Tiêm kích thế hệ 4 nào vô địch?

Cho đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 6 kiểu tiêm kích thế hệ 4 có “kinh nghiệm tác chiến thực tiễn”: F-15 và F-16, F/A -18 (Mỹ), Su-27, MiG-29 (Liên Xô/ Nga), Mirage-2000 (Pháp).

Trong các bài trước, độc giả đã được giới thiệu bài viết "Tên lửa phòng không nào là vô địch?" của tác giả A.Khamchikhin.

P1: Tên lửa phòng không nào là vô địch?

P2: Tên lửa phòng không vô địch: Chuyện Mỹ bắn nhầm quân mình

Xin giới thiệu tiếp một bài mới của ông về một loại phương tiện phòng không khác - máy bay tiêm kích, với tiêu đề “Khúc khải hoàn của máy bay tiêm kích thế hệ bốn” đăng trên Russkaia Planeta ngày 25/8/2914.

Máy bay tiêm kích MiG-29 .Ảnh : Xergey Ponomarev/AP
Máy bay tiêm kích MiG-29. Ảnh: Xergey Ponomarev/AP

Những trang sử của máy bay tiêm kích mới nhất

Trong biên chế của không quân một số nước khác nhau trên thế giới vẫn còn tương đối nhiều máy bay tiêm kích thế hệ hai và thế hệ ba. Chúng đã tham gia vào nhiều cuộc chiến tranh cục bộ và không thể nào ghi lại hết những chiến tích của chúng chỉ trong phạm vi một bài báo.

Chỉ riêng lịch sử các cuộc không chiến giữa “F-4” và “ MiG-21”đã có thể viết thành một quyển sách dày. Hơn thế nữa, nếu ai đó muốn tổng hợp những chiến thắng và tổn thất của máy bay tiêm kích đều đối mặt với vô số mâu thuẫn trong những số liệu mà các bên liên quan đưa ra. Cũng dễ hiểu bởi nó liên quan đến công tác tuyên truyền.

Cần phải tiến hành rất nhiều phép so sánh số liệu từ các nguồn khác nhau để có thể đưa ra được một bức tranh tạm gọi là khách quan.

“Bộ mặt” của các lực lượng không quân hiện đại là các máy bay tiêm kích thế hệ bốn. Tuy nhiên, kinh nghiệm và thực tiễn tác chiến của chúng ít hơn nhiều so với những thế hệ “tiền nhiệm".

Ví dụ, cho đến nay các máy bay tiêm kích thế hệ bốn của Trung Quốc như J-11 (“nhân bản” Su-27) và J-10 chưa tham gia trận nào. “Typhoon” của Châu Âu, “Rafael” của Pháp và “Gripen” của Thụy Điển mới chỉ chiến đấu như trên trường bắn tập ở Libya, - nơi đối phương không có phương tiện phòng không và các máy bay này được sử dụng chủ yếu là để diệt các mục tiêu trên mặt đất.

Cho đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 6 kiểu máy bay tiêm kích thế hệ 4 là có “kinh nghiệm tác chiến thực tiễn”: F-15 và F-16, F/A -18 của Mỹ, Su-27 và MiG-29 của Liên Xô/ Nga, “ Mirage-2000” của Pháp.

Xin lần lượt điểm qua những “thành tích” và tổn thất của những máy bay tiêm kích này:

Loại máy bay tiêm kích thế hệ bốn đầu tiên được đưa vào trang bị là F-15. Lúc cao điểm, Không quân Mỹ đã từng có 893 chiếc F-15A/B/C/D trong trang bị nhưng hiện nay, chỉ còn lại 253 chiếc trực chiến (dự kiến đến năm 2025-ND) và 187 chiếc đang được bảo quản niêm cất, có nghĩa là chỉ còn gần một nửa.

Nhưng phải nói ngay rằng, F-15 là một chiến binh trên không thực thụ, số lượng máy bay đối phương bị F-15 bắn hạ nhiều hơn số “nạn nhân” của tất cả các “đồng nghiệp” khác (5 kiểu máy bay tiêm kích thế hệ bốn khác như đã nói ở trên) cộng lại.

Đến thời điểm này, có thể khẳng định: F-15 đang giữ ngôi vô địch nếu tính theo tiêu chí số máy bay mà nó bắn hạ. Nhưng cũng phải nói thêm, chính F-15 trong biên chế của Không quân Israel mới có thành tích nhiều nhất chứ không phải F-15 của Không quân Mỹ.

Lần đầu tiên F-15 xuất trận là vào tháng 6/1979, trong một trận không chiến với Không quân Syria. Từ thời điểm đó cho đến tháng 5/1982, F-15 đã hạ từ 9 đến 14 chiếc MiG-21 và 01 đến 02 chiếc MiG-25 của Syria (con số ít hơn là của Syria, con số nhiều hơn là của Israel).

Còn theo số liệu của Liên Xô - Syria thì trong các trận không chiến này, đã có 3 hoặc 4 chiếc F-15 bị bắn hạ (MiG- 21 hạ 02 chiếc, MiG-25 - 1 hay 2 chiếc) và 4 chiếc khác – do Tổ hợp tên lửa phòng không “Osa”. Phía Israel bác bỏ hoàn toàn thông tin này, Syria cũng không đưa ra được bất kỳ một bằng chứng đủ thuyết phục cho chiến thắng của mình.

Trong những trận đánh ác liệt tháng 6 /1982, Israel công bố là F-15 đã hạ được 63 máy bay Syria (sau này được chốt lại là 38 chiếc, trong đó có 18 MiG-21, 12MiG-23, 2 chiếc không rõ là loại máy bay nào). Syria cũng tuyên bố là ít nhất đã có 5 chiếc F-15 bị bắn rơi nhưng Israel lại một lần nữa bác bỏ và chỉ thừa nhận là có 1 chiếc bị hư hỏng nặng khi không chiến với MiG-21.

Cuối năm 1983, Syria không chỉ đánh nhau với Israel mà còn cả với NATO tại Li Băng. Theo số liệu của Liên Xô, trong khoảng thời gian đó, MiG-23ML của Syria bắn hạ 3 chiếc F-15 .Phía Israel cũng không thừa nhận tổn thất này.

Lần cuối cùng F-15 của Israel hạ MiG-29 của Syria là vào tháng 6/1989. Hai chiếc MiG-29 đã bị F-15 bắn hạ. Phía Israel không có tổn thất nào.

F-15C của Ả-rập Xê-út vào tháng 4/1984 cũng đã bắn rơi 01 hoặc 02 chiếc máy bay tiêm kích F-4 của Iran. Sau đó, trong chiến dịch “ Bão táp sa mạc” tháng 1/1991, cũng chính F-15C của nước này hạ thêm 02 chiếc “ Mirage-F1” của Iraq. Vào tháng 2 (khi vẫn đang diễn ra chiến sự), 01 chiếc F-15C của Ả-rập Xê-út bị rơi. Theo thông báo chính thức, nguyên nhân là do trục trặc kỹ thuật.

Tiêm kích F-15 của Mỹ ở Dakhran (A rập- Xê-ut,1991). Ảnh: Greg Gibson/AP

Tiêm kích F-15 của Mỹ ở Dakhran (Ả-rập Xê-út,1991). Ảnh: Greg Gibson/AP

F-15 của Không quân Mỹ tham chiến lần đầu tiên trong chiến dịch “Bão táp sa mạc”: Chính những chiếc F-15 này đã gây những tổn thất chủ yếu cho Không quân Iraq: đã bắn rơi 4 hoặc 5 chiếc MiG-29, 02 MiG-25, 06 hoặc 08 chiếc MiG-23, 02 chiếc MiG-21, 01 Su-7, 04 Su-22, 02 Su-25, 06 hoặc 08 chiếc “Mirage-F1” và 03 máy bay lên thẳng.

Lần cuối F-15C của Mỹ “ra trận” là từ tháng 3 đến tháng 6/1999, trong cuộc chiến tranh Nam Tư. Chúng (F-15C) đã hạ 03 hoặc 04 chiếc MiG-29 của Không quân Nam Tư.

Không một chiếc F-15 A/B/C/D nào của Mỹ bị bắn hạ (kể cả trong các cuộc không chiến với máy bay tiêm kích đối phương lẫn từ các phương tiện phòng không mặt đất - qua những thông tin đã được kiểm chứng).

Tất cả những tổn thất của dòng máy bay F-15 đều thuộc về F-15E, và loại máy bay này cũng chưa giành được một chiến thắng nào.

Ngay trước khi chiến dịch “Bão táp sa mạc” bắt đầu (cuối năm 1990), đã có 01 F-15E rơi trên bán đảo A rập. Còn thiệt hại trực tiếp trong tác chiến là 02 chiếc: 01 chiếc do pháo phòng không, còn chiếc khác – bị S-75 bắn. Trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh Iraq lần thứ hai tháng 4/2003, Phòng không Iraq đã bắn rơi 01 chiếc F-15E.

Cuối tháng 7/2009, một chiếc F-15E nữa bị rơi ở Iraq nhưng không rõ nguyên nhân. Tháng 3/2011, tại Lybia cũng có thêm 01 chiếc F-15 rơi và lần này gần như chắc chắn là do trục trặc kỹ thuật, bởi vì lực lượng của M.Kaddafi không có gì trong tay để bắn hạ loại máy bay này.

Tiêm kích F-15C Ảnh: Kamal Kishore AH / Reuters
Tiêm kích F-15C Ảnh: Kamal Kishore AH / Reuters

Mới đây nhất, ngày 27/8 /2014 một máy bay tiêm kích F-15 của Mỹ lại rơi tại bang Virginia. Cả nguyên nhân lẫn số phận của viên phi công vẫn chưa được xác định.

F-16 có một “lý lịch tác chiến” “đầy đặn” hơn nhiều so với F-15 – nhưng thắng lợi thì ít hơn nhiều mà tổn thất lại lớn hơn nhiều.

Từ tháng 7/1981 đến tháng 5/1982, các F-16 của Israel đã bắn rơi 04 chiếc MiG-21 và 02 MiG-23 của Syria. Cũng có thông tin là tổ hợp tên lửa phòng không “Osa” đã hạ được 03 F-16 nhưng không có bằng chứng. Israel hoàn toàn phủ định bất kỳ tổn thất nào của cả F-15 lẫn F-16.

Trong các trận chiến ác liệt vào tháng 6/1982, các F-16 của Israel (theo một số nguồn tin) đã bắn hạ 45 máy bay Syria nhưng sau đó con số trên rút lại còn 33. Có thể khẳng định chắc chắn những số liệu sau: từ 03 đến 06 MiG-23MF và 09 máy bay cường kích (07 Su-22 và 02 MiG-23BN). Phía Syria cũng đưa ra con số là đã hạ được từ 03 đến 06 F-16 trong các trận không chiến, phía Ixrael cho rằng đây chỉ là tin “vịt”.

Trong cuộc chiến Li Băng mới đây nhất vào tháng 07/2006, 01 chiếc F-16D của Israel bị rơi, nhưng nó bị rơi ngay sau khi cất cánh – điều đó chứng tỏ chiếc máy bay rơi vì trục trặc kỹ thuật chứ không phải do tên lửa của “Hecbola”.

Sau F-16 của Israel, đến lượt F-16 của Pakistan tham chiến cùng với lực lượng Hồi giáo trong cuộc chiến tranh không tuyên bố ở Afganistan chống lại Liên Xô và chính phủ Afganistan lúc đó.

F-16 của Pakistan đã hạ được 2 chiếc tiêm kích MiG-23 của Không quân Afganistan, 03 hoặc 04 chiếc cường kích Su- 22, 01 máy bay hành khách An-26 và 01 An-32 và đây phải coi là tội ác chiến tranh (không hiểu tại sao Phương Tây im lặng về vấn đề này), 01 máy bay cường kích Su-25 của Không quân Liên Xô do A.Ruskoi điều khiển (ông này sau đó tham gia chính trường và trở thành phó tổng thống duy nhất của Nga từ 10/7/1991 đến 04/10/1993).

Pakistan bị mất 01 chiếc F-16. Nó bị bắn rơi ngày 29/4/1987 trong cuộc tao ngộ chiến với MiG-23 MLD (tức tiêm kích thế hệ ba). Tuy nhiên, theo thông báo chính thức thì chiếc F-16 này đã bị số hai của mình bắn nhầm nhưng đại đa số các chuyên gia vẫn cho rằng chiếc F-16 này là nạn nhân của MiG.

Máy bay tiêm kích F-16 của Mỹ ,1993. Ảnh Richard Shenwald/AP
Máy bay tiêm kích F-16 của Mỹ ,1993. Ảnh Richard Shenwald/AP

F-16 của Không quân Mỹ tham chiến lần đầu tiên trong chiến dịch “ Bão táp sa mạc”. Do chức năng tác chiến với Không quân Iraq được giao hoàn toàn cho F-15 nên F-16 được sử dụng với chức năng máy bay tấn công. Cũng chính vì thế, F-16 không hạ được chiếc máy bay nào của đối phương trong chiến dịch này.

Nhưng trước khi tiến hành chiến dịch đã có tới 3 chiếc F-16 của Không quân Mỹ rơi trên không phận bán đảo A rập (không rõ nguyên nhân). Trực tiếp trong chiến dịch có 7 chiếc F-16 bị rơi, trong số đó chỉ có 3 chiếc được khẳng định chắc chắn là bị bắn hạ bởi “Igla”, “Kvadrat” và S-125. Tại sao 04 chiếc còn lại bị rơi – không hoàn toàn rõ ràng.

Chiến thắng đầu tiên F-16 của Không quân Mỹ giành được là vào tháng 12/1992 tại Iraq: trong khi thực hiện nhiệm vụ giám sát “khu vực cấm bay”, F-16 đã hạ 01 chiếc MiG-25 của Không quân Iraq.

Trong cuộc chiến tranh Iraq lần thứ hai đã có tới 5 chiếc F-16 gặp nạn. Tháng 11/2006, 01 chiếc F-16 đã rơi trong khi đang yểm trợ cho bộ binh. Phía Mỹ cho biết là chiếc máy bay này bị rơi do viên phi công đã mất hướng và lao xuống đất khi truy kích một chiếc xe của đối phương.

Về nguyên nhân tổn thất của 04 chiếc F-16 còn lại thì “lịch sử im lặng”. Cũng như không ai biết nguyên nhân chính xác tại sao 01 chiếc F-16C của Không quân Mỹ lại rơi ở Afganistan tháng 4/2013.

Trong cuộc chiến tranh tại Bosnia và Hersevovina, ngày 28/2/1994, F-16 của Mỹ đã bắn hạ 04 chiếc cường kích J-21 của Serbia, đáng chú ý là trong trận không chiến này, một viên phi công Mỹ đã bắn hạ tới 03 chiếc J-21. Tổn thất trong chiến dịch này của F-16 là 01 chiếc bị “Kvadrat” bắn rơi tháng 4/1995. Còn 03 chiếc F-16 khác của Không quân Mỹ được coi là đã bị rơi do trục trặc kỹ thuật.

Trong cuộc chiến tranh 1999, F-16 của Mỹ đã hạ 01 hoặc 02 chiếc MiG-29 của Serbia (chiếc thứ hai có lẽ bị “ Kvadrat” bắn hạ). Cũng trong cuộc chiến tranh này, Mỹ mất 01 chiếc F-16C vì bị S-125 bắn rơi vào đêm 01/5 rạng sáng 02/5.

Ngoài ra, cũng trong cuộc chiến tranh của NATO chống Nam Tư, F-16A của Không quân Hà Lan cũng đã bắn rơi 01 MiG-29 (điều đặc biệt là viên phi công Hà Lan đã hạ viên phi công Serbia lái MiG-19 không phải bằng tên lửa “không đối không" mà là tên lửa chống radar – có lẽ tên lửa này nhằm vào radar của MiG) .

Tháng 8/2006, một chiếc F-16A của Hà Lan đã bị rơi ở Afganistan không rõ nguyên nhân.

F-16 của Không quân Venezuela cũng đã “lập công”. Tháng 12/1992, khi trấn áp vụ nổi loạn của giới quân sự, F-16 của Không quân Venezuela đã bắn hạ -3 chiếc máy bay cường kích hạng nhẹ (02 chiếc OV-10 của Mỹ và 01 AT-27 do Brazil sản xuất) cũng của các phi công Venezela nhưng ủng hộ quân nổi dậy.

Lần gần đây nhất, F-16 được sử dụng (cả hai bên tham chiến) là trong cuộc chiến tranh lạnh thường xuyên không tuyên bố giữa hai “đồng minh đáng nguyền rủa” trong NATO là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Đôi khi “cuộc chiến tranh lạnh” này đã biến thành “cuộc chiến tranh nóng”.

Xin dẫn một ví dụ, tháng 10/1996, F-16D của Thổ Nhĩ Kỳ đã hạ 01 chiếc “Mirage-2000G” của Hy Lạp (một trong hai phi công Hy Lạp thiệt mạng). Còn vào tháng 5/2006, 02 chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy lạp đã đâm vào nhau khi cơ động. Cả 02 chiếc đều bị rơi, viên phi công Hy Lạp tử nạn.

Tháng 5/2003, 01 chiếc F-16C của Thổ Nhĩ Kỳ bị rơi không rõ nguyên nhân ngay sát biên giới với Syria. Không rõ chiếc máy bay này rơi do trục trặc kỹ thuật hay bị phòng không Syria bắn hạ. Đến tháng 3/2004, F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ lại bắn rơi 01 MiG-23 của Syria.

Các máy bay tiêm kích thế hệ bốn của Không quân Hải quân Mỹ F/A-18 có ít chiến thắng nhất và cũng ít tổn thất nhất. Đêm đầu tiên trong chiến dịch “Bão táp sa mạc” (đêm 17 rạng ngày 18/01/2003), các máy bay tiêm kích này đã bắn rơi 02 chiếc tiêm kích thế hệ hai MiG-21.

Cũng trong đêm đó, 01 chiếc F/A-18C đã bị máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-25 bắn rơi. Đây là tổn thất duy nhất của máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ được nước này chính thức thừa nhận trong toàn bộ thời kỳ sau chiến tranh Việt Nam và cũng là tổn thất duy nhất của máy bay tiêm kích thế hệ bốn trong các cuộc không chiến với các máy bay tiêm kích do Liên Xô sản xuất.

Ngoài ra, trong chiến dịch “Bão táp sa mạc” còn 02 chiếc F/A-18C nữa bị rơi chưa xác định được nguyên nhân. Cả chiếc F/A-18C nữa của Mỹ rơi tháng 4/1994 tại Bosnia cũng được coi là chưa rõ nguyên nhân. Trong giai đoạn đầu cuộc chiến tranh Iraq lần thứ hai, vào tháng 4/2003, 01 F/A-18C bị “Patriot” của “mình” bắn rơi.

Cũng trong cuộc chiến tranh này (Iraq), tại khu vực chiến sự đã có 04 chiếc F/A-18 nữa bị rơi – 02 chiếc F/A-18C vào tháng 5/2005, 01 F/A-18E , 01 F/A-18 E và 01 F/A-18F vào tháng 01/2008.

 Su-27 của Nga ,2003. Ảnh:V.Saiapin/ITAR-TASS
Su-27 của Nga, 2003. Ảnh:V.Saiapin/ITAR-TASS

Su-27 của Không quân Nga xuất kích chiến đấu lần đầu tiên tại Abkhazia (Bắc Kapkaz-ND) trong cuộc chiến tranh năm 1992-1993. Cũng tại đây, loại máy bay này đã chịu tổn thất đầu tiên: Ngày 19/3/1993, 01 Su-27 của Nga bị S-75 của Gruzia băn rơi. Có thể là Su-27 của Nga cũng đã hạ được 01 hoặc 02 máy bay cường kích Su-25 của Gruzia, nhưng không có bằng chứng đáng tin cậy nào khẳng định thông tin này.

Trong cuộc chiến tranh 1998-2000 giữa Ethiopia và Eritrea, Su-27 của Ethiopia đã bắn hạ (theo các nguồn số liệu khác nhau) từ 01 đén 04 chiếc MiG-29 của Eritrea và có thể là thêm 02 chiếc MiG-23 nữa.

Người ta cũng cho rằng các máy bay Su-27 của Ethiopia là do phi công Nga điều khiển, còn MiG của Eritrea do phi công Ukraine điều khiển. Ngoài ra, tháng 8/1999, Su-27 của Ethiopia cũng đã bắn nhầm một chiếc máy bay chở khách “Learjet-35” của một hãng hàng không dân dụng tư nhân bay vào không phận nước này.

Và như vậy, thành tích của Su-27 là rất “khiêm tốn”, hơn nữa- tất cả các máy bay nạn nhân của Su-27 đều là máy bay do Liên Xô/Nga sản xuất (nếu không tính chiếc máy bay chở khách “ Learjet”). Cũng có thể là Su-27 không có khả năng không chiến với các máy bay Phương Tây.

Đối với MiG-29, rất tiếc là còn tệ hơn. Trong tất cả các cuộc không chiến với các máy bay cùng “trang lứa” (tức các máy bay tiêm kích thế hệ bốn), MiG-29 đều thua trắng. Trong các cuộc đối đầu với F-15, đã có từ 09 đến 10 MiG-29 bị hạ, còn với F-16 – 02 hoặc 03 chiếc, với Su-27 – theo các số liệu khác nhau – từ 01 đến 04 chiếc.

Có nghĩa là tổng cộng đã có 12 đến 17 MiG-29 bị bắn rơi, trong khi chúng chưa hạ được một máy bay tiêm kích cùng thế hệ nào của đối phương. MiG-29 chỉ có được chiến thắng trong các trận không chiến với các loại máy bay kém hơn về tính năng kỹ-chiến thuật.

Trong chiến dịch “Bão táp sa mạc”, có thể MiG-29 đã hạ được 01 chiếc máy bay ném bom “Tornado” của Anh, nhưng các nguồn tin Phương Tây không khẳng định thông tin này. Ba năm sau đó, có thông tin là MiG-29 của Iraq đã bắn rơi 02 chiếc F-14 của Iran, nhưng cũng không ai dám khẳng định chắc chắn.

Năm 1996, MiG-29 của Cuba đã hạ 02 chiếc “Cessna” (máy bay vận tải hạng nhẹ chở hàng cho các phần tử chống đối ở Cuba). MiG-29 của Eritrea, có thể đã bắn rơi 03 hoặc 04 chiếc MiG-21, 03 MiG-23BN, 01 Su-25 của Ethiopia, nhưng cũng không có bằng chứng xác thực. Điều đó có nghĩa là không loại trừ khả năng là các con mồi mà MiG-29 săn được cho đến thời điểm này chỉ là 02 chiếc “Cessna”.

Trong khi đó, MiG-29 đã bị các phương tiện phòng không mặt đất bắn hạ. Tháng 6/1992, tổ hợp tên lửa phòng không của Nga “Osa” đã bắn rơi 01 chiếc MiG-29 của Moldova trên bầu trời Pridnhetrovie (Moldova không thừa nhận tổn thất này).

Năm 2012, Phòng không của Nam Sudan có lẽ đã hạ được 01 chiếc MiG-29 của Bắc Sudan. Tháng 8/2014 mới đây, 01 MiG-29 của Ukraine cũng đã bị bắn rơi bằng các phương tiện phòng không mặt đất trên bầu trời Donbass (Ukraine).

“Nạn nhân” đầu tiên” của “Mirage-2000” lại cũng chính là một “Mirage-2000 EG” khác của Hy Lạp như đã nói ở trên. Ngày 08/10/1996, “Mirage” Hy Lạp cũng đã hạ 01 F-16D của Thổ Nhĩ Kỳ. Những tổn thất trong tác chiến của loại máy bay Pháp này đã được xác định chắc chắn, cụ thể là: tháng 8/1995, “Strela-2” hoặc “Igla” của Xecbia đã hạ 01 “Mirage-2000N” của Không quân Pháp.

Tuy nhiên, phải nói thêm một điều là “Mirage-2000N” không phải là máy bay tiêm kích mà là máy bay tấn công có thể mang vũ khí hạt nhân. Chính vì vậy mà có lẽ đưa “ Mirage” (cũng như F-15E) vào bảng liệt kê này là không được chính xác lắm.

Ngoài ra, cũng tại Bosnia vào tháng 4/1993, đã có 01 chiếc “Mirage-2000C” bị rơi (đây chính là máy bay tiêm kích) không rõ nguyên nhân. Tại Afganistan , vào tháng 5/2011 , một chiếc “Mirage-2000D ”của Không quân Pháp (biến thể máy bay tấn công) cũng đã gặp nạn trong tác chiến.

Để kết thúc bài viết này, có thể chắc chắn khẳng định là tất cả các loại máy bay tiêm kích kể trên sẽ còn phải “xuất kích” không ít lần nữa, vì thế mà “ bảng xếp hạng thành tích” của chúng sẽ còn thay đổi.

Cũng gần như chắc chắn là các loại máy bay tiêm kích thế hệ bốn còn lại và cả thế hệ năm sẽ được thử thách trong các cuộc không chiến thật, chứ không phải trong các cuộc diễn tập trong tương lai.

Đến thời điểm này, tuy tiêm kích thế hệ năm vẫn chưa có cơ hội thể hiện những tính năng ưu việt (như đang được quảng cáo) của mình trước những “máy bay tiền nhiệm” - nhưng trong bối cảnh thế giới đầy rẫy những xung đột như hiện nay sẽ có một lúc nào đấy các chuyên gia quân sự sẽ rút ra kết luận từ thực tiễn là tiêm kích thế hệ năm có thực sự hiệu quả hay không.

Xem thêm: [Video] Các chiến đấu cơ F-16 trình diễn "Voi đi bộ"

Các chiến đấu cơ F-16 trình diễn "Voi đi bộ"

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại