Xian JH-7 (Jian Hong-7/ Jian - máy bay tiêm kích, Hong - máy bay ném bom), tên ký hiệu NATO Flounder, hay còn được gọi là FBC-1 (Fighter/Bomber China-1) Flying Leopard là một loại tiêm kích bom 2 chỗ ngồi do Trung Quốc chế tạo nhằm thay thế cho chiếc H-5 và Q-5.
JH-7 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 14/12/1988 và chính thức ra mắt vào năm 1992. Tính đến thời điểm năm 2014 đã có khoảng 240 chiếc được chế tạo cho Không quân và Hải quân Trung Quốc.
Đây là mẫu máy bay tiêm kích bom thế hệ mới và có tỷ lệ nội địa hóa cao của Trung Quốc, nó được đánh giá là đơn giản và nhẹ hơn so với cường kích Su-24 hay F-111 cánh cụp cánh xòe, và rẻ hơn rất nhiều so với tiêm kích đa năng Su-30 có hiệu suất chiến đấu cao.
Những chiếc JH-7 đầu tiên sử dụng động cơ nhập khẩu Rolls-Royce Spey Mk.202, sau đó loại động cơ này được Trung Quốc chế tạo theo giấy phép dưới tên gọi WoShan-9 (WS-9).
Động cơ WS-9 có lực đẩy khô 54,29 kN mỗi chiếc và lên tới 91,26 kN khi đốt nhiên liệu lần 2, cho tốc độ tối đa 1.808 km/h; bán kính chiến đấu 1.759 km; tầm bay 3.700 km; trần bay 16.000 m.
Ban đầu JH-7 được trang bị radar Type 243H, loại radar này phát hiện được mục tiêu là tàu chiến từ cự ly 175 km hoặc 75 km đối với tiêm kích cỡ nhỏ như MiG-21.
Đến phiên bản JH-7A thì máy bay được lắp đặt radar JL-10A hoạt động trên băng tần X, JL-10A có tầm phát hiện tối đa chỉ là 104 km nhưng chính xác hơn, tầm theo dõi là 80 km, theo dõi được 15 mục tiêu và bám sát 6 trong số đó.
Vũ khí JH-7 mang được rất đa dạng, tải trọng tối đa 6.500 kg, phân bổ trên 9 giá treo gồm: tên lửa đối hạm C-802; tên lửa đối đất C-704/705, Kh-31A/P; bom có điều khiển GB1/5, LS-6, FT-2/3/6; tên lửa không đối không tầm ngắn PL-5 và cả loại tiên tiến hơn là PL-8/9.
Mặc dù đã trang bị loại chiến đấu cơ mạnh hơn là Su-30 và đang nghiên cứu chế tạo bản sao J-16, tuy nhiên JH-7 vẫn sẽ là xương sống của cả Không quân và Hải quân Trung Quốc thêm một thời gian dài nữa, biến thể mới nhất của JH-7 là JH-7B vừa mới được ra mắt.
Nếu so sánh với JH-7 thì Su-22 của Việt Nam rõ ràng yếu thế hơn nhiều ở cả tầm bay, khả năng cơ động, hệ thống điện tử hàng không và đặc biệt là do không có radar nên Su-22 sẽ không thể sử dụng các loại tên lửa đối hạm cũng như đối không tầm xa.
Điều này cũng không có gì khó hiểu khi Su-22 là loại máy bay thế hệ cũ, được thiết kế và chế tạo từ giữa thập niên 1960, trước JH-7 tới hơn 2 thập kỷ.