Lính Nga ở Ukraine lần đầu lên tiếng

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Những người lính này rất kín tiếng, họ không gắn hộp tiếp đạn vào súng và hầu như không gây ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật. Họ được gọi là "những người lịch sự".

Bên ngoài một căn cứ hải quân Ukraine ở ngoại vi Simferopol, một phụ nữ trẻ đến gần một anh lính Nga đang ngồi đọc báo, đưa cho anh này một giỏ táo và nói: “Cảm ơn các anh đã đến đây!”.

Khi được hỏi về đơn vị, anh này trả lời: “Lữ đoàn lính thủy đánh bộ 810, từ thành phố anh hùng Sevastopol. Chúng tôi đến đây để giúp đỡ”. Gần đó là 7 người lính dưới quyền của người hạ sĩ quan trẻ, 6 người với súng trường tự động và 1 người trang bị súng bắn tỉa Dragunov.

Thờ tờ Telegraph (Anh), đây là lần đầu tiên những người lính bí ẩn này lên tiếng nói về bản thân họ. Mặc dù khó có cơ sở để xác minh được những lời người lính này nói nhưng có vẻ như anh ta đang nói sự thật.

Tất cả những người lính lạ ở Crimea đều không đeo bất kì phù hiệu nào và chiếc xe tải của họ cũng không có bảng số. Tuy nhiên, họ chính là một phần của lực lượng quân sự Nga vừa âm thầm và nhanh chóng giành quyền kiểm soát toàn bộ vùng bán đảo Crimea mà không nổ một phát súng.

Những đơn vị này bắt đầu xuất hiện vào sáng sớm hôm Thứ Sáu tuần trước tại sân bay Simferopol. Đến thứ Bảy, họ đã canh gác tại những tòa nhà công quyền ở trung tâm thành phố, phong tỏa các đơn vị biên phòng Ukraine tại vịnh Balaklava và sân bay Belbek gần Sevastopol, đồng thời thiết lập các điểm kiểm soát trong khu vực.

Lữ đoàn 810 chịu trách nhiệm bảo vệ quân cảng Sevastopol từ 1967 và Bộ ngoại giao Nga quả quyết rằng chiến dịch này hoàn toàn nằm trong khuôn khổ bản thỏa thuận liên quan đến việc bảo vệ cho khu quân cảng.

Những binh lính không mang phù hiệu tại sân bay quốc tế Simferopol, thủ phủ Cộng hòa tự trị Crimea, Ukraine.
Những binh lính không mang phù hiệu tại sân bay quốc tế Simferopol, thủ phủ Cộng hòa tự trị Crimea, Ukraine.

Những người lính Nga đang ung dung tuần tra trên đường phố có vẻ như chỉ để cho thấy sự hiện diện của mình thay vì có ý định gây chiến. Nhưng bản thân việc họ có thể đi lại tự do ở thủ phủ vùng của một đất nước khác cho thấy nước Nga muốn gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế về ý định của mình ở khu vực này.

Hôm 1/3, Thượng viện Nga đã phê chuẩn đề nghị của Tổng thống Putin về việc sử dụng lực lượng quân sự ở Ukraine để "bình thường hóa tình hình chính trị ở nước này". Do đó, rất có thể trong thời gian tới, sẽ có các đơn vị thiết giáp và các binh chủng khác từ nội địa Nga đến hội quân với lữ đoàn 810.

Những người lính này rất kín tiếng, họ không gắn hộp tiếp đạn vào súng và hầu như không gây ảnh hưởng gì đến cuộc sống thường nhật. Đến mức trên mạng xã hội, họ được đặt biệt danh “Vezhliviye Lyudi” hay “những người lịch sự”.

“Mọi người nói chúng tôi đang phong tỏa mọi thứ. Thật ra, chúng tôi không phong tỏa ai cả. Người Ukraine biết chúng tôi ở đây, chúng tôi có sự thông hiểu lẫn nhau. Chúng tôi đang hợp tác với họ. Không có chiến sự gì xảy ra cả.”, người hạ sĩ quan trên nói.

Thế nhưng, những người lính Ukraine ở phía kia của hàng rào khu căn cứ quân sự dường như không nghĩ như vậy. Cả 2 cánh cổng dẫn vào căn cứ đều bị khóa chặt. Một cổng bị chặn bởi 1 xe thiết giáp, trong khi cổng kia được rải đinh. Một xe bọc thép khác đứng gác sâu trong sân 10m. Khác với lính Nga, những người lính Ukraine gắn hộp tiếp đạn vào súng của mình. Họ cũng từ chối trả lời phỏng vấn của phóng viên.

Mặc dù vậy, khó có thể không đồng ý với anh lính Nga về việc tình hình hiện nay rất yên tĩnh, ít nhất là theo vẻ bề ngoài.

Vài chục người đã bị thương trong những vụ xô xát ở các tỉnh miền đông nhưng hầu như không có bạo lực khi Nga chiếm Crimea. Những cuộc tuần hành của những người thân Nga đã diễn ra yên bình, do những người Tatar chống Nga đã tổ chức tuần hành vào thứ 4 tuần trước. Nhịp sống thường nhật của thành phố vẫn diễn ra không gặp trở ngại nào.

Cũng không hề có dấu hiệu nào về việc những nhóm tân phát xít di chuyển từ Kiev đến Crimea như những nhóm thân Nga đã lo ngại.

Hôm thứ Bảy tuần trước, Bộ ngoại giao Nga tuyên bố một số nhóm người từ Kiev đã định đột nhập vào tòa nhà sở nội vụ trong khu vực nhưng đã bị các lực lượng tự vệ đẩy lùi. Tuy nhiên, theo ghi nhận của tờ Telegraph, có vẻ như chuyện này chưa hề xảy ra. Những nhóm tự vệ bên ngoài tòa nhà khi được phóng viên hỏi đều cho biết không hề có một cuộc tấn công nào và cũng không có dấu hiệu cho thấy tòa nhà bị hư hại.

Telegraph cho biết Quân đội Nga còn được hỗ trợ bởi các nhóm vũ trang khác. Cách đó gần 1km, một nhóm tự xưng là Mặt trận phòng vệ Crimea đang phong tỏa một căn cứ của bộ nội vụ Ukraine. Họ không có quân phục mà mặc đồ thường ngày, và đeo các dải băng màu cam và đen, tượng trưng cho Thánh George, biểu tượng của quân đội Nga.

Thủ lĩnh nhóm này cho biết không hề có sự liên hệ nào giữa nhóm của ông và quân đội Nga nhưng có sự phân công nhiệm vụ khá rõ giữa nhóm này và quân đội Nga. Họ thường triển khai tại cùng 1 địa điểm, và nhóm vũ trang được bố trí ngăn cách giữa quân đội Nga và dân thường.

Trong khi đó, các lực lượng vũ trang của Ukraine vẫn án binh bất động trong doanh trại. Trong đó có Berkut, lực lượng cảnh sát chống bạo động tinh nhuệ. Do đã bị chính phủ mới giải tán hồi thứ 3 tuần trước, giờ đây họ chỉ là cảnh sát thông thường. Sau khi trở về từ Kiev, họ chỉ ở trong doanh trại để canh gác các trang thiết bị, phương tiện, và chỉ ra ngoài 1 lần vào thứ Bảy tuần trước.

Vladimir Krashevsky, chủ tịch hội cựu binh Berkut ở Simferopol cho biết họ đang đợi một chính phủ mới để phục vụ.

“Hệ thống quyền lực cũ đã bị phá hủy, cần một thời gian để cái mới được hình thành” - Krashevsky nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại