Tối hậu thư của Nga
Pháp sắp ra hầu tòa, đó là lời khẳng định của Moscow khi tối hậu thư đã bắt đầu được gửi đi.
Một nguồn tin cao cấp từ Điện Kremlin tuyên bố, Nga sẽ cho Pháp thời hạn cuối cùng đến hết tháng 11 này phải bàn giao chiếc tàu sân bay chở trực thăng lớp Mistral cho Nga. Nếu không, Pháp sẽ phải đối mặt với một loạt các vấn đề pháp lý nghiêm trọng.
“Chúng tôi đang chuẩn bị nhiều tình huống khác nhau. Chúng tôi sẽ đợi đến cuối tháng này và khi đó chúng tôi sẽ đưa ra những đòi hỏi pháp lý nghiêm khắc”, nguồn tin giấu tên cho biết.
Ngoài ra, ngày 14/11/2014 theo kế hoạch sẽ diễn ra lễ bàn giao tàu Mistral đầu tiên cho Nga tại nhà máy đóng tàu Saint-Nazaire của Pháp. Đoàn Nga sẽ có đại diện của tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport và đại diện Moscow có thể là Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin. Tuy nhiên, những nhân vật này vẫn đang ở tại Nga, điều này cho thấy việc "giao hàng" đã bị hủy bỏ.
Tàu sân bay Mistral của Pháp
Nga và Pháp đã ký thỏa thuận trị giá 1,2 tỷ Euro (khoảng 1,5 tỷ USD) để mua 2 tàu đổ bộ lớp Mistral vào hồi tháng 6/2011. Theo như kế hoạch hai bên đã nhất trí, Paris sẽ giao cho Moscow tàu đầu tiên trong bộ đôi trên vào cuối tháng này. Tàu còn lại dự kiến sẽ cập bến cảng nước Nga vào năm 2015.
Pháp ở giữa quá khứ và hiện tại
Xung quanh thương vụ tàu sân bay Mistral, Pháp đang chịu rất nhiều sức ép nặng nề từ không chỉ một mình nước Nga mà còn cả nước Mỹ. Sở dĩ Pháp không thể bàn giao tàu Mistral cho Nga bởi Mỹ ép EU đoạn tuyệt mọi quan hệ hợp tác quân sự với Nga từ cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tuy nhiên, nếu không bàn giao, những điều khoản ràng buộc trong hợp đồng sẽ làm Pháp điêu đứng. Trước hết, Pháp sẽ phải bồi thường 3,5 tỷ USD thay vì nhận được 1,5 tỷ USD từ giá trị bán hai con tàu. Khoản tiền này là quá lớn so với một chính phủ đang đứng trước nguy cơ thâm hụt ngân sách.
Thứ hai, 1.000 lao động đang sống vào hợp đồng đóng 2 chiếc tàu sẽ đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Khi họ thất nghiệp, làn sóng biểu tình phản đối chính phủ sẽ diễn ra ồ ạt, dồn dập.
Thứ ba, nếu Pháp tính đến việc bán Mistral cho một quốc gia thứ ba để gỡ gạc lại phần nào thiệt hại, điều này cũng là không thể. Canada, Australia đã ngỏ lời với 2 tàu Mistral này, nhưng thực tế, 1/3 con tàu Mistral do Pháp đóng lại thuộc sở hữu của Nga.
Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin cho biết phần đuôi tàu này là sở hữu của Nga, nó được thiết kế riêng và có nhiều sản phẩm quốc phòng Nga ở đó. Phần thứ hai, tuyến cáp quang dọc con tàu cũng của Nga, và nếu Pháp muốn bán, họ phải trả lại Nga những thiết bị này, đồng nghĩa với việc tháo dỡ con tàu.
Điều thứ tư, quan trọng hơn tất cả là Pháp đang hướng đến thị trường vũ khí Ấn Độ, Trung Quốc... Nếu sự thất hứa với Nga được diễn ra, Pháp cũng đứng trước nguy cơ thất bại khi cạnh tranh với các quốc gia khác khi đấu thầu các gói vũ khí của các thị trường kể trên.
Những thỏa thuận hợp đồng đó cho thấy nếu đáp ứng được Nga, Pháp chỉ có lợi mà không hại. Nhưng ngược lại, họ lại chịu sự ép uổng của Mỹ. Mà khi nghe theo lời này, Pháp chỉ có hại chứ không lợi.
Một chính trị gia người Pháp, ông Philippe de Villiers cho biết Đại sứ quán của Pháp tại Mỹ đã đều đặn mỗi ngày nhận được một cuộc gọi từ phía Bộ Ngoại giao Mỹ thúc ép việc không bàn giao tàu chiến. Ông de Villiers đã gọi hành động này là "quấy rối".
Tàu sân bay trực thăng Mistral của Nga có phần đuôi do Moscow thiết kế và cung cấp (Ảnh minh họa)
Dù Mỹ đưa ra nhiều sức ép, nhưng họ không bày tỏ thiện chí. Bởi những khoản bồi thường mà Pháp phải chịu, Washington không đưa ra bất kỳ thông điệp nào về việc hỗ trợ kinh tế cho Pháp.
Nga mang lại lợi ích trước mắt, vậy Mỹ mang lại điều gì cho Pháp? Trong bối cảnh, như chính trị gia Philippe de Villiers đã nói, Pháp đang lưỡng lự giữa việc có ở lại NATO hay không. Bởi NATO lập ra để chống Xô Viết, nhưng hiện tại, Nga không phải Xô Viết, cũng không phải kẻ thù của nước Pháp.
Tuy nhiên, Pháp vẫn phải hướng theo Mỹ, bởi đơn giản, họ vẫn là một đồng minh chiến lược. Và hiện tại, việc thân thiết với một nền kinh tế, quân sự, chính trị mạnh nhất thế giới sẽ mang lại cho Paris nhiều lợi ích. Người ta chỉ nhìn thấy những lợi ích trước mắt mà Nga mang đến, nhưng về toàn cục, những nhà cầm quyền ở Paris vẫn hiểu rõ ai mới là người bạn lâu dài của mình.
Điều này lý giải lựa chọn của Pháp dù phải đối diện với nhiều rắc rối pháp lý. Có lẽ, với người Pháp lúc này, lựa chọn phù hợp hơn bỏ lợi trước mắt để theo đuổi giá trị toàn cục.