Tàu sân bay Pháp: Gọng kìm của hải quân NATO vây Nga ở Syria?

Chuyên gia quân sự Nam Hoài |

Tàu sân bay của Pháp dẫn đầu biên đội tàu chiến NATO vừa khởi hành đi Địa Trung Hải để tham gia chiến dịch chống IS. Thực chất của động thái này nên được hiểu thế nào?

“Sứ mệnh Arromanches” và mũi hải quân NATO Châu Âu

“Arromanches” là tên gọi tắt của xã duyên hải có tên “Arromanches-les-Bains” (có nghĩa là “Bãi tắm Arromanches”) nằm ngay bờ eo biển Manches thuộc tỉnh Calvados, vùng Basse-Normandi ở tây bắc nước Pháp.

Địa danh “Arromanches” là điểm đầu cầu trọng yếu nhất gắn liền với chiến dịch đổ bộ của quân đội Đồng minh lên bờ biển Normandi, khi mặt trận chống Phát xít thứ hai được mở ra ở Châu Âu.

Chính vì yếu tố lịch sử này mà Bộ tổng tham mưu Quân đội Pháp và Bộ tư lệnh HQ Pháp đã chọn tên gọi “Arromanches” cho sứ mệnh hải quân viễn chinh hải ngoại do tàu sân bay Charles de Gaulle dẫn đầu trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Daech (IS) ở Iraq và Syria.

“Sứ mệnh Arromanches I” bắt đầu từ ngày 13/1/2015, tức gần 1 tuần sau vụ thảm sát khủng bố tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo ở Paris, và chấm dứt vào ngày 19/5/2015.

Tham gia “sứ mệnh Arromanches I” là Biên đội không quân hải quân 473 do tàu sân bay Charles de Gaulle chỉ huy và các tàu chiến hộ tống, tiếp vận của Hải quân Pháp.

Tại Vịnh Ba Tư, Biên đội 473 sau khi bổ sung tàu hộ vệ phòng không HMS Kent F78 của Hải quân Anh đã tham gia “Chiến dịch Chammal” của Pháp, tiến hành 8 tuần không kích liên tục xuống các mục tiêu Daech trên lãnh thổ Iraq.

“Sứ mệnh Arromanches II” vừa được phát động từ ngày 15/11/2015, tức ngay trong buổi tối diễn ra các cuộc khủng bố đẫm máu của Daech tại Paris. Chỉ huy sứ mệnh này là đề đốc hải quân Pháp René-Jean Crignola.

Tham gia “sứ mệnh Arromanches II” vẫn là Biên đội không quân hải quân 473 do tàu sân bay Charles de Gaulle chỉ huy và các tàu chiến hộ tống, tiếp vận của cả HQ Pháp lẫn HQ các nước NATO Châu Âu và các tàu chiến thuộc Hạm đội 6 của HQ Mỹ.

Thành phần tàu hộ tống và bảo đảm trong sứ mệnh gồm: tàu phòng không Chevalier Paul, tàu săn ngầm La Motte-Piquet, 2 tàu hộ vệ đa nhiệm FREMM Aquitaine và Provence, tàu ngầm tấn công nguyên tử lớp Améthyste.


Máy bay tiêm kích đa năng Rafale xuất kích từ tàu sân bay Charles de Gaulle.

Máy bay tiêm kích đa năng Rafale xuất kích từ tàu sân bay Charles de Gaulle.

Ngoài ra còn có các tàu chỉ huy và tiếp liệu hậu cần Marne, tàu phòng không HMS Defender của HQ Anh, tàu hộ vệ Leopold I của HQ Bỉ.

Biên đội không quân hải quân 473 của Pháp cho phép tàu chiến của các nước đồng minh NATO và đối tác tham gia “sứ mệnh Arromanches thứ hai” khi triển khai ở Địa Trung Hải và Vịnh Ba Tư để đánh các mục tiêu Daech trên đất Syria và Iraq.

Do vậy trong giai đoạn triển khai ban đầu của “Sứ mệnh Arromanches 2”, tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp tạo thành gọng kìm hải quân NATO Châu Âu hoạt động tại Địa Trung Hải.

Trong khi đó gọng kìm hải quân NATO Mỹ do Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman thuộc Biên đội hải quân 50 Hạm đội 5 của Mỹ sẽ ở Vịnh Ba Tư.


Tàu sân bay USS Harry S. Truman của Mỹ.

Tàu sân bay USS Harry S. Truman của Mỹ.

Gọng kìm hải quân NATO vây Nga ở Syria?

Nếu chiếu theo logic thông thường thì Nga và Pháp rất có thể trở thành đồng minh tự nhiên sau những vụ khủng bố đẫm máu của Daech nhằm vào công dân hai nước này.

Và rất nhiều người đã tin vào điều đó, nhất là qua những gì đã được báo chí Phương Tây đăng tải quanh các vụ khủng bố man rợ của Daech và những đòn trừng phạt khủng bố cấp tập của hai nước nạn nhân.

Thế nhưng nếu bỏ qua ngôn từ ngoại giao và ngôn ngữ báo chí để lật lại vấn đề dưới giác quan chính trị quân sự, chúng ta sẽ thấy nhiều điểm đáng quan ngại quanh các động thái này.

Nước Pháp dưới thời đương kim tổng thống Francois Hollande khác xa nước Pháp dưới thời tổng thống tiền nhiệm Nicolas Sarkozy.

Với phương châm chiến lược lấy quan hệ với Mỹ và NATO làm trọng thay cho phương châm EU tự cường với Nga làm đối tác chiến lược của người tiền nhiệm, TT Hollande đang sử dụng sức mạnh Pháp xoay quanh những lợi ích địa chiến lược toàn cầu của trục Anh Mỹ.

Trong vấn đề Syria, Pháp đồng quan điểm với Anh và Mỹ khi đi ngược với trật tự pháp luật quốc tế, cũng như trái với quan điểm của EU, trong việc can dự quân sự trực tiếp và hỗ trợ các hoạt động vũ trang chống lại chính phủ hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền.

Trước khi Nga trực tiếp can dự, Pháp đã rất sốt sắng cùng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị thiết lập vùng cấm bay tại Syria để lập lại kịch bản thay đổi chế độ ở Libya.

Cuối cùng, kịch bản này đã đổ vỡ sau những trận không kích hiệu quả của Nga xuống các mục tiêu Daech ở Syria.

Khi Nga phát động chiến dịch chống IS ở Syria vào thời điểm cuối tháng 9/2015, thế bố trí lực lượng hải quân các nước NATO ở quanh Syria bị rối loạn.

Trên mặt biển Địa Trung Hải áp sát Syria, Biên đội đặc nhiệm 60 thuộc Hạm đội 6 của Mỹ từ trước đó đã không có nhóm tác chiến tàu sân bay nào thường trực và nếu có cũng không thể lại gần biên đội tàu chiến đấu của Nga hiện diện tại đây.


Nga tấn công IS bằng tên lửa hành trình tầm xa 3M-14T Kalibr-NK từ biển Caspi của biên đội tàu chiến HQ ngày 07/10/2015.

Nga tấn công IS bằng tên lửa hành trình tầm xa 3M-14T Kalibr-NK từ biển Caspi của biên đội tàu chiến HQ ngày 07/10/2015.

Trong khi đó, ngay sau đòn tấn công tên lửa hành trình tầm xa 3M-14T Kalibr-NK từ biển Caspi của biên đội tàu chiến HQ Nga ngày 07/10/2015, tàu sân bay USS Theodore Rooservelt CVN-71 cùng đội tàu hộ tống của Hạm đội 5 Mỹ đã lập tức rời khỏi Vịnh Ba Tư.

Thiếu dư địa để bố trí lực lượng không kích tầm xa từ các tàu sân bay và tàu chiến mang tên lửa hành trình, hải quân NATO mất cả hai gọng kìm cần thiết cho giải pháp quân sự chống chế độ Syria nên đành đứng nhìn Không quân và Hải quân Nga làm điều ngược lại.

Tuy nhiên trục Mỹ - Anh – Pháp đâu chịu bó tay trước thế thượng phong của Nga ở Syria.

Sau cái cớ bảo vệ không phận đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ trước các vụ xâm phạm của máy bay Nga, Mỹ đã điều đến nước này một phi đoàn 12 máy bay tiêm kích chiếm ưu thế trên không F-15C.

Muốn kiềm chế Nga khi thực hiện giải pháp quân sự với chính quyền tổng thống Bashar Al-Assad, thì bên cạnh các căn cứ không quân trên bộ, Mỹ cần lực lượng hải quân đồng minh được triển khai trước và áp sát lực lượng hải quân Nga ở khu vực này.

Và vụ thảm sát hôm 13/11/2015 do “quân cờ” Daech thực hiện tại Paris là cái cớ không gì tốt hơn để trục Mỹ - Anh – Pháp thiết lập gọng kìm hải quân NATO Châu Âu vây sát lực lượng Nga và chính phủ Syria từ hướng biển Địa Trung Hải.

Trong thế không thể chủ động tấn công phủ đầu lực lượng hải quân của các cường quốc quân sự và hạt nhân NATO mang vỏ bọc đi báo thù khủng bố như Pháp – Anh – Mỹ đang thể hiện, phía Nga và chính phủ Syria đã có những động thái chủ động tạo thế kiềm chế thích hợp.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại