1. Thiếu úy
Quân hàm Thiếu úy Quân đội Nhân dân Việt Nam
Thiếu úy (Second Lieutenant/ Junior Lieutenant) bắt nguồn từ tiếng Pháp có nghĩa là người nắm quyền chỉ huy lính bộ binh và kỵ binh. Từ năm 1789, khi cuộc Đại Cách mạng tư sản Pháp bùng nổ, Thiếu úy là quân hàm thấp nhất trong các bậc quân hàm cấp úy của quân đội Pháp. Ở nước Đức, từ Thiếu úy là do từ "Đại biểu" trong tiếng Pháp trải qua một quá trình biến đổi mà thành vào khoảng năm 1500, ban đầu người ta sử dụng nó để gọi các chỉ huy quân sự nào đó hoặc cán bộ trong biên chế. Tại nước Nga, quân hàm Thiếu úy được thiết lập trong thời đại Sa hoàng Peter I.
Quân hàm Thiếu úy quân đội Pháp
Ngày nay, quân hàm Thiếu úy được sử dụng rộng rãi trong hệ thống các cấp bậc quân hàm của hầu hết quốc gia trên thế giới nhưng cũng có vài ngoại lệ. Ví dụ ở Ba Lan thì quân hàm cấp úy thấp nhất là Trung úy, còn ở Romania thì quân hàm Thiếu úy dành riêng để phong cho các nữ sĩ quan, đối với các nam sĩ quan thì quân hàm thấp nhất của họ là Trung úy.
2. Trung úy
Quân hàm Trung úy Quân đội Nhân dân Việt Nam
Trung úy (Lieutenant/ First Lieutenant) - xuất phát từ gốc tiếng Pháp có nghĩa là "Người đại diện", "Chức phó". Từ Trung úy được sử dụng như tên gọi một chức vụ trong quân đội lần đầu tiên xuất hiện tại Pháp. Năm 1444, người đứng đầu đảm nhiệm chức vụ đội phó được gọi là Trung úy và đến cuối thế kỷ 15, Trung úy trở thành tên gọi chức danh của đại đội phó. Từ thế kỷ 17, Trung úy dần trở thành quân hàm của hải - lục - không quân trong quân đội Pháp và một số nước khác. Còn ở Nga thế kỷ 17, quân hàm Trung úy được sử dụng để phong cho đại đội trưởng
Quân hàm Trung úy quân đội Anh
Ngày nay hầu hết các nước trên thế giới đều sử dụng cấp bậc Trung úy trong hệ thống quân hàm của mình, thông thường quân hàm này tương ứng chức vụ trung đội trưởng hoặc đại đội phó.
3. Thượng úy
Quân hàm Thượng úy Quân đội Nhân dân Việt Nam
Thượng úy (Senior Lieutenant/ Captain) - cấp bậc trung gian giữa Trung úy và Đại úy do Peter Đại đế đặt ra, chỉ tồn tại trong quân đội một số quốc gia thuộc khối XHCN cũ hay chịu ảnh hưởng của Liên Xô/ Nga, cấp bậc này được dịch là "Trung úy cấp trên" và đôi khi cũng được gọi luôn là Đại úy.
Quân hàm Thượng úy quân đội Triều Tiên
Trong Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng như một số quốc gia khác, đây là quân hàm cao nhất dành cho sỹ quan chỉ huy cấp trung đội và có thể đảm nhiệm chức đại đội trưởng hoặc đại đội phó.
4. Đại úy
Quân hàm Đại úy Quân đội Nhân dân Việt Nam
Đại úy (Captain) bắt nguồn từ tiếng Latinh có nghĩa là "Thủ lĩnh", nghĩa phái sinh là "Chỉ huy quân sự". Quân hàm Đại úy được bắt đầu sử dụng tại Pháp từ thời trung cổ, là quân hàm cao nhất của chỉ huy quân khu độc lập, khi đó quân hàm Đại úy sánh ngang với quân hàm Nguyên soái.
Sau đó, từ Đại úy dần bị mất đi nghĩa gốc của nó, từ năm 1558 bắt đầu sử dụng để phong cho đại đội trưởng, người chỉ huy quân khu độc lập được gọi là Tổng đại úy. Ở nước Nga thế kỷ 16 thời kỳ Boris Godunov, chỉ huy quân sự là người nước ngoài được gọi là Đại úy. Từ năm 1647, Đại úy là quân hàm cấp 1 phong cho đại đội trưởng theo biên chế mới của trung đoàn. Đến thế kỷ 18, tất cả các đại đội trưởng quân đội chính quy đều được phong quân hàm Đại úy.
Quân hàm Đại úy quân đội Nga
Ngày nay quân đội mọi quốc gia đều sử dụng quân hàm này, Đại úy là quân hàm cao nhất đối với cấp úy trong tất cả các hệ thống quân hàm, thông thường đây là cấp bậc của đại đội trưởng. Đối với những nước quy định cấp úy có 4 bậc thì quân hàm này còn có thể được gọi là "Senior Captain" để phân biệt với "Đại úy 3 sao" (Thượng úy).
(Còn tiếp)