Ngày 3-11-2014, chiếc máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35C Lightning II, phiên bản chuyên dụng trên hàng không mẫu hạm của hải quân Mỹ đã thực hiện thành công phi vụ hạ cánh đầu tiên xuống tàu sân bay USS Nimitz (CVN-68).
Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần trong vô số các thử nghiệm ban đầu trên biển của hải quân Mỹ, F-35C còn tiếp tục chương trình thử nghiệm trong vòng hai tuần liên tục.
Rốt cuộc, tính năng của F-35C thế nào? Liệu đến năm 2018 đã đưa vào sử dụng được chưa? Chúng ta hãy cùng xem những đánh giá, bình luận của các chuyên gia quân sự Trung Quốc.
F-35C có tính năng vượt trội so với “người tiền nhiệm” F-18
Chuyên gia phân tích quân sự Trung Quốc, Vương Ngọc Phó cho rằng, F-35C là chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 có nhiều tính năng ưu việt, khả năng bay tuần tốc độ siêu âm, năng lực sinh tồn cao. Có thể nói, F-35C là một điển hình cho dòng chiến đấu cơ thế hệ mới trang bị trên hàng không mẫu hạm, mang ý nghĩa của thời đại.
Tính đến thời điểm hiện nay, F-35C đã trải qua một quá trình lịch sử vô cùng phức tạp, đặc biệt là ở giai đoạn phát triển về sau, bao gồm các vấn đề về mặt kỹ thuật, giá cả, thậm chí cả vấn đề hợp đồng mua bán trong và ngoài nước đối với loại máy bay này cũng đều có vấn đề.
F-35C là một trong ba phiên bản của chương trình nghiên cứu chế tạo tiêm kích tàng hình F-35, được thiết kế chế tạo giành riêng cho lực lượng Hải quân Mỹ, mục đích chính là trang bị trên hàng không mẫu hạm, tương tự như tiêm kích chủ lực F-18 hiện đang triển khai trên 10 tàu sân bay Mỹ.
Khi F-35C được biên chế, cụm tàu sân bay Mỹ sẽ có khả năng tác chiến rất mạnh
Tuy nhiên, là dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 nên F-35C có tính ưu điểm nổi trội so với các thế hệ trước như: Tính năng tàng hình xuất sắc, tải trọng bom đạn lớn vượt trội, bán kính tác chiến xa hơn so với thế hệ F-18. Vì vậy, sự có mặt của loại tiêm kích tàng hình thế hệ 5 này trên tàu sân bay mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hải quân Mỹ.
Hải quân Mỹ “vá lỗi” thiết kế cơ bản thành công cho F-35C
Là một bước đột phá về chế tạo chiến đấu cơ tàng hình tiên tiến nhất trên thế giới nên quá trình phát triển F-35 không tránh khỏi có những trở ngại lớn về công nghệ. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, tiêm kích hạm F-35C đã trải qua 8 lần thử nghiệm nhưng đều không thành công.
Dựa trên các dữ liệu liên quan và số liệu thử nghiệm của F-35C cho thấy, thất bại của các lần thử nghiệm trước đây, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc bản thân F-35C là loại máy bay cất, hạ cánh thẳng đứng nhưng hiện nay nó còn áp dụng thêm mô hình truyền thống, tức là thông qua phương thức dùng cáp hãm đà để máy bay hạ cánh từ phía đuôi tàu.
Chuyên gia Vương Ngọc Phó cho rằng, F-35C được thiết kế nhắm vào mục tiêu để máy bay cất hạ cánh thẳng đứng trên hạm, khiến động cơ của nó phải hơi dịch về phía trước, móc đuôi cũng thiết kế tiến lên một chút, khiến máy bay khó khăn trong việc hạ cánh bằng cáp hãm đà.
Với thiết kế của F-35C, việc cất, hạ cánh thẳng đứng là hoàn toàn có thể, vậy tại sao nó vẫn áp dụng phương thức hạ cánh trên đường băng mặt boong? Nguyên nhân bởi vì tính năng cất, hạ cánh thẳng đứng sẽ làm giảm khả năng tác chiến và tải trọng vũ khí mang theo của máy bay.
Việc áp dụng phương thức truyền thống, khiến máy bay có thể phát huy được hết tính năng chiến, kỹ thuật ưu việt của nó là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, đây chính là một lỗ hổng lớn trong thiết kế của F-35, bởi nó không có sự đồng bộ trong thiết kế giữa móc đuôi và cáp hãm đà.
Tuy nhiên, lần thử nghiệm thành công này cho thấy, lỗ hổng trong thiết kế của F-35C đã được khắc phục.
Những vấn đề tiếp theo mà liên đội không quân hạm của hải quân Mỹ cần phải làm là tiếp tục một số huấn luyện trên hạm, bao gồm cả việc luyện tập bay thử. Cần phải chờ đến khi đạt được thành công sau nhiều lần thử nghiệm, thì mới có thể nói rằng vấn đề kỹ thuật cơ bản đã được giải quyết.
Con đường thay thế F-18 của F-35C vẫn còn dài
Ông Vương cho rằng, khi được triển khai trên tàu sân bay, F-35C sẽ nâng cao hơn nữa năng lực tác chiến của cụm tàu sân bay của hải quân Mỹ. Tuy nhiên, chưa rõ đến năm 2018 F-35C đã được biên chế chính thức hay chưa, thậm chí nếu được triển khai thì cũng chỉ với số lượng rất ít. Con đường thay thế cho F-18 trên hàng không mẫu hạm vẫn còn rất dài.
F-35 là dòng máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất của Mỹ, từ ý tưởng, quan niệm trong thiết kế, cho đến chỉ tiêu kỹ thuật, chiến thuật, đều có sự khác biệt so với các dòng tiêm kích hạm trước đây của Mỹ như: F-18E, F-18F Super Hornet.
Đặc biệt là tính năng tàng hình của nó sẽ làm tăng khả năng xuyên phá qua lưới phòng không của địch, đồng thời giành ưu thế trong không chiến trước các chiến đấu cơ phi tàng hình. Tải trọng bom đạn lớn, tầm bay xa giúp nó đạt hiệu quả tấn công lớn hơn rất nhiều so với F-18.
Chiếc F-35C đang thực hiện vòng lượn để chuẩn bị hạ cánh
Khi được triển khai, F-35 sẽ là lực lượng tác chiến chủ lực trên hàng không mẫu hạm của Mỹ, nâng cao năng lực tác chiến tầm xa và khả năng chiến đấu trên không trong các nhiệm vụ cơ bản là tấn công mặt đất và khống chế không phận/hải phận trên các đại dương.
Theo kế hoạch ban đầu, F-35 sẽ được triển khai trên hàng không mẫu hạm vào năm 2018, trong khoảng thời gian từ nay đến đó, Mỹ còn điều chỉnh và thay đổi những gì thì vẫn phải quan sát tiếp, bởi quá trình nghiên cứu phát triển F-35 đã mất rất nhiều thời gian, kế hoạch cũng đã bị kéo dài ra so với dự kiến ban đầu.
Tuy nhiên, ngay cả khi F-35 được triển khai trên hàng không mẫu hạm vào năm 2018, thì cũng chưa thể với số lượng lớn, Mỹ sẽ có một giai đoạn quá độ triển khai hỗn hợp cả F-18 và F-35. Với 11 tàu sân bay trong tương lai, hải quân Mỹ sẽ phải chế tạo tới gần nghìn chiếc F-35C nên việc thay thế hết số F-18 sẽ là một quá trình tương đối dài.
Sau khi điều chỉnh kỹ thuật, quá trình thử nghiệm thành công, F-35 được biên chế chính thức sẽ nâng sức mạnh tác chiến của cụm hàng không mẫu hạm Mỹ lên một tầm cao mới. Với 10 tàu sân bay hiện tại (trong tương lai là 11), lực lượng hải quân Mỹ sẽ thống trị các đại dương, đồng thời sẽ có khả năng tấn công sâu vào đất liền của bất cứ đối thủ nào.
Sự thành công và hiện diện của F-35C trên các hàng không mẫu hạm cũng góp phần thúc đẩy quy mô sản xuất và xuất khẩu F-35 ra thị trường nước ngoài, vì hiện Mỹ chỉ có số lượng đặt hàng tương đối lớn với phiên bản cất cánh trên đường băng thông thường F-35A.