Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc nguy hiểm như thế nào?

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Bắc Kinh hiện đang phát triển tàu ngầm Type 096 (lớp Zhou) có khả năng phóng 16 tên lửa đạn đạo thế hệ mới hơn.

Christian Conroy, một nhà nghiên cứu tại Mỹ về các vấn đề vũ khí hạt nhân và an ninh khu vực Đông Á đã có bài bình luận, phân tích về mức độ nguy hiểm của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc, từ đó đánh giá khả năng răn đe trên biển của Bắc Kinh. Sau đây là nội dung bài viết:

Ngày 27/10 vừa qua, Tân Hoa Xã đã đăng tải bài viết tiết lộ về hạm đội tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo đầu tiên của Trung Quốc.

Mặc dù việc tiết lộ tàu ngầm Type 092 (lớp Xia) không gây nhiều ngạc nhiên, nhưng việc Bắc Kinh vén bức màn bí mật về chúng cùng với những tiến bộ kỹ thuật của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2 đã làm dấy lên câu hỏi liệu Trung Quốc có đạt tới một khả năng răn đe hạt nhân trên biển đáng tin cậy hay không.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Xia của Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân lớp Xia của Trung Quốc

Tuy tàu ngầm lớp Xia nhận được khá nhiều sự tán dương ồn ào của các phương tiện truyền thông Trung Quốc và một số nguồn tin phương Tây, nhưng Hải quân Trung Quốc vẫn coi tàu ngầm Type 094 (lớp Jin) mới là nhân tố trò trọng yếu trong chiến lược răn đe hạt nhân trên biển của mình, còn tàu ngầm lớp Xia chưa thể mang lại một “khả năng tấn công hạt nhân thứ hai” đáng tin cậy cho Bắc Kinh.

Theo Cơ quan Tình báo Hải quân của Mỹ, hiện Trung Quốc duy trì 3 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Jin và đang đóng thêm 2 chiếc khác. Cả 5 chiếc này sẽ được cải tiến để trang bị 12 tên lửa đạn đạo JL-2. Theo các quan chức quốc phòng Mỹ, các tàu ngầm lớp Jin sẽ bắt đầu các hoạt động tuần tra trên biển từ đầu năm 2014.

Để sở hữu khả năng răn đe hạt nhân trên biển đáng tin cậy, Trung Quốc cần vượt qua hai thách thức về kỹ thuật mà họ chưa thể vượt qua kể từ lần đầu tiên phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm trong năm 1988. Theo đó, Trung Quốc cần phải chế tạo một tàu ngầm có đủ khả năng tàng hình để tránh được hoạt động tác chiến chống ngầm (ASW) của Mỹ và thiết kế được một tên lửa đạn đạo JL-2 có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo BMD của nước này.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 có khả năng mang 12 tên lửa đạn đạo JL-2 đặt trong bệ phóng thẳng đứng
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 có khả năng mang 12 tên lửa đạn đạo JL-2 đặt trong bệ phóng thẳng đứng

Hiện tại, hoạt động của hai tàu ngầm lớp Xia và lớp Jin đều chưa đủ độ êm để có thể thoát được sự săn lùng của những loại vũ khí chống tàu ngầm vô cùng hiện đại mà Mỹ đang sở hữu. Một báo cáo năm 2009 của Cơ quan tình báo Hải quân Mỹ đã so sánh độ ồn tần số thấp giữa lực lượng tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Trung Quốc và của Nga trong những năm 1970.

Trong số 12 tàu ngầm được đem so sánh thì các tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Xia xếp vị trí đầu tiên và tàu lớp Jin xếp vị trí thứ tư trong số những tàu dễ bị phát hiện nhất. Thêm nữa, tên lửa đạn đạo JL-2 liên tiếp trải qua các lần phóng thử nghiệm thất bại và hiện vẫn chưa rõ liệu Hải quân Trung Quốc đã thử nghiệm thành công loại tên lửa này như họ mạnh miệng tuyên bố hôm 16/8 vừa qua hay chưa.

Ngay cả khi đã đạt tới trình độ kỹ thuật cần thiết để đảm bảo khả năng răn đe hạt nhân trên biển thì quân đội Trung Quốc vẫn thiếu kinh nghiệm trong việc duy trì hoạt động tuần tra mang tính răn đe ở những vùng biển xa bờ. Trung Quốc thường chủ yếu dựa vào những tên lửa liên lục địa phóng từ mặt đất (ICBM) để phục vụ mục tiêu răn đe, họ chưa từng phải đối mặt với vấn đề quan trọng hiện đang đặt ra là liệu có nên trao quyền phóng tên lửa đạn đạo cho các chỉ huy tàu ngầm trong trường hợp xảy ra xung đột hay không.

Tên lửa đạn đạo JL-2 trong một cuộc thử nghiệm
Tên lửa đạn đạo JL-2 trong một cuộc thử nghiệm

Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) từ trước tới nay thường ủy quyền điều khiển và chỉ huy toàn bộ kho vũ khí hạt nhân cho Quân đoàn pháo binh số Hai. Vì vậy, hiện tại rất ít khả năng CMC sẽ chuyển quyền phóng các tên lửa nói trên cho những chỉ huy của lực lượng hải quân. Sự thiếu kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc duy trì thông tin liên lạc an toàn giữa các tàu ngầm tên lửa đạn đạo và sở chỉ huy trên bộ cũng đồng nghĩa với việc nếu Mỹ phát động một cuộc tấn công cắt đứt hệ thống điều khiển và chỉ huy của Trung Quốc, khả năng răn đe hạt nhân trên biển của Bắc Kinh có thể sẽ mất đi hiệu quả.

Thậm chí ngay cả khi Trung Quốc đã thực hiện được những cải tiến kĩ thuật đối với tàu ngầm lớp Jin, cho phép tàu này vượt qua được hệ thống tác chiến chống ngầm phức tạp của Mỹ, thì hệ thống phòng thủ tên lửa BMD của Mỹ sẽ vẫn có thể đánh chặn hầu hết các tên lửa JL-2 phóng từ các tàu ngầm lớp Jin hoạt động tại vịnh Bột Hải hoặc Biển Đông, trước khi chúng có thể chạm tới lục địa Mỹ.

Một khi tàu ngầm lớp Jin phóng tên lửa JL-2, các radar của hệ thống Aegis triển khai gần bờ biển Trung Quốc sẽ ngay lập tức phát hiện ra, và chỉ 5 giây sau đó, tên lửa đánh chặn SM-3 của Mỹ sẽ được phóng đi. Bên cạnh việc triển khai thêm các tên lửa đánh chặn SM-3 ở gần bờ biển nước Mỹ và hệ thống đánh chặn bố trí trên bộ ở California và Alaska, Lầu Năm góc hy vọng tới năm 2018 sẽ có thể tiếp tục triển khai tên lửa SM-3 Block IIA thế hệ tiếp theo, có khả năng hạ gục mọi tên lửa JL-2 của Trung Quốc nhắm vào lục địa Mỹ.

Trong khi tàu ngầm lớp Xia và lớp Jin đều chưa thể mang lại cho Trung Quốc khả năng răn đe hạt nhân dưới biển đáng tin cậy, thì một điều không thể bàn cãi là Mỹ sau cùng sẽ phải đối phó với một Trung Quốc sở hữu “hai chân” còn lại của bộ ba hạt nhân. Hiện tại, Hải quân Trung Quốc đang thí nghiệm triển khai tên lửa đạn đạo mang đầu đạn có khả năng tự phân tách MIRV trên các tàu ngầm hạt nhân có khả năng tàng hình cao hơn.

Một số nguồn tin từ Trung Quốc cho biết hiện tại JL-2 có khả năng mang từ 3 đến 9 đầu đạn. Giả sử JL-2 có tầm bắn 7.200km, thì một tên lửa JL-2 mang nhiều đầu đạn được phóng từ các vùng biển gần bờ biển Hải Nam có thể tấn công hệ thống phòng thủ của Mỹ. Một báo cáo năm 2010 của Bộ Quốc phòng Mỹ về năng lực quân sự của Trung Quốc đề cập rằng Bắc Kinh hiện đang phát triển tàu ngầm Type 096 (lớp Zhou) có khả năng phóng 16 tên lửa đạn đạo thế hệ mới hơn.

Khả năng tấn công hạt nhân thứ hai là khái niệm để chỉ một quốc gia có khả năng đáp lại một cuộc tấn công hạt nhân bằng một cuộc tấn công hạt nhân trả đũa đủ mạnh để răn đe cuộc tấn công thứ nhất.

Khi Trung Quốc đạt tới trình độ kỹ thuật và khả năng tác chiến cần thiết để hoàn thiện khả năng răn đe trên biển, Washington sẽ buộc phải lựa chọn có chấp nhận hay không những rủi ro, tổn hại có thể xảy ra trong cuộc chiến hạt nhân với Bắc Kinh. Tuy nhiên, cho tới nay, bằng cách tiếp tục phủ nhận “khả năng tấn công hạt nhân thứ hai trên biển” của Trung Quốc, Mỹ luôn né tránh những cuộc đối thoại cần thiết để trấn an đồng minh trong khu vực.

Chấp nhận “khả năng răn đe hạt nhân trên biển” của Trung Quốc đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ phải xác định lại chính sách ngăn chặn mở rộng và chiếc ô hạt nhân của mình ở châu Á - Thái Bình Dương.

Vấn đề là Mỹ sẽ lựa chọn phản ứng với những rủi ro có thể xảy ra trong cuộc chiến hạt nhân với Trung Quốc như thế nào? Tiếp tục phủ nhận khả năng răn đe hạt nhân của Bắc Kinh hay chấp nhận nó và xem xét lại chính sách ngăn chặn mở rộng ở châu Á – Thái Bình Dương.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại