Thực lực quân sự Ukraine - Nga: Con tép trên mép con mèo?

Quốc Việt |

(Soha.vn) - Mặc dù có lực lượng không quân và hải quân yếu kém hơn nhưng lực lượng tăng thiết giáp và phòng không hùng hậu của Ukraine có thể gây nhiều trở ngại cho Nga.

Tình hình bất ổn tại Ukraine đang diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, đặc biệt tai khu tự trị Crimea, nơi đóng quân của Hạm đội biển Đen. Quân đội Nga đã chiếm giữ nhiều vị trí quan trọng tại đây.

Theo một số chuyên gia, sở dĩ Nga dễ dàng nắm quyền kiểm soát Crimea một phần là vì quân đội Ukraine tại đây được đánh giá là yếu kém, do có trang bị quá nghèo nàn (như không được trang bị những chiếc xe tăng hiện đại do Ukraine sản xuất, hệ thống phòng không lạc hậu...). Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu một cuộc xung đột quy mô lớn hơn diễn ra, xét về tổng thể, lực lượng quân đội Nga chưa chắc đã có thể chiếm ưu thế dễ dàng như trên.

Vậy nhìn chung, thực lực quân đội Ukraine như thế nào khi so với Nga? Liệu họ có đủ khả năng để chống lại một cuộc can thiệp quân sự nếu có từ Moscow?

Tăng thiết giáp khá hùng hậu

Kế thừa vũ khí và đường lối phát triển quân sự từ Liên Xô nên lực lượng tăng thiết giáp được xem là nắm đấm hỏa lực mạnh nhất của Kiev. Không chỉ thừa hưởng hàng nghìn xe tăng chiến đấu chủ lực do Liên Xô sản xuất để lại mà Ukraine còn có nền công nghiệp xe tăng rất mạnh từ những nhà máy của Liên Xô đặt cơ sở trên đất họ.

Lực lượng tăng thiết giáp Ukraine có trong biên chế đến 2.281 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực T-64. Đây là loại xe tăng từng được xem là “quốc bảo” của Liên Xô trước đây. Bên cạnh đó, Ukraine đã tiến hành nâng cấp T-64 lên tiêu chuẩn T-64BM Bulat được đánh giá có sức mạnh ngang ngửa T-80UD.

Lực lượng tăng thiết giáp đồ sộ của Ukraine có thể gây cho Nga nhiều thiệt hại nếu can thiệp quân sự vào nước này.
Lực lượng tăng thiết giáp đồ sộ của Ukraine có thể gây cho Nga nhiều thiệt hại nếu can thiệp quân sự vào nước này.

Ukraine còn có trong biên chế 271 chiếc “xe tăng bay” T-80UD, xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 khoảng 1.300 chiếc. Mạnh nhất trong lực lượng tăng thiết giáp của Ukraine là xe tăng chiến đấu chủ lực T-84 Oplot, một sản phẩm do nước này độc lập phát triển trên cơ sở T-80 do Liên Xô sản xuất trước đây. Ukraine cũng có trong biên chế khoảng 172 chiếc xe tăng huyền thoại T-55AGM.

Tuy nhiên, nếu so với Nga, lực lượng tăng thiết giáp hùng hậu này của Ukraine vẫn chưa thể sánh bằng, Moscow đang có trong biên chế khoảng 734 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực T-90, 2.200 chiếc T-72 trong đó một số lượng lớn đã được nâng cấp lên tiêu chuẩn T-72B2/B3 cùng khoảng 8.000 chiếc khác đang dự trữ. Moscow còn khoảng 4.500 chiếc xe tăng bay T-80 đang dự trữ.

Kiev còn có trong biên chế khoảng 6.431 xe chiến đấu bộ binh các loại, 1.647 khẩu pháo các loại (đáng chú ý như pháo tự hành 2S19 Msta-S, 2S3 Akatsiya, 2S1 Gvozdika), 626 dàn pháo phản lực bắn loạt (đáng chú ý nhất là 100 dàn pháo phản lực bắn loạt BM-30 Smerch).

Lực lượng tên lửa Ukraine hiện có trong biên chế số lượng lớn tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn OTR-21 Tochka tầm bắn 180km. Hạm đội biển Đen có thể là mục tiêu của loại tên lửa này nếu xung đột vũ trang xảy ra.

Trong khi đó, con số xe chiến đấu bộ binh các loại của Nga khoảng 20.000 chiếc, trong đó có khoảng 6.000 chiếc đang hoạt động, số còn lại được dự trữ.

Lực lượng pháo binh của Nga cũng mạnh hơn nhiều so với Kiev. Bên cạnh đó, Nga còn một quân bài chủ lực khác là tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander. Loại tên lửa này đã từng được sử dụng trong chiến tranh Gruzia năm 2008.

Nhìn chung, lực lượng tăng thiết giáp Nga có lợi thế hơn so với Ukraine, tuy nhiên, sẽ không dễ dàng cho họ trước một cuộc xung đột quân sự tại đây. Bài học ở Gruzia vẫn còn nguyên giá trị đối với Nga. Lực lượng tăng thiết giáp Ukraine là “rào cản” lớn nhất nếu Nga có ý định can thiệp quân sự vào quốc gia này.

Không quân lép vế

Lực lượng Không quân Ukraine được đánh giá khá yếu, họ chỉ có trong biên chế khoảng 36 chiếc Su-27, 80 chiếc MiG-29, 36 máy bay cường kích Su-24M, 23 máy bay trinh sát Su-24MR, 46 máy bay cường kích Su-25.

Không quân Nga sẽ đối phó thế nào với tên lửa phòng không tầm xa S-300PS của Ukraine.
Không quân Nga sẽ đối phó thế nào với tên lửa phòng không tầm xa S-300PS của Ukraine.

So với lực lượng không quân đồ sộ của Nga thì Ukraine quá nhỏ bé. Tuy vậy, Không quân Nga sẽ gặp một thách thức tương đối lớn nếu hoạt động chiến đấu tại đây. Lực lượng phòng không Ukraine được đánh giá khá mạnh, họ có trong biến chế hầu hết các loại tên lửa phòng không “khủng” mà Nga đang sở hữu.

Tên lửa phòng không tầm xa S-300V, S-300P/PS, S-200V, tên lửa phòng không tầm trung 9K37 Buk, Buk-M1/2, tầm thấp 9K330 Tor, 9K35 Strela-10, hệ thống phòng không tích hợp Tunguska M1, pháo phòng không ZSU-23-4, tên lửa phòng không vác vai 9K38 Igla. Lực lượng phòng không đồ sộ này sẽ khiến Moscow phải tính toán hết sức kỹ lưỡng với một kịch bản can thiệp quân sự nếu có.

Trong chiến tranh Gruzia năm 2008, lực lượng phòng không được đánh giá khá yếu của nước này cũng đã bắn hạ khoảng 7 máy bay chiến đấu của Nga. Lực lượng phòng không hùng hậu của Ukraine có thể làm được nhiều hơn thế, đây sẽ là rào cản lớn thứ 2 của Nga tại đây.

Hải quân chưa bằng một phần Hạm đội biển Đen

Hải quân Ukraine là lực lượng yếu nhất trong lực lượng vũ trang nước này. Hải quân Ukraine chỉ có vỏn vẹn 27 tàu chiến. Những tàu chiến của họ phần lớn đã xuống cấp và không có tàu tên lửa nào. Tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Ukraine là khinh hạm lớp Krivak do Liên Xô sản xuất.

Biển Đen giống như một cái "ao làng", từ lâu Kiev không coi chiến tranh hải quân là một mối đe dọa với an ninh quốc gia nên lực lượng hải quân nước này gần như "bị bỏ rơi". Mặt khác, tầm hoạt động của Hạm đội biển Đen của Nga gần như đã bao phủ khu vực này nên Hải quân Ukraine hầu như "không có đất dụng võ".

Sức chiến đấu của Hải quân Ukraine rất yếu, họ chưa bằng một phần nhỏ của hạm đội biển Đen. Nếu nổ ra xung đột vũ trang họ có thể bị Hạm đội biển Đen của Nga khóa chặt và gần như không thể làm gì.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại