Tờ Russia & India Report cho biết, Nga đã lần đầu tiên điều động các máy bay ném bom chiến lược tầm xa tấn công IS vào ngày 17/11 vừa qua, nhằm vào các mục tiêu tại tỉnh Raqqa - thành trì của tổ chức Hồi giáo cực đoan này ở Syria.
Máy bay ném bom Tu-22M3 đã thực hiện hành trình dài 4.510km trong chuyến bay kéo dài 5 tiếng 20 phút, còn máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95MS lần lượt trải qua hành trình dài 8 tiếng 20 phút và 9 tiếng 30 phút.
Thử nghiệm vũ khí mới?
Theo Văn phòng báo chí Bộ Quốc phòng Nga, các máy bay ném bom chiến lược đã phóng 34 tên lửa hành trình trong suốt đợt tấn công. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên tên lửa hành trình phóng từ trên không Kh-101 của Nga tham chiến.
Được biết, các tên lửa Kh-101 có tầm bắn 5.500km.
Trước đó, năm 2014, ông Boris Obnosov, Giám đốc Tập đoàn tên lửa chiến thuật Nga (nơi có Phòng thiết kế Raduga – đơn vị phát triển tên lửa Kh-101) cho biết tập đoàn đã đưa “khoảng 10 sản phẩm mới” vào hoạt động, trong đó có các tên lửa tầm xa.
Theo ông Obnosov, tập đoàn đang bắt kịp với Mỹ trong lĩnh vực phát triển các loại vũ khí chiến thuật chính xác tầm xa và thậm chí còn chiếm ưu thế hơn ở một số khía cạnh.
Giới chuyên gia nhận định rằng, cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu IS ở Syria vừa qua có thể là một “cuộc thử nghiệm” vũ khí mới, giống như trường hợp Nga bắn tên lửa hành trình Kaliber từ biển Caspian tấn công IS hôm 7/10.
Sức mạnh cơ bắp?
Các nhà quan sát do tờ Russia & India Report phỏng vấn đều có nhận định rằng:
Việc Nga sử dụng lực lượng không quân tầm xa tấn công IS có thể xem là một “hành động trả thù” các phần tử khủng bố vì đã gây ra thảm kịch trên chiếc A321 chở hơn 200 khách du lịch nước này tại bán đảo Sinai (Ai Cập).
“Sử dụng không quân tầm xa là cách thức tất yếu và duy nhất để nhanh chóng tăng cường độ các đợt không kích ở Syria” – Anton Lavrov, một chuyên gia độc lập, đồng thời là tác giả cuốn “August Tanks” nhận định.
“Căn cứ và lực lượng Nga tại Latakia đang hoạt động với khả năng hạn chế. Nhìn từ quan điểm quân sự thì tại Syria không có mục tiêu nào đòi hỏi phải cần tới 24 máy bay ném bom chiến lược” – Lavrov nói thêm.
Theo Lavrov, Admiral Kuznetsov - chiếc tàu sân bay duy nhất của Nga có thể trở thành lực lượng dự bị cho Không quân Nga ở Syria.
Con tàu này mang theo 12 máy bay chiến đấu đa nhiệm MiG-29K trang bị các tên lửa chính xác và 14 tiêm kích hạm hạng nặng Su-33 với các tên lửa không dẫn đường. Nó có thể trở thành lực lượng hỗ trợ quan trọng cho không quân Nga ngoài biển.
Tuy nhiên, Admiral Kuznetsov hiện đang ở biển Barents và tiến hành các bài tập tác chiến.
Trong khi đó, Andrian Nikolayev – Tổng biên tập chuyên san Voeniy Paritet (Military Parity) tin rằng các máy bay ném bom chiến lược được Nga sử dụng với mục đích duy nhất là tạo hiệu ứng.
“Trong bối cảnh đang phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt quốc tế, Moscow phải thể hiện “sức mạnh cơ bắp”, đó là khả năng chống khủng bố, nhằm tăng cơ hội được nới lỏng các lệnh trừng phạt” – ông Nikolayev nói.
Máy bay ném bom Tu-95 Nga đang tấn công mục tiêu IS ở Syria.
Theo quan điểm của ông Nikolayev, đây là lý do chính xác tại sao Nga quyết định học theo kinh nghiệm tác chiến của Mỹ, điều động các máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95MS và nhất thiết sử dụng tên lửa hành trình cho các cuộc không kích quy mô.
“Tuy nhiên, kinh nghiệm này đã lỗi thời. Hiện tại, trong các cuộc tấn công, phương Tây đang sử dụng rất hiệu quả các máy bay không người lái Predator và Reaper.
Nga vẫn chưa có máy bay không người lái tấn công. Đó là lý do tại sao họ phải sử dụng những gì mình có, dù hơi quá” – ông Nikolayev nhận định.
Nga điều máy bay ném bom chiến lược đánh IS