quốc phòng hôm thứ Tư (29/4).

Trước đó, Pháp từng tuyên bố sẽ giữ nguyên mức ngân sách quốc phòng là 34,5 tỷ USD (31,4 tỷ euro) trong giai đoạn từ 2014 đến 2019.

Việc giữ nguyên mức ngân sách quốc phòng như vậy dự kiến sẽ khiến Pháp mất 34.000 việc làm trong Lực lượng Vũ trang.

Tuy nhiên, với mức tăng chi tiêu quốc phòng mới được quyết định, Pháp có thể cứu vãn được một số việc làm trong quân đội nước này.

Pháp đang phải đối diện với nguy cơ tổn thất nặng nề và phải trả giá đắt cho việc không thực hiện hợp đồng bán siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga.

Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỷ euro (1,5 tỷ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011.

Theo hợp đồng, Pháp phải bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok cho Nga vào ngày 14/11 năm ngoái, trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, thời hạn bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral đầu tiên cho Nga đã qua đi nhiều tháng mà Pháp vẫn không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của mình. Lý do của sự trì hoãn này là cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đổ lỗi cho Moscow đứng đằng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine, châm ngòi cho cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nước này.

Dù Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên nhưng Mỹ và đồng minh EU vẫn gây sức ép với Moscow trên mọi mặt trận từ chính trị, kinh tế, ngoại giao đến quân sự.

Trong một động thái nhằm trừng phạt Nga trên mặt trận quân sự, Mỹ và các đồng minh đã gây sức ép mạnh mẽ để buộc Pháp phải ngừng bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga.

Nga lúc đầu còn tỏ ra kiên nhẫn chờ đợi Pháp.

Tuy nhiên, càng về thời gian gần đây, giới chức Nga càng tỏ ra mất kiên nhẫn và liên tục kêu gọi Pháp hãy đưa ra quyết định cuối cùng: hoặc là giao tàu cho Nga hoặc là trả lại tiền Nga đã thanh toán trước cho hợp đồng.

Thậm chí, mới đây, Tổng thống Nga Putin còn thẳng thừng tuyên bố không cần đòi tiền phạt của Pháp mà chỉ cần Pháp trả lại tiền mua tàu chiến Mistral cho Nga.

Trong trường hợp hợp đồng siêu tàu chiến Mistral giữa Nga và Pháp đổ vỡ, người bị chịu thiệt thòi nặng nề nhất chính là Pháp.

Pháp sẽ phải trả Nga số tiền mà nước này thanh toán trước lên tới 890 triệu euro (965 triệu USD). Cộng thêm một số khoản bồi thường, chi phí khác, tổng số tiền mà Paris phải trả cho Moscow sẽ lên tới 1 tỷ euro.

Chưa hết, nếu hai chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral mà Pháp đóng cho Nga vẫn tiếp tục ở lại Pháp thì riêng chi phí để duy trì, bảo dưỡng và bảo đảm an ninh cho hai con tàu đó đã ngốn của những người đóng thuế ở Pháp số tiền khoảng 5 triệu euro mỗi tháng.

Điều đáng nói hơn là Pháp cũng đang hoàn toàn bế tắc trong việc tìm người mua mới cho hai siêu tàu chiến Mistral trong khi quân đội Pháp đã có trong tay 3 chiếc tàu loại này và họ hoàn toàn không muốn có thêm bất kỳ một chiếc tàu chiến nào tương tự.

Hải quân Pháp cho biết, nếu phải nhận thêm bất kỳ siêu tàu chiến Mistral nào thì đó sẽ là cơn ác mộng đối với họ.

Lý do là điều này đồng nghĩa với việc Hải quân Pháp phải bỏ tiền ra mua siêu tàu chiến Mistral và duy trì, bảo dưỡng, bảo vệ nó trong khi ngân sách cho họ không hề thay đổi.

Như vậy, Hải quân Pháp sẽ không còn tiền để đầu tư cho các loại vũ khí khác và phải chịu sự bất cân bằng về sức mạnh khi chỉ dựa vào những chiếc tàu chiến Mistral.

Về phần mình, Nga tuyên bố đầy tự tin rằng, việc không có siêu tàu chiến Mistral chẳng làm ảnh hưởng gì đến sức mạnh quân sự của họ và rằng Nga hoàn toàn có thể tự đóng cho mình những chiếc tàu chiến tương tự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại