Sau khi chế tạo thành công tàu ngầm Hoàng Sa lặn nổi, ông Lê Ngà còn đang tiếp tục nghiên cứu chế tạo mô hình máy bay chiến đấu lên thẳng F-35B kiểu Mỹ.
Ông Lê Ngà (50 tuổi) trú tại số nhà 38B đường Thánh Gióng, TP.Huế, Thừa Thiên Huế cho Báo Đất Việt biết như vậy.
Tăng cường thiết bị cho tàu ngầm Hoàng Sa
Tại căn phòng rộng chưa đầy 6m2 tại nhà của mình được ông Lê Ngà tận dụng làm xưởng chế tạo xe tăng, tàu ngầm, máy bay của mình.
Ông cho biết:
“Để tạo lực đẩy mạnh hơn cho tàu ngầm Hoàng Sa khi lặn dưới nước trước lễ hạ thủy con tàu này vài tháng, tôi vừa tăng cường lắp đặt thêm 3 cánh quạt, như vậy tàu ngầm sẽ có tất cả 6 cánh quạt sẽ tạo lực đẩy mạnh hơn, tàu ngầm đã được tăng cường năng lượng (pin) để chạy được lâu hơn khi lặn sâu dưới đáy sông.
Tôi cũng hoàn tất việc lắp camera dưới đáy phía trước đầu tàu ngầm để khi tàu lặn dưới đáy sông ghi nhận hình ảnh phát trực tiếp lên bờ cho biết mọi hoạt động dưới đáy sông nơi con tàu đi qua.
Nhờ hình ảnh phát trực tiếp này mà mình có thể biết được chức năng ban đầu của con tàu là lặn tìm kiếm cổ vật, tìm kiếm thi thể người...khi đuối nước”.
Ông Lê Ngà đã hoàn thiện những chi tiết cuối cùng để cho lễ hạ thủy tàu ngầm Hoàng Sa vào ngày 3/7 sắp tới.
Theo ông Ngà vào ngày 3/7 (nhằm ngày 18/5 âm lịch) tới đây là ngày sinh nhật của mình sẽ được chọn làm ngày làm lễ hạ thủy tàu ngầm Hoàng Sa trên sông Hương.
“Tôi đã bàn với vợ con và được đồng ý sẽ chọn ngày sinh nhật của mình 18/5 âm lịch để làm lễ hạ thủy tàu ngầm Hoàng Sa trên sông Hương.
Lễ hạ thủy sẽ được tổ chức hoành tráng, công phu, tại buổi lễ hạ thủy tôi sẽ mời đại diện các ban ngành liên quan, đặc biệt là mời Giám đốc Sở KH-CN Thừa Thiên Huế để tới chứng kiến buổi lễ tàu ngầm Hoàng Sa hạ thủy, chạy lặn vô tư trên sông Hương chứ không như ông giám đốc Sở này phát biểu trên báo chí là tàu ngầm Hoàng Sa không chạy, lặn được trên sông một tí nào hết”, ông Ngà cho biết.
Tàu ngầm Hoàng Sa đã được lắp đặt thêm 3 cánh quạt để tạo lực đẩy mạnh hơn nữa cho tàu khi lặn sâu dưới nước.
Để tăng thêm phần long trọng, hấp dẫn cho lễ hạ thủy tàu ngầm Hoàng Sa, ông Ngà sẽ thuê các người mẫu biết bơi lặn để lặn cùng tàu ngầm Hoàng Sa.
“Tôi đã lên kế hoạch thuê 2 người mẫu biết bơi lặn trên sông để mặc áo tắm để lặn cùng tàu ngầm Hoàng Sa dưới đáy sông, việc các người mẫu lặn cùng tàu ngầm sẽ được hệ thống camera lắp đặt phía trước đầu ngầm truyền trực tiếp lên bờ thông qua hệ thống máy chiếu trên màn hình cho mọi người, quan khách cùng xem.
Trước khi lặn cùng tàu ngầm, các người mẫu này sẽ đứng bên cạnh tàu ngầm để làm lễ trên bờ.
Sau khi lễ hạ thủy, sẽ có các ca sĩ được tôi thuê để hát chúc mừng sự thành công của tàu ngầm Hoàng Sa”, ông Ngà tiết lộ kế hoạch hạ thủy.
Hệ thống điều khiển tàu ngầm Hoàng Sa.
Ẩn số về sự thành công của mô hình F-35B
Theo ông Ngà, cũng tại buổi lễ hạ thủy tàu ngầm Hoàng Sa, sẽ công bố luôn dự án mà ông đang nghiên cứu tiến hành triển khai đó là chế tạo mô hình máy bay chiến đấu lên thẳng F-35B của Mỹ.
“Trước khi lễ hạ thủy tàu ngầm Hoàng Sa, tôi sẽ thông bố rộng rãi cho mọi người biết là tôi đang nghiên cứu, chế tạo mô hình máy bay chiến đấu lên thẳng F-35B hiện đại nhất của Không quân Mỹ hiện nay.
Dự án này sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2015, đưa vào bay thử nghiệm.
Như vậy ước mơ chế tạo mô hình xe tăng chiến đấu, tàu ngầm chiến đấu và máy bay chiến đấu của tôi gần như đã hoàn thành đủ bộ.
Sau lễ hạ thủy, sự thành công của tàu ngầm Hoàng Sa sẽ được phát công khai trên truyền hình, báo chí để cho mọi người, cơ quan chức năng, những người đam mê khoa học sẽ biết rõ hơn và không hoài nghi về những việc làm được của tôi trong đam mê sáng tạo KH-KT của mình thời gian vừa qua”, ông Ngà khẳng định.
Hệ thống camera ghi hình ảnh khi tàu lặn dưới đáy sông đã được ông Ngà gắn thành công chuẩn bị chờ giờ G.
Đến thời điểm này, theo ghi nhận của PV Báo Đất Việt, dự án chế tạo mô hình máy bay chiến đấu lên thẳng F-35B đang được ông Ngà bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo những chi tiết, thiết bị đầu tiên.
Màn hính chiếu để chiếu lại những hình ảnh tàu ngầm lặn dưới đáy sông ghi lại hình ảnh cho mọi người đứng trên bờ xem.
Ông Ngà giải thích cái khó nhất của việc chế tạo mô hình máy bay chiến đấu lên thẳng F-35B:
“Đó là động cơ lực đẩy bên trong cho máy bay chiến đấu lên thẳng F-35B và sau đó sẽ hình thành bộ vỏ bên ngoài của máy bay này.
Cái khó nhất của việc chế tạo máy bay chiến đấu lên thẳng F-35B tiếp đến là tạo ra các luồng gió từ thân máy bay thổi xuống cho cân bằng khi máy bay cất cánh lên thẳng.
Ông Ngà đang nghiên cứu, chế tạo mô hình máy bay chiến đấu lên thẳng F-35B tại xưởng nghiên cứu, chế tạo tại gia của mình.
Đây là cái khó nhất hiện đang được tôi nghiên cứu, đọc tài liệu của dòng máy báy chiến đấu lên thẳng F-35B của Mỹ có được.
Tôi tính toán rất kỹ các khâu kỹ thuật chế tạo dòng máy bay hiện đại này là làm sao sau khi điều khiển máy bay lên thẳng với một độ cao nhất định, tiếp đến là điều khiển đổi hướng các luồng gió lui phía sau để đẩy máy bay đi tới.
Và động cơ gì để làm ra thành công máy bay chiến đấu lên thẳng F-35B mà tôi đang thực hiện triển khai đó là một ẩn số mà tôi chưa thể tiết lộ được”, ông Ngà tự tin nói.
Về động lực thôi thúc ông chế tạo máy bay chiến đấu lên thẳng F-35B, ông Ngà nói thẳng:
“Tôi rất thích nghiên cứu, tìm tòi làm ra những sản phẩm khoa học công nghệ mà ở Việt Nam mình chưa ai làm. Tôi thích như vậy!.
Tôi cũng biết trên báo chí, trên mạng người ta bình luận nói này nói kia về mình chế tạo tàu ngầm, nhưng tôi sẽ tiếp thu hết những góp ý, đánh giá khen chê để mình hoàn thiện tốt trong đam mê của mình.
Nói tóm lại là kinh phí để chế tạo mô hình máy bay chiến đấu lên thẳng F-35B không nhiều bằng tàu ngầm Hoàng Sa nhưng cái khó nhất là cách suy nghĩ, nghiên cứu để thành công”.