Tại sao Nga không trang bị máy phóng hơi nước trên lớp tàu sân bay mới?

Tuấn Sơn |

Tàu sân bay thế hệ mới của Nga theo lời giới thiệu của Đại tá Vladimir Triapichnikov vẫn là loại hạng nhẹ, chỉ mang số lượng máy bay chiến đấu giới hạn vài chục chiếc. Như vậy việc trang bị hệ thống máy phóng hơi nước cồng kềnh là bất hợp lý...

Mới đây, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố kế hoạch trang bị tàu sân bay thế hệ mới cho lực lượng Hải quân nước này vào năm 2030.

Từ những thông tin công khai, tàu sân bay mới của Hải quân Nga được trang bị động cơ hạt nhân, có khả năng tác chiến linh hoạt, trang bị hệ thống tác chiến-điện tử hiện đại…

Tuy nhiên, có một điểm nhấn đặc biệt là tàu sân bay mới của Nga vẫn dùng cơ chế hỗ trợ máy bay trên khoang cất cánh dạng dốc phóng, mà không phải là hệ thống máy phóng dùng động cơ hơi nước đang phổ biến hiện nay.


Hệ thống máy phóng hơi nước trên tàu sân bay của Hải quân Mỹ.

Hệ thống máy phóng hơi nước trên tàu sân bay của Hải quân Mỹ.

Điều này xuất phát từ truyền thống “đặc biệt” của các lớp “tàu sân bay” từ thời Liên bang Xô Viết và tới nước Nga hiện nay và cũng phù hợp với môi trường tác chiến chính của các “kỳ hạm trong hạm đội” này.

Tại sao “tàu sân bay” của Liên Xô và Nga lại khác biệt?

Sau thế chiến thứ 2 và trong chiến tranh Lạnh, do đã có kinh nghiệm chế tạo và kinh nghiệm sử dụng từ cuộc chiến trên Thái Bình Dương, nên Mỹ sở hữu một số lượng đáng kể các hạm đội tàu sân bay (HĐTSB).

Trong khi đó, Liên bang Xô Viết do không đủ tiềm lực, kinh nghiệm sử dụng dòng vũ khí hải quân hiện đại này (so với Mỹ), đã phải tìm cho mình chiến lược hải quân riêng để làm đối trọng.

Để đối trọng lại với các HĐTSB của Mỹ, Hải quân Liên Xô trước đây và Nga hiện nay, chú trọng phát triển các đơn vị tàu ngầm nguyên tử tấn công mang tên lửa hành trình diệt hạm tầm xa như: Tàu ngầm thuộc Đồ án 971 Shchuka-B, 945 Bаrrаcudа, 671RTM Shuka…

Còn các lớp tàu mặt nước trong biên chế chủ yếu mang ý nghĩa phòng thủ, bảo vệ chủ quyền, tuần tra…


Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov lớp Kremlin

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov lớp Kremlin


Tàu ngầm nguyên tử tấn công lớp Shuka.

Tàu ngầm nguyên tử tấn công lớp Shuka.

Ý thức được sự nguy hiểm của từ các HĐTSB, hầu hết các chiến hạm của Hải quân Liên Xô đều được vũ trang mạnh bằng các tổ hợp pháo, tên lửa phòng không các tầm, nhằm nâng cao khả năng đối phó với các mối đe dọa từ trên không.

Ngoài ra, chiến hạm của Hải quân Liên Xô còn được trang bị các tổ hợp tên lửa hành trình diệt hạm tầm xa với mục đích “sống sót, bắn trước và có thể tiêu diệt trước”.

Tuy nhiên, vì sự ưu việt trong khả năng thực hiện nhiệm vụ đa nhiệm và khả năng phòng không hạm đội của tàu sân bay, Hải quân Xô Viết cũng đã bắt tay vào phát triển các dòng tàu sân bay của riêng mình với đặc điểm đặt nặng tính phòng thủ và khả năng độc lập tác chiến cao hơn nhiều so với vai trò đơn thuần là căn cứ nổi như các hạm tàu sân bay của Mỹ và phương Tây.

Nhưng tàu sân bay của Hải quân Xô Viết lại mang được ít máy bay và khí cụ hỗ trợ tác chiến hơn. Đáp ứng các yêu cầu này, một dạng tàu sân bay “con lai” đã ra đời.

Điển hình cho mô hình học thuyết tàu sân bay của Liên bang Xô Viết là tuần dương hạm tên lửa hạng nặng mang máy bay (TAVKR) thuộc Đồ án 1143.5 Kremlin.

Hai chiến hạm loại này còn tồn tại tới ngày nay là Kuznetsov (hải quân Nga sở hữu), hạ thủy năm 1985 và chiếc Varyag chưa hoàn thiện (Trung Quốc mua lại của Ukraine từ năm 1998), hạ thủy năm 1988.

Mỹ và phương Tây đã dành cho lớp chiến hạm thuộc Đồ án 1143.5 biệt danh “Tên đồ tể mang máy bay” vì trang bị vũ khí hạng nặng của lớp tàu này.

Sau khi hoàn thiện tàu sân bay lớp Kreml, Liên bang Xô viết đã bắt tay vào phát triển các lớp tàu sân bay hoàn thiện, có tính kế thừa hơn (vừa có Skijump, vừa có máy phóng hơi nước và mang động cơ hạt nhân…) là Đồ án 1153/1160 và 1143.7.

Nhưng sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ năm 1991, các Đồ án tàu sân bay nói trên đều bị hủy bỏ. Nga mới chỉ nối lại chương trình phát triển lớp tàu sân bay thế hệ mới trong vài năm trở lại đây.

Máy phóng hơi nước có nhiều điểm mạnh… nhưng không phù hợp

Xét về tính kỹ thuật, việc trang bị hệ thống máy phóng sử dụng động cơ hơi nước (loại đang được Hải quân Mỹ sử dụng trên các tàu sân bay) có nhiều lợi thế hơn so với dốc phóng ở việc giúp máy bay cất cánh mang được trọng tải vũ khí, trang bị lớn hơn; thời gian triển khai máy bay trên khoang lên không nhanh hơn…

Tuy nhiên, những ưu điểm này phù hợp với các tàu sân bay lớn, nhiệm vụ chuyên biệt kiểu Mỹ. Đối với Hải quân Nga hiện nay, trang bị hệ thống như trên với môi trường tác chiến chính của Nga lại là nhược điểm, thậm chí là không an toàn.


Hình ảnh về tàu sân bay thế hệ mới dành cho Hải quân Nga.

Hình ảnh về tàu sân bay thế hệ mới dành cho Hải quân Nga.

Có thể thấy rõ, tàu sân bay thế hệ mới của Nga theo lời giới thiệu của Đại tá Vladimir Triapichnikov vẫn là loại hạng nhẹ, nhiệm vụ chính vẫn là phòng không hạm đội và khả năng tấn công đối đất có giới hạn.

Điều này đồng nghĩa với việc tàu sân bay Nga sẽ chỉ mang số lượng máy bay chiến đấu giới hạn vài chục chiếc. Như vậy, việc trang bị hệ thống máy phóng hơi nước cồng kềnh là bất hợp lý.

Với dải nhiệm vụ như vây, hệ thống dốc phóng hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu về sự đơn giản, không cần phải đào tạo lại kíp thủy thủ, cũng như kết cấu của các dòng máy bay hải quân hoạt động trên khoang hiện tại.

Việc sử dụng dốc phóng còn giúp tạo thêm diện tích dưới khoang để triển khai vũ khí hoặc chứa thêm máy bay….

Mặt khác, hệ thống máy phóng hơi nước hoạt động không tốt ở môi trường giá lạnh, như các vùng biển phía Bắc nước Nga hoặc tại Bắc Băng Dương. Trong khi đó, đây là các vùng biển tác chiến chính của Hải quân Nga.

Giới chuyên gia quân sự từng đánh giá, việc mang hệ thống máy phóng hơi nước lên tàu sân bay hoạt động ở vùng băng giá là lợi bất cập hại.

Do sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn, các chi tiết của hệ thống máy phóng hơi nước nhanh chóng bị hư hại nghiêm trọng, thậm chí là bị vô hiệu hóa.

Mặt khác, hơi nước bốc ra từ hệ thống do ảnh hưởng của nhiệt độ thấp có thể tạo ra các lớp băng mỏng bám trên mặt sàn tàu sân bay, tạo ra nguy cơ trơn trượt, cực kỳ nguy hiểm…. và nhiều yếu tố kỹ thuật khác.

Với lời giới thiệu của Đại tá V. Triapichnikov, nhiều khả năng lớp tàu sân bay mới của Nga sẽ vẫn đi theo phương hướng truyền thống của Hải quân Liên Xô và Nga là “lấy thủ, làm công”:

Cung cấp khả năng phòng thủ trên không cực mạnh cho hạm đội; nhiệm vụ tiêu diệt, vô hiệu hóa chiến hạm đối phương dựa và các dòng tên lửa diệt hạm có cánh các tầm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại