Thêm 1 chiếc "quan tài bay" MiG-21 Ấn Độ rơi, phi công thiệt mạng

Sáng 27/5, một chiếc tiêm kích MiG-21 của Không quân Ấn Độ bất ngờ gặp nạn khi bay huấn luyện gây hậu quả nghiêm trọng.

Tờ Time of India cho biết: “Chiếc MiG-21 bị rơi trên cánh đồng ở Mirhama, khu vực Bijbehara, huyện Anantnag. Viên phi công điều khiển máy bay Raghu Bansi đã thiệt mạng và viên lái phụ bị thương nặng”.

Hiện cơ quan chức năng Ấn Độ vẫn chưa xác định được nguyên nhân vụ tai nạn. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, một nhóm quan chức Không quân Ấn Độ ngay lập tức tới hiện trường.

Tiêm kích MiG-21 gia nhập Không quân Ấn Độ (IAF) vào khoảng năm 1965 nhưng tới năm 1971 mới tham gia chiến đấu thực tế trong cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan.

Trong trận chiến này, MiG-21 đã hạ gục 4 chiếc F-104, hai chiếc F-6, một chiếc F-86 Sabre và 1 chiếc C-130 Hercules của Không quân Pakistan. Sau cuộc chiến năm 1971, những chiếc MiG-21 còn được sử dụng trong chiến tranh Kargil giữa Ấn Độ và Pakistan năm 1999.

MiG-21 được thiết kế với vai trò là tiêm kích đánh chặn nhưng IAF đã cải biến MiG-21 để thực hiện các nhiệm vụ tấn công mặt đất. Tất cả các cuộc tấn công nổi tiếng trong và quanh khu vực Dhaka trong cuộc chiến 1971 đều do MiG-21 thực hiện.

Tuy nhiên, do có thời gian phục vụ quá lâu nên MiG-21 đã khá lạc hậu, vì vậy vấn đề an toàn bay đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo thống kê mới nhất được IAF cung cấp, chỉ trong vòng 3 năm nước này đã mất tới 29 chiến đấu cơ và 6 phi công. Còn theo một báo cáo khác từ năm 2012, trong 30 năm nước này mất tất cả 482 máy bay do tai nạn.

Ở cả hai báo cáo, có một điểm chung là phần lớn đều xuất hiện cái tên MiG-21. Vì vậy, MiG-21 còn được biết đến với tên gọi "quan tài bay".

Tuy nhiên, MiG-21 vẫn được xem là một trong những tiêm kích thành công nhất thế giới. Dù đã ra đời từ cách đây nửa thế kỷ, nhưng nó vẫn phục vụ phổ biến ở hàng chục quốc gia. Tính đến thời điểm bị loại biên, IAF còn khoảng 260 chiếc loại này.

Những chiếc MiG-21 của Ấn Độ đã trải qua một chương trình hiện đại hóa sâu rộng lên chuẩn MiG-21 Bison. Chương trình này đã giúp MiG-21 có được sức mạnh mới chiến đấu ngang ngửa với F-15/16 đời đầu của Mỹ. Nhưng điều đó không thể giúp nó thoát khỏi danh hiệu “quan tài bay”.

Hầu hết các vụ tai nạn liên quan tới MiG-21 được giải thích là do “lỗi kỹ thuật và con người”. Nhưng các quan chức Nga cho rằng, Ấn Độ đã mua phải linh kiện thay thể rởm từ các nhà cung cấp phụ tùng ngoài Nga.

Đây có lẽ là sự giải thích khá hợp lý, vì ngoài Ấn Độ các nước khác dùng MiG-21 không xảy ra nhiều vụ tai nạn tới vậy.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại