Hãng tin Sputnik (Nga) ngày 26/3 đưa tin:
Hồi đầu tuần này, một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này có thể cân nhắc lại đề nghị của Nga là cùng hợp tác phát triển một tổ hợp phòng thủ tên lửa, nếu giá cả hợp lý và các điều khoản chuyển giao công nghệ phù hợp hơn đối với Ankara.
Theo Sputnik, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở gói thầu tìm mua các hệ thống phòng không tầm xa vào năm 2009.
Năm 2013, Ankara tuyên bố lựa chọn hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa FD-2000 (phiên bản xuất khẩu của HQ-9) do Công ty xuất nhập khẩu máy chính xác (CPMIEC) của Trung Quốc chế tạo.
Trung Quốc cho biết sẽ cung cấp hệ thống này chỉ với mức giá 3,4 tỷ USD.
Ngoài ra, khác với những nhà thầu đối thủ, Bắc Kinh đồng ý rằng một số thành phần của tổ hợp tên lửa sẽ được chế tạo ở Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cam kết chuyển giao công nghệ chế tạo cho Ankara.
Hệ thống FD-2000 của CPMIEC đã đánh bại các hệ thống đắt tiền hơn như SAMP/T Aster 30 của liên doanh Pháp - Ý, Patriot của Mỹ và S-300/S-400 của Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể cân nhắc lại hệ thống phòng không của Nga.
Tuyên bố này đã khiến các đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại, nhất là Mỹ.
Tuy nhiên, theo Spunik, sau khi công ty của Trung Quốc không đáp ứng được tất cả các điều kiện của gói thầu 3,4 tỷ USD, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ cân nhắc lại các nhà thầu khác.
"Chúng tôi có thể cân nhắc lại đề nghị của Nga nếu giả cả hợp lý và các điều khoản chuyển giao công nghệ được cải thiện rõ rệt để phù hợp hơn với phía chúng tôi" - Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói.
Trong khi đó, hôm 19/3, tờ China Daily đưa tin, Trung Quốc đã xác nhận bán hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại triển lãm hàng hải và hàng không vũ trụ quốc tế Langkawi (LIMA 2015) tổ chức tại Malaysia, một đại diện của CPMIEC nói rằng, ai cũng biết hệ thống FD-2000 đã được lựa chọn trong hợp đồng với Thổ Nhĩ Kỳ năm 2013.
Sự lựa chọn của Thổ Nhĩ Kỳ đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc bán vũ khí phòng không cho một nước thành viên NATO.
Theo China Daily, các nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ chọn doanh nghiệp Trung Quốc vì lý do công nghệ và chi phí. Hợp đồng này sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên có hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa của riêng mình.