Trong một nỗ lực nhằm cung cấp cho các thủy thủ sự nghỉ ngơi cần thiết và thực hiện quá trình bảo dưỡng định kỳ, Hải quân Mỹ đã lên kế hoạch rút tàu sân bay đang hoạt động ở Vịnh Ba Tư.
Tuy nhiên, ý định của quân đội Mỹ đồng nghĩa với việc, những cuộc không kích đang ‘làm mưa làm gió’ tại Trung Đông của nước này buộc phải ngừng lại.
Sau khi thu hồi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, Hải quân Mỹ cần 1-2 tháng để điều động tàu sân bay USS Truman đến vùng Vịnh và thay thế cho vai trò của hàng không mẫu hạm Roosevelt.
Được thiết kế để triển khai và thu hồi máy bay chiến đấu, Roosevelt trên thực tế hoạt động như một căn cứ không quân trên biển của Mỹ tại Trung Đông.
Sự có mặt của tàu sân bay, giúp quân đội triển khai nhanh kế hoạch không kích nhằm vào các căn cứ của IS ở Syria và Iraq.
Do đó, cho đến khi tàu sân bay USS Truman đến nơi, nếu muốn tiếp tục khuấy đảo bầu trời các nước, Mỹ buộc phải thiết lập căn cứ không không quân trên mặt đất.
Ngoài ra, Washington còn phải chú trọng hơn các địa điểm xuất kích trong khu vực, nhằm bảo đảm an toàn và tính hiệu quả cho hoạt động oanh tạc.
Các quan chức hải quân nói với báo Navy Times rằng, sự vắng mặt của tàu sân bay Mỹ tại Trung Đông là một trở ngại lớn. Tuy nhiên, đó là điều bắt buộc để hải quân có thể tiếp tục hoạt động với ngân sách bị cắt giảm.
“Theo báo cáo từ một cuộc họp mới đây cho thấy, nhu cầu sử dụng tàu sân bay đang tăng dần trong những năm qua. Nhưng với 10 tàu sân bay hiện có, hải quân không thể lên kế hoạch cho sự hiện diện đồng thời của tất cả hàng không mẫu hạm, trong bối cảnh ngân sách hoạt động bị cắt giảm” phát ngôn viên của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, Tư lệnh William Marks nói với Navy Times.
Kế hoạch thu hồi USS Theodore Roosevelt vẫn chưa được thống nhất, tuy nhiên, Bộ Tư lệnh trung tâm và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cho rằng, hải quân sẽ tìm cách hạn chế khoảng thời gian luân chuyển vai trò giữa hai tàu sân bay, phục vụ tốt nhất cho hoạt động của quân đội Mỹ bên trong khu vực.
Mỹ hiện có nhiều tàu sân bay hơn bất cứ quốc gia nào, với 10 hạm đội luân phiên hoạt động tại các khu vực khác nhau. Mỗi tàu sân bay có thể hoạt động như một căn cứ không quân di động, cho phép Mỹ triển khai máy bay chiến đấu và thể hiện sức mạnh của mình.
Tuy nhiên, một số câu hỏi đang được đặt ra xung quanh các tàu sân bay. Cựu đại úy hải quân Mỹ Jerry Hendrix, viết trong Tạp chí quốc gia rằng, Washington cuối cùng sẽ ngừng đầu tư và tìm kiếm giải pháp thay thế cho các tàu sân bay của mình.
“Với 14 tỷ USD cho quá trình chế tạo một tàu sân bay, tương đương với ngân sách đóng tàu trong suốt một năm của hải quân.
Hơn nữa, mỗi tàu cần số lượng thủy thủ ngang bằng với dân số của một thị trấn nhỏ là không phù hợp. Điều này cho thấy, Mỹ đã mạo hiểm trong kế hoạch tăng cường sức mạnh của mình,” ông Handrix nói.