Thực hư sức mạnh “sát thủ tàu sân bay” Trung Quốc

Hải Vy |

Tên lửa đạn đạo chống tàu (ASBM) DF-21D được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”. Tuy nhiên, Mỹ và các quốc gia khác tại châu Á nên nhìn nhận mối đe dọa này như thế nào?

Trong bài viết đăng ngày 2/9 trên tạp chí The National Interest (TNI - Mỹ), tác giả Harry J. Kazianis đã đi tìm đáp án cho câu hỏi này.

Theo đó, tên lửa DF-21D là công cụ để tấn công tàu chiến đối phương trên các vùng biển xa hoặc triển khai chiến lược chống tiếp cận đối với một đối thủ tiềm năng tại vùng biển tranh chấp như Hoa Đông hoặc Biển Đông.

Bản báo cáo tháng 8/2011 của Bộ Quốc phòng Đài Loan đã cảnh báo rằng: Một số lượng nhỏ các tên lửa này đã được sản xuất và triển khai vào năm 2010.

Khi đề cập tới mối đe dọa DF-21D, có 2 câu hỏi cần trả lời: “Khả năng của loại tên lửa này ra sao?” và “Các tàu chiến của Hải quân Mỹ liệu có đủ khả năng phòng thủ trước mối đe dọa này?”

Mối đe dọa DF-21D

Theo báo cáo năm 2013 của chuyên gia Andrew Erickson, cộng tác viên quen thuộc của TNI, DF-21D còn phải trải qua nhiều thử nghiệm và thử thách thêm trước khi đạt được khả năng hoạt động đầy đủ.

Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng Mỹ và Đài Loan trong 2 năm qua lại lần lượt xác nhận rằng loại ASBM này đã được triển khai.

Thêm vào đó, các phương tiện hỗ trợ đã đủ để mang lại cho loại tên lửa này khả năng tấn công cơ bản nhằm vào các tàu sân bay Mỹ đang hoạt động ở Tây Thái Bình Dương (chưa tính đến các biện pháp đối phó).

Chuyên gia Erickson cho rằng, mối đe dọa của ASBM vào tàu chiến của Hải quân Mỹ được xác định bằng mức độ phát triển của các hệ thống xử lý thông tin và các khả năng liên quan.

Sát thủ diệt tàu sân bay DF-21D.
Tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D.

Các chi tiết của tên lửa DF-21D đã được kiểm định thông qua nhiều cuộc thử nghiệm, tuy nhiên, khả năng Trung Quốc dùng được tên lửa này để tấn công một mục tiêu di động trên biển vẫn chưa được kiểm chứng.

Các công nghệ C4ISR (hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát, trinh sát) vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhận diện và theo dõi tàu sân bay Mỹ ở thời gian thực trong điều kiện có chiến tranh).

Dù vậy, tăng cường năng lực C4ISR đang trở thành tiêu chí ưu tiên trong chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc.

Với phân tích của Erickson, có thể thấy Trung Quốc đã nỗ lực để hoàn thiện loại vũ khí này.

Hồi năm ngoái, nhiều quan chức Mỹ tin rằng, khi có chiến tranh, DF-21D có thể ngắm bắn ít nhất một chiếc tàu của đối phương đang di chuyển trên biển và trên đường tiến tới mục tiêu này, nó vẫn có thể theo dõi một chiếc tàu khác tương tự.

Mỹ có thể phòng thủ trước DF-21D?

Trong vài năm trở lại đây, mặc dù có rất nhiều ý kiến khác nhau khi đề cập tới vấn đề này nhưng có thể thấy rõ sự lo ngại lớn trong giới quân sự Mỹ.

Song, thời gian trôi qua, những nỗi sợ hãi ban đầu đã dần chuyển thành những đánh giá lạc quan hơn.

Trong một bản báo cáo, chuyên gia quốc phòng Roger Cliff cho rằng:

Muốn sử dụng tên lửa đạn đạo tấn công thành công tàu chiến Hải quân Mỹ, Trung Quốc trước hết phải thăm dò, phát hiện được tàu chiến Mỹ, đồng thời xác nhận đây chính là mục tiêu họ muốn tấn công (như tàu sân bay).

Tiếp đó là nắm chắc tọa độ chính xác để tên lửa bắn trúng mục tiêu (VD hình ảnh vệ tinh 1 giờ không có tác dụng bởi tàu chiến có thể rời khỏi khu vực chụp ảnh với tốc độ 25 dặm/giờ), sau đó đổi mới dữ liệu có liên quan trong đường bay của tên lửa.

Cuối cùng, đầu đạn tên lửa phải “khóa” và ngắm chuẩn tàu chiến mục tiêu.

Ảnh đồ họa tên lửa Trung Quốc tấn công tàu sân bay Mỹ
Ảnh đồ họa tên lửa Trung Quốc tấn công tàu sân bay Mỹ

Về biện pháp đáp trả và đánh chặn tên lửa, Roger Cliff cho rằng, Mỹ có nhiều sự lựa chọn, mặc dù trong đó có một số biện pháp tương đối khó thực hiện:

“Radar vượt đường chân trời dùng để dò tàu chiến có thể bị gây nhiễu, đánh lừa hoặc bị tiêu diệt; khi vệ tinh hình ảnh đi qua khu vực có thể dò được hạm đội thì có thể phóng khói mù và các biện pháp đáp trả khác.

Ngoài ra có thể gây nhiễu dữ liệu của tên lửa tấn công để nó thay đổi hướng đi giữa đường; khi tên lửa “khóa” mục tiêu, đầu dẫn tên lửa cũng có thể bị gây nhiễu và đánh lừa”.

Nhưng Roger Cliff cũng cho rằng, đánh chặn tên lửa là một việc khó khăn nhất.

SM-3 là hệ thống vũ khí sát thương ngoài tầng khí quyển, tức là nó chỉ có thể đánh chặn tên lửa ở giữa đường.

Vì vậy, tàu Aegis phải lập tức phóng tên lửa đánh chặn SM-3 mới có thể đánh chặn thành công trước khi tên lửa tấn công lại đi vào bầu khí quyển, hoặc triển khai tàu Aegis trên đường bay của tên lửa tấn công.

Cũng theo Cliff, tên lửa DF-21D có thể lắp thiết bị đánh lừa giữa đường, tiếp tục làm tăng độ khó cho việc đánh chặn thành công của tên lửa đánh chặn SM.

Tàu Aegis Mỹ cũng trang bị tên lửa SM-2 Block 4. Loại tên lửa này có thể đánh chặn tên lửa trong bầu khí quyển nhưng cũng có thể không đánh chặn thành công do tên lửa DF-21D có thể tiến hành cơ động.

Dẫu vậy, chưa thể biết trước tất cả các phương thức này sẽ có hiệu quả như thế nào trên thực tế.

Thậm chí sau khi Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa với một chiếc tàu thực sự, nước này cũng sẽ không thử nghiệm trong điều kiện con tàu triển khai đầy đủ các biện pháp đối phó mà tàu chiến Mỹ có thể sử dụng trên thực tế.

Và về phần mình, Hải quân Mỹ cũng chưa từng thử nghiệm các hệ thống phòng thủ trước một cuộc tấn công tương tự.

Theo Cliff, sẽ có một bên bị bất ngờ và thất vọng nhưng không thể biết trước được đó sẽ là bên nào.

Cần lưu ý rằng các tàu sân bay Mỹ đã trở thành mục tiêu tấn công trong nhiều thập kỷ và hệ thống phòng thủ trên tàu đã được các nhà hoạch định kế hoạch hải quân nghiên cứu trong nhiều năm.

Nói về thách thức mà tên lửa DF-21D mang lại, một bài viết trên blog Information Dissemination nhận định rằng:

DF-21D là mối đe dọa mới nhưng nó có vẻ sẽ không mang lại sự bất ngờ lớn như máy bay chiến đấu A6M Zero hay ngư lôi Type 93 của Nhật đối với Hải quân Mỹ trong Thế chiến II.

Một nguồn tin mở cho biết DF-21D đã thử nghiệm tấn công mục tiêu cố định trên bộ nhưng chưa từng thử nghiệm với mục tiêu di động cỡ lớn trên biển.

Trong khi đó, Hải quân Mỹ đã nghiên cứu biện pháp đối phó tên lửa đạn đạo trong hơn 20 năm. Họ chắc chắn còn đủ thời gian để nghiên cứu một biện pháp hiệu quả đối phó DF-21D.

Kết luận

Giống như nhiều hệ thống vũ khí khác của Trung Quốc, “sát thủ tàu sân bay” có thể được xem là một thành phần trong chiến lược chống tiếp cận mà Bắc Kinh đang triển khai.

Nếu xảy ra xung đột với Mỹ hoặc một cường quốc khác, Trung Quốc sẽ dùng những vũ khí như vậy để ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ vào eo biển Đài Loan, Hoa Đông hay Biển Đông.

Nhưng như đã phân tích, chúng ta không biết nhiều thông tin về DF-21 cũng như khả năng tác chiến thực tế của nó.

Có thể tên lửa này không phải là thứ vũ khí “thay đổi cuộc chơi” như nhiều ý kiến nhận định nhưng có thể là một nhân tố làm phức tạp tình hình, gây khó khăn cho các nhà hoạch định quân sự Mỹ và đồng minh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại