Theo cập nhật mới nhất của trang Marinetraffic.com, một chuyên trang cung cấp thông tin vận tải biển, sau gần một tháng hành trình từ nhà máy đóng tàu Admiralty Verfi ở thành phố cảng Saint Petersburg (Nga), ngày 11/12, tàu vận tải Rolldock Sea chở theo tàu ngầm Hà Nội đã ghé qua hải cảng Cape Town của Nam Phi, sau đó di chuyển từ biển Nam Đại Tây Dương sang Tây Nam Ấn Độ Dương.
Như vậy, lộ trình về Cam Ranh của tàu ngầm Hà Nội đã được định rõ, từ Saint Petersburg, qua biển Baltic, biển Bắc, Đại Tây Dương, cảng Tenerife (Tây Ban Nha), cảng Cape Town (Nam Phi), lên Ấn Độ Dương, qua Singapore, Biển Đông và cập cảng Cam Ranh (Việt Nam). Theo như dự đoán trước đây, tàu ngầm Hà Nội có thể đi vào biển Địa Trung Hải và qua eo biển Suez với quãng đường ngắn hơn. Tuy nhiên, con đường này đã không được lựa chọn.
Tàu ngầm Kilo Hà Nội đã tiến vào Ấn Độ Dương sau khi đi được gần 70% quãng đường (Ảnh minh họa).
Tính tới thời điểm hiện tại, sau thời gian khoảng hơn 20 ngày khởi hành, Rolldock Sea và tàu ngầm Hà Nội đã di chuyển được khoảng gần 2/3 quãng đường về Việt Nam. Theo dự báo của trang Marinetraffic.com, Rolldock Sea sẽ đến cảng Singapore vào ngày 27/12 tới. Sau đó, con tàu sẽ tiến vào Biển Đông và dừng chân ở cảng Cam Ranh vào cuối tháng 12/2013 hoặc những ngày đầu tháng 1/2014.
Theo tiết lộ của truyền thông Nga, nhà máy đóng tàu Admiralty Verfi đã cử đoàn 5 kỹ sư tham gia hộ tống tàu ngầm Hà Nội về Việt Nam. Sau khi về tới Cam Ranh, tàu ngầm Hà Nội sẽ chuẩn bị cho buổi lễ tiếp nhận.
Theo dự kiến, trong năm 2014, Hải quân Việt Nam sẽ tiếp nhận 2 chiếc tàu ngầm Kilo thứ hai và thứ ba, mang tên lần lượt HQ-183 TP. Hồ Chí Minh và HQ-184 Hải Phòng.
Tàu ngầm Dự án 636 lớp Varshavyanka, mà NATO gọi là Kilo, được Nga đóng cho Việt Nam thuộc thế hệ thứ ba, lượng choán nước đạt 3.100 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ, có thể lặn sâu 300 m với thủy thủ đoàn 52 người. Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi đường kính 533 mm, thủy lôi và tổ hợp tên lửa tấn công Klub.
Tàu ngầm loại này có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách xa gấp từ 3-4 lần khoảng cách tàu bị đối phương phát hiện. Khả năng tàng hình của tàu khiến các chuyên gia NATO gọi nó là "hố đen của đại dương".