Trong bài viết trên The National Interest (Mỹ), nhà phân tích Dave Majumdar cho rằng, việc thu thập thông tin về tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22, mẫu chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không của Không quân Mỹ, đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của quân đội Nga.
Tuy nhiên, lực lượng viễn chinh của Nga phần lớn đi theo học thuyết truyền thống của Liên Xô và lực lượng này bao gồm máy bay chiến đấu các loại, các hệ thống phòng không và một đơn vị an ninh trên bộ được vũ trang hạng nặng.
Một quan chức tình báo Không quân Mỹ nhận định:
“Có vẻ người Nga đang đi theo học thuyết tiêu chuẩn của họ khi triển khai/sử dụng các phương tiện tác chiến trên không và trên bộ.
Nhưng chắc chắn không loại trừ khả năng họ sử dụng các vũ khí không-đối-không mới hơn của mình dưới dạng “thử nghiệm hoạt động” trong môi trường thế giới thực”.
“Xét về một mặt nào đó, chúng ta cũng đang thực hiện điều tương tự với các tiêm kích F-22” – Vị quan chức nói.
Mặc dù tích lũy kinh nghiệm vận hành các máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30SM và Su-34 có vẻ là mục tiêu quan trọng trong đợt triển khai của Nga nhưng Moscow dường như còn có mục đích khác khi triển khai tới Syria các máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của họ.
Máy bay ném bom Su-34 hạ cánh xuống phi trường Syria. Ảnh: Sputnik.
“Đây có thể là cách người Nga định dạng hóa mẫu tín hiệu radar phát ra từ máy bay tàng hình thế hệ 5 F-22 dựa trên các cảm biến cảnh báo radar (RWR) trong môi trường tác chiến thực tế” - quan chức tình báo cao cấp của Không quân cho biết.
Một phi công Không quân Mỹ đưa ra đánh giá súc tích hơn:
“Họ có lẽ không có ý định vướng vào bất cứ cuộc giao tranh không-đối-không nào với IS” – viên phi công nói – “Tôi cá 100 đô là máy bay của họ đến đây để thu thập thông tin từ tiêm kích thế hệ 5 của chúng ta”.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều cùng quan điểm đó.
Vị quan chức tình báo cấp cao của Mỹ nói: “Tôi hoài nghi việc Su-30 chỉ đến đây để thu thập thông tin tình báo. Người Nga có các phương tiện ISR (tình báo, trinh sát và giám sát) khác để thực hiện nhiệm vụ này”.
Quân đội Nga thường sử dụng các loại máy bay chuyên biệt như Ilyushin Il-20M Coot-A để thu thập thông tin tình báo điện tử và có lý khi giả định rằng Không quân Nga đã triển khai những phương tiện như vậy tới khu vực này.
Ngược lại, sự hiện diện của các biến thể mới nhất trong gia đình Flanker tại Syria có thể là để ngăn chặn các phương tiện tình báo của phương Tây tìm cách tiếp cận để thu thập thông tin về chiến dịch triển khai của Nga.
Một quan chức Không quân khác nhận định:
“Các máy bay chiến đấu Flanker không đến đây vì mục đích phòng thủ trên không nhưng thay vào đó, sự hiện diện của chúng có lẽ là để ngăn chặn và đẩy lùi các máy bay thu thập thông tin tình báo tiếp cận quá gần căn cứ hoạt động của chúng”.
Một số phi công Hải quân và Không quân Mỹ đồng tình với nhận định này.
“4 chiếc máy bay có vẻ được bố trí cho tình huống khẩn cấp. Chỉ với 4 chiếc, chúng khó có thể tiến hành các chiến dịch duy trì liên tục”, một phi công F-22 nói.
Cuộc không kích tại Syria là cơ hội để Nga do thám F-22?
Tuy nhiên, một sĩ quan Không quân khác của Mỹ cảnh báo rằng không nên đánh giá thấp người Nga.
“Hãy nhớ rằng họ có khả năng tương tác nhiều hơn giữa các máy bay và chúng được thiết kế để có thể vận hành dễ dàng”.
Các máy bay Nga có thể tiến hành nhiều chuyến bay xuất kích hơn dự kiến và con số này sẽ nhiều hơn một lực lượng tương đương với 4 chiếc Raptor.
Nhìn chung, các quan chức Không quân và Hải quân Mỹ đều đồng tình rằng lực lượng viễn chinh của Nga quá nhỏ để có thể tác chiến thực sự hiệu quả.
Tuy nhiên, nếu người Nga nghiêm túc về chiến dịch không kích Syria, sự hiện diện của Nga có thể sẽ tăng lên đáng kể.