Tàu ngầm Kilo Việt Nam đối phó mạng lưới sonar TQ như thế nào?

Hà Dũng |

(Soha.vn) - Các sonar săn ngầm TQ hình thành một mạng lưới sonar rộng khắp trên Biển Đông. Làm cách nào để tàu ngầm Kilo Việt Nam trở nên vô hình trước mạng lưới sonar này?

Đội hình tàu chiến cực "khủng"

Để tương xứng với tham vọng của mình, Hải quân Trung Quốc hiện sở hữu một số lượng cực lớn các tàu mặt nước. Theo các thông tin khác nhau, Hải quân Trung Quốc có 1 tàu sân bay, 14 khu trục hạm, 28 khinh hạm, 35 tàu hộ vệ tên lửa, 119 tàu tên lửa. Bên cạnh các trực thăng săn ngầm chuyên dụng thì đa số các tàu này đều được trang bị các sonar để phát hiện tàu ngầm. Mạng lưới sonar này thực sự là một thách thức không hề nhỏ dành cho các tàu ngầm Kilo Việt Nam.

Hiện nay, hai loại sonar thủy âm được đánh giá hiện đại nhất trên các tàu mặt nước của Trung Quốc bao gồm:

- Thiết bị trinh sát sonar thủy âm gắn với đáy tàu DUBV-23 (phiên bản Trung Quốc là SJD-8/9).

- Thiết bị trinh sát sonar thủy âm kéo theo tàu DUBV-43 ( phiên bản Trung Quốc là ESS-1).

Đài sonar DUBV-23 (phiên bản Trung Quốc là “SJD-8/9″) là tổ hợp sonar trung tần do tập đoàn Thales của Pháp sản xuất, chuyên dùng để dò tìm các tàu ngầm có độ ồn thấp được trang bị động cơ diesel. Trong giai đoạn từ 1988 đến năm 1999, Trung Quốc đã đặt hàng 5 sonar DUBV-23 để trang bị cho 2 tàu Lữ Đại 051, 2 tàu Lữ Hộ 052 và 1 tàu Lữ Châu 051C. Sau đó, Trung Quốc tự chế tạo trong nước theo bản quyền để trang bị cho các tàu ra đời sau đó.

Tổ hợp sonar DUBV-23 được Trung Quốc lựa chọn lắp cho các khu trục hạm mới nhất lớp Lữ Đại 051, lớp Lữ Hộ 052, Lữ Hải 051B, Lữ Châu 051C, các tàu Quảng Châu, Lan Châu, Thẩm Dương thuộc lớp tàu Lữ Dương II 052C, hai chiếc khinh hạm Giang Khải 054.

DUBV-23 hoạt động ở dải tần 4,9-5,4 kHz, có khả năng phát hiện, xác định và theo dõi tàu ngầm ở chế độ chủ động - thụ động, khoảng cách phát hiện mục tiêu đến 20 km.

Sonar kéo theo DUBV-43 được chế tạo dựa trên cơ sở DUBV-23 nhằm tăng phạm vi trinh sát theo độ sâu. Tốc độ kéo 4 -24 hải lý/h, độ sâu trinh sát lớn nhất 700m. Tổ hợp sonar phao kéo DUBV-43 được trang bị cho 2 khu trục hạm lớp Lữ Hộ 052, khu trục hạm Chu Hải, và một khu trục hạm lớp Lữ Đại 051.

 
 	Tổ hợp sonar phao kéo DUBV-43

Tổ hợp sonar phao kéo DUBV-43

Ngoài ra, 4 khu trục hạm Sovremenny nhập khẩu từ Nga được lắp đặt tổ hợp sonar “Platina MS-E” tầm xa phát hiện tàu ngầm từ 10–15 km.

Như vậy, tổng số tàu được trang bị sonar chống ngầm được coi là hiện đại của Trung Quốc là 14 khu trục hạm và 2 khinh hạm.

Còn lại 15 khu trục hạm và 46 khinh hạm được lắp sonar phiên bản cũ từ năm 1950 "EH-5" của Liên Xô chiếm 61% và "S-07H" Trung Quốc chiếm 18%.

Kilo Việt Nam vô hình với mạng lưới sonar Trung Quốc?

Chúng ta có thể thấy rằng với số lượng đông đảo bao gồm 16 tàu được trang bị các sonar hiện đại và 61 tàu được trang bị các sonar lạc hậu hơn, các tàu mặt nước Trung Quốc có thể lập được một mạng lưới rộng lớn các sonar săn ngầm để phát hiện Kilo Việt Nam. Vậy liệu có cách nào để Kilo Việt Nam trở nên vô hình với mạng lưới sonar săn ngầm này?

Các thiết bị chống ngầm trên các tàu mặt nước đóng vai trò tự vệ, bảo vệ cho đội hình chiến đấu hơn là tấn công săn ngầm nên tầm hoạt động của các sonar thủy âm khá ngắn, dưới 20 km. Với tầm hoạt động như vậy, mạng lưới các sonar thủy âm trên các tàu mặt nước Trung Quốc sẽ tồn tại những vùng mù. Tàu ngầm Kilo Việt Nam hoàn toàn có thể hoạt động được trong những vùng mù đó. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi việc trinh sát, theo dõi chặt chẽ các tàu của đối phương, đặc biệt là các tàu có các thiết bị trinh sát ngầm. Thực hiện nhiệm vụ này là hệ thống radar hải quân được bố trí ven bờ và các đảo trên Biển Đông, cùng với đó là các máy bay tuần tra, các tàu tuần tra và cả các tàu thuyền dân sự đánh cá thông thường cũng cần được sử dụng.

Khi phát hiện được vùng mù của mạng lưới sonar này, các tàu ngầm Kilo Việt Nam có thể tiếp cận với các tàu mang sonar để dùng các loại vũ khí như tên lửa chống hạm 3M-54E (tầm bắn 200km), 3M-54E1 (tầm bắn 300 km), ngư lôi VA-111 (tầm bắn 15 km) được trang bị để tiêu diệt chúng. Một phương án khác là sử dụng các thủy lôi để phong tỏa, phục kích đường hành quân của đối phương. Trong trường hợp khác thì cơ động vòng tránh, nghi binh đánh lừa đối phương theo tình huống cụ thể.

Ngoài ra, nếu sử dụng phương án tác chiến hợp đồng tàu ngầm-tàu mặt nước-tên lửa bờ-không quân, sẽ có rất nhiều lực lượng có thể đảm nhận vai trò tiêu diệt các tàu mặt nước đối phương để bảo vệ tàu ngầm Kilo. Khi sử dụng phương án này, Việt Nam luôn có được ưu thế địa lý của bên chỉ sử dụng vũ khí để bảo vệ chủ quyền.

 	Tác chiến hợp đồng nhiều lực lượng là phương án hiệu quả nhất để phát huy sức mạnh của tàu ngầm Kilo

Tác chiến hợp đồng nhiều lực lượng là phương án hiệu quả nhất để phát huy sức mạnh của tàu ngầm Kilo

Với đội hình tàu mặt nước đông đảo của đối phương, tàu ngầm Kilo sẽ là lực lượng đột phá chủ yếu của Việt Nam nhưng đồng thời cũng là mục tiêu mà đối phương sẽ tập trung sức mạnh để đối phó. Do vậy, phương án hợp đồng tác chiến nhiều thành phần là lựa chọn hợp lý nhất.

Cơ sở của phương án trên chính là việc lực lượng Hải quân Việt Nam trong những năm qua đã được ưu tiên nhiều vũ khí trang bị hiện đại tương xứng với tình hình hiện nay. Tất nhiên để làm được điều này đòi hỏi sự quyết tâm cao độ và nỗ lực hết mình của lực lượng hải quân, không quân Việt Nam trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại