Tấn công hay... tháo rời?

My Lăng |

Sau khi lấy được máy bay về, tối 12-11-1973, Hồ Duy Hùng được kết nạp Đảng. Buổi lễ được tổ chức ngay trong hầm của ông Năm Hà, phó Ban quân báo Quân khu Sài Gòn - Gia Định.

Kỳ 1: Phi vụ đầu tiên ở Trường Sa

Kỳ 2: Chiếc trực thăng bị đánh cắp

Kỳ 3: Chuyến bay sinh tử

Kỳ 4: Vụ án "tản thất quân dụng"

Sau đó anh được phong quân hàm “Đại đội bậc phó”, tương đương thiếu úy sĩ quan quân đội nhân dân VN, được thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng 3 và một radio National để nghe tin tức.

Lúc đó mọi người mới biết người vừa lập nên chiến công lớn cho Ban Quân báo Sài Gòn - Gia Định là Hồ Duy Hùng, người của tổ tình báo E4 thuộc Cụm tình báo J90 (Ban Quân báo Sài Gòn - Gia Định), bí danh Bảy Hiền và sau này là Chín Chinh.

Chở thuốc nổ, tấn công dinh Độc Lập?

Mấy hôm sau ngày kết nạp Đảng, Ban quân báo cử Sáu Lễ (phó ban) và Hồ Duy Hùng đi kiểm tra lại tình trạng máy bay, rồi về báo cáo ông Tư Chu (tức Nguyễn Đức Hùng, tư lệnh phó - tham mưu trưởng Quân khu Sài Gòn - Gia Định, kiêm chỉ huy trưởng lực lượng biệt động).

Ngay sau đó, một cuộc họp mật chỉ có 4-5 người do ông Tư Chu chủ trì ngay trong phòng làm việc của trưởng Ban quân báo Năm Lâm.

Nội dung là bàn phần tiếp theo của điệp vụ: lấy UH-1 chở thuốc nổ đánh dinh Độc Lập diệt tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu.

Anh Tư Chu hỏi Hùng đánh như thế nào, Hùng đề xuất kế hoạch chở thuốc nổ chứ không chở bom vì UH-1 không được thiết kế để chở bom" - ông Năm Nhưỡng (phó Ban quân báo) kể.

"Hùng nhấn mạnh phải là lượng chất nổ mạnh và chế tạo sao cho có sức công phá lớn.

Cậu ấy đề xuất dùng 400-500kg thuốc nổ C4 (tương đương một quả bom 1 tấn)! Thuốc nổ C4 có sức công phá gấp 3-4 lần TNT và dễ đánh hơn TNT”.

Lượng thuốc nổ gần nửa tấn sẽ gói lại, kết cấu lại giống như quả bom, to bằng hai thùng phuy treo dưới bụng máy bay.

Trên máy bay chế tạo một hệ thống móc, khi bay vào dinh Độc Lập, phi công chỉ cần giật móc, “quả bom” sẽ lập tức rơi xuống.

Trong “quả bom” có gắn rất nhiều nụ xòe (ngòi nổ), khi rơi xuống những ngòi nổ này sẽ bị bung ra và làm nổ hết toàn bộ lượng thuốc nổ.

Theo tin từ một cơ sở quân báo trong dinh Độc Lập, lúc 7g sáng 1-1-1974, tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu sẽ tổ chức lễ đón mừng năm mới tại dinh Độc Lập.

Đây là thời cơ hiếm có để tiêu diệt Nguyễn Văn Thiệu.

Mọi người thống nhất theo đề xuất của Hồ Duy Hùng (Chín Chinh): dùng chiếc UH-1 chở khoảng nửa tấn thuốc nổ, đúng 8g sáng 1-1-1974 sẽ ném vào dinh tổng thống Sài Gòn.

Vấn đề là bay đến dinh Độc Lập và ném “bom” như thế nào.

Khi đó ở miền Nam, ta chưa có máy bay - ông Năm Nhưỡng cho biết - Bầu trời là của đối phương nên họ không có súng phòng không. Chiếc UH-1 có thể bay theo đường 13 hoặc men theo sông Sài Gòn.

"Quãng đường từ căn cứ đến mục tiêu khoảng 15-20 phút. Chín Chinh sẽ giữ tốc độ 80-90km/g, bay ở độ cao 30-50m để tránh đạn nếu bị tấn công”.

Mọi người rất hăng hái với điệp vụ này. Một bộ phận chuyên chế tạo bom của Quân khu Sài Gòn - Gia Định lập tức nghiên cứu tìm chất nổ, tính toán thời gian nổ và chế tạo rất nhiều loại bom chuẩn bị cho điệp vụ tối mật này.

Chín Chinh phối hợp với công binh thiết kế giá treo bom dưới bụng máy bay.

Khoảng 20 ngày sau, theo chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, Quân chủng phòng không không quân đã cử một số phi công và nhân viên kỹ thuật từ Hà Nội vào để nghiên cứu sử dụng chiếc máy bay UH -1 đầu tiên lấy được của Mỹ.

Chín Chinh được giao nhiệm vụ huấn luyện cho phi công và kỹ thuật viên ngay tại chỗ, để sau này lấy được máy bay UH-1 có thể bay được, dùng luôn.

Tuy nhiên, phương án huấn luyện bay chuyển loại tại chỗ không thành.

Vì giữa rừng, công tác bảo đảm mặt đất (xe điện, vận chuyển xăng dầu khó khăn...) và kỹ thuật không đáp ứng được. Hơn nữa nếu bay lên cao radar của quân đội Sài Gòn sẽ phát hiện.

Sau khi kế hoạch chi tiết được hoàn chỉnh, Bộ chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định cử Sáu Lễ mang kế hoạch đến căn cứ Bộ Tư lệnh Miền ở Tà Thiết (Lộc Ninh) để báo cáo.

Trong khi đó, ở nhà ai cũng âm thầm ráo riết hoàn thành nhiệm vụ của mình và náo nức chờ ý kiến của Bộ Tư lệnh Miền để thực hiện.

Công việc xúc tiến rất khẩn trương. Bom sắp đem về. Công việc phối hợp kỹ thuật để gắn bom đã hoàn thành.

Hai hôm sau Sáu Lễ về, mang theo mệnh lệnh của cấp trên: không thực hiện nhiệm vụ này nữa mà đưa chiếc UH-1 mang số hiệu 60139 lên biên giới!

Quân lệnh như sơn! Không ai nói lời nào nhưng trong lòng cứ ấm ức không nguôi. Các đồng chí trưởng, phó ban mấy ngày sau vẫn trầm tư như sau một chiến dịch thất bại” - Hồ Duy Hùng nhớ lại.

Sau đó Sáu Lễ và Chín Chinh được gọi lên Bộ Tư lệnh Miền để nhận nhiệm vụ.

Tại đây, tham mưu phó quân giải phóng miền Nam Nguyễn Minh Châu giao nhiệm vụ phải đưa chiếc UH-1 này lên vùng rừng sâu giữa Tây Ninh và Lộc Ninh để chờ lệnh.

Sáu Lễ và Chín Chinh được lệnh phối hợp với một đơn vị pháo binh bàn bạc kế hoạch chi tiết, chọn thời gian và địa điểm hạ cánh, đảm bảo an toàn cho chiếc UH-1.

Theo hợp đồng tín hiệu, đơn vị này sẽ đốt khói hiệu ngay rìa bãi đáp, cách doanh trại của đơn vị chừng 5km.

Sau khi nghe báo cáo lại, đại tá Bùi Cát Vũ, tư lệnh pháo binh miền, đồng ý và nói:

Trong buổi chiều đó tôi sẽ lệnh cho các loại súng, pháo phòng không từ 12 li 7 trở lên sẽ không bắn trực thăng UH-1, còn súng bộ binh thì các đồng chí phải... tự lo liệu để tránh!”.

Gian nan bảo vệ UH-1

Khoảng 5g chiều một ngày cuối tháng 11-1973, Chín Chinh chuẩn bị nổ máy thì nghe tiếng động cơ máy bay và thấy một chiếc máy bay trinh sát của không quân Sài Gòn bay vòng vòng phía nam.

Sau nửa tiếng quần thảo nó mới chịu bay đi. Vậy là trễ mất 30 phút so với thời gian hiệp đồng với đơn vị pháo binh!

Chín Chinh lấy hướng đã định và bay rất thấp. Trần Anh Phới, một sĩ quan không quân, ngồi ghế lái phụ kiêm dẫn đường.

Bay hết thời gian dự kiến, không thấy bãi đáp, trời bắt đầu tối vì mùa này mặt trời lặn sớm.

Bay thêm gần một phút nữa, tôi biết mình đã đi lệch hướng và đã vượt quá điểm hẹn nên phải vòng lại tìm bãi đáp" - ông Hùng kể.

"Thấy phía trước có đám lửa và khói, tưởng bãi đáp, tôi bay đến thì thấy nhiều bộ đội chạy ra và đạn lửa bay lên rất nhiều”.

Có mấy viên trúng vào máy bay kêu cốp cốp! Chín Chinh lách qua lách lại để tránh đạn của... quân ta. Rồi lại thấy một đám khói khác, cũng như lần trước, chiếc UH-1 vừa trờ tới lại bị bắn dữ dội.

Đến lần thứ ba thì càng bị bắn nhiều hơn. Bây giờ trời đã tối hơn, phải tìm cách hạ cánh ngay!

Sau khi đã tìm được chỗ hạ cánh tạm thời, kiểm tra lại mới biết do nhầm lẫn nên anh Phới đã chỉ lệch phải khoảng 10-15 độ. Nghĩa là họ đã lệch ra phía Lộc Ninh và không biết cách điểm hẹn bao xa!

Sáng hôm sau, tôi mở hết hai cửa thân máy bay để khi hạ xuống thấy máy bay trống trơn, không thấy biệt kích bộ đội sẽ đỡ bắn.

Tôi hạ độ cao và chọn một bãi cỏ tranh để hạ cánh. Khi tôi vừa tắt máy và kéo cần cho cánh quạt giảm nhanh, anh Phới nhảy ngay ra khỏi máy bay la thật to: “Máy bay của giải phóng, không bắn”.

Tôi nhảy xuống, thấy nhiều anh em bộ đội đang lố nhố ở các gốc cây, lăm lăm chĩa súng vào” - ông Hùng nhớ lại.

Sau khi đọc xong tờ giấy viết tay của tham mưu phó Quân Giải phóng miền Nam, người đàn ông có vẻ như là chỉ huy nói to:

“Anh em, máy bay của ta, máy bay của ta! Cất súng vào, ra chặt cây ngụy trang máy bay đi...”.

Đây là đơn vị bảo vệ của Bộ Tư lệnh Miền. Ông Hùng cho biết thêm:

Hôm sau khi các đồng chí ở đơn vị gần đó đến chơi, kể lại là tối hôm trước do không biết nên các anh đã bắn chiếc UH-1 của chúng tôi hết 270 viên AK! Máy bay bị trúng năm viên nhưng không trúng chỗ hiểm”.

Tháng 3-1974, Chín Chinh cùng Nguyễn Tư Long (một sĩ quan kỹ thuật không quân) nhận được lệnh: tháo rời chiếc UH-1, đưa gấp ra Bắc.

Đó là một mệnh lệnh không ai nghĩ tới!

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại