Sức mạnh tuyệt đối của "Hoàng đế pháo binh Đức"

ĐTN |

Hệ thống pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 (PzH 2000) của Đức được coi là có sức mạnh vượt trội so với những đối thủ khác trên thế giới.

Lịch sử phát triển

Vào những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, Tây Đức, Anh và Ý đã thảo luận về việc phát triển một mẫu pháo tự hành mới nhằm tăng cường hỏa lực yểm trợ gián tiếp và đã cho ra đời nguyên mẫu SP70.

Dự án SP70 sau đó đã bị hủy bỏ vì lúc bấy giờ pháo tự hành M109 Paladin của Mỹ tỏ ra có nhiều ưu điểm hơn.

Tuy nhiên những kinh nghiệm trong việc phát triển SP70 vẫn được 3 quốc gia tận dụng, và kết quả là pháo tự hành AS90 Braveheart của Anh, Palmaria của Ý và Panzerhaubitze 2000 của Đức đã ra đời.

Nguyên mẫu pháo tự hành SP70
Nguyên mẫu pháo tự hành SP70

Năm 1987, Đức bắt đầu phát triển pháo tự hành thế hệ mới, đặt tên là Panzerhaubitze 2000 (PzH 2000). Krauss-Maffei Wegmann (KMW) và nhà thầu phụ của họ, Rheinmentall Landsysteme chịu trách nhiệm chính.

Đặc điểm của hệ thống

Khung gầm

Panzerhaubitze 2000 sử dụng một số phần của khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 với động cơ đặt phía trước.

Động cơ diesel tăng áp 8 xi lanh MTU MT881 Ka 500 với hộp số 4 cấp Renk HSWL 284C cung cấp 1.000 mã lực, cho tốc độ di chuyển tối đa 60 km/h trên đường nhựa, tầm hoạt động 420 km, leo vách đứng cao 1,1 m, vượt hào rộng 3 m và lội nước sâu 1,5 m.

Hệ thống vũ khí và điều khiển hỏa lực

Panzerhaubitze 2000 sử dụng pháo chính cỡ nòng 155 mm/ L52 do Rheinmentall DeTec phát triển, nòng pháo dài 8,06 m được mạ chrome với thể tích buồng đạn là 23 lít, có thể bắn tất cả các loại đạn 155 mm tiêu chuẩn NATO.

Pháo được trang bị loa che lửa có rãnh nhằm tăng sơ tốc và hạn chế lửa chớp đầu nòng. Bên cạnh là khối nâng nắp bệ khóa nòng bán tự động và hệ thống đo nhiệt độ buồng đạn.

Loa che lửa đầu nòng của Panzerhaubitze 2000
Loa che lửa đầu nòng của Panzerhaubitze 2000

Cơ cấu nạp đạn của Panzerhaubitzer 2000 là bán tự động. Viên đạn sẽ được chọn từ máy tính và đưa từ khay xếp đạn vào bệ khóa nòng nhờ cánh tay máy, sau đó lính nạp đạn đặt liều phóng vào bên trong buồng đạn.

Vị trí trưởng xa của Panzerhaubitze 2000
Vị trí trưởng xa của Panzerhaubitze 2000

Phía trước nòng pháo là radar mảng pha đo sơ tốc đầu nòng. Dữ liệu từ radar sẽ được tải về máy tính trên khoang và tính toán cho hệ thống điều khiển hỏa lực để nạp dữ liệu bắn.

Nếu kíp chiến đấu và máy nạp đạn hoạt động thuần thục thì tốc độ bắn của pháo là 3 viên trong 8,4 giây; 12 viên trong 59,74 giây và 20 viên trong 1 phút 47 giây.

Vị trí xạ thủ (bên trái bệ khóa nòng) và bệ khóa nòng pháo
Vị trí xạ thủ (bên trái bệ khóa nòng) và bệ khóa nòng pháo

Cơ cấu quay tháp pháo và nâng pháo là cơ chế điện tự động thay vì hệ thống thủy lực vì độ an toàn và độ tin cậy cao hơn. Góc phương vị của tháp pháo là 360o, góc tà của pháo là -2.5o - +65o .

Thiết bị điều chỉnh và đặt pháo vào vị trí bắn do Honeywell Maintal phát triển và lắp trên giá đỡ. Thiết bị này sẽ xác định hướng, vị trí và độ cao của pháo so với mặt nước biển để điều chỉnh góc và hướng vào vị trí bắn tốt nhất.

Máng trượt đẩy đạn vào bệ khóa nòng
Máng trượt đẩy đạn vào bệ khóa nòng

Hệ thống pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 có thể sử dụng chế độ tự động hoạt động, bao gồm các kết nối dữ liệu bằng vô tuyến với hệ thống chỉ huy và kiểm soát bên ngoài (trinh sát pháo binh).

Hệ thống điều khiển hỏa lực tự động hóa được điều khiển bởi máy tính trên khoang MICMOS, cung cấp bởi EADS (trước đây là Daimler Chrysler Aerospace).

Nhờ chế độ tự động, các thao tác có thể được thực hiện bởi kíp chiến đấu chỉ có 2 người. Dữ liệu bắn được cung cấp bởi máy tính đường đạn, khẩu pháo được tự động đặt vào vị trí bắn và khai hỏa.

Khả năng bắn nhiều phát đạn đồng thời vào một mục tiêu (Multiple Rounds Simultaneous Impact/ MRSI) của Panzerhautbitzer 2000 có thể trút tới 4 viên vào mục tiêu cùng lúc.

Radar đo sơ tốc đầu nòng phía trên nòng pháo
Radar đo sơ tốc đầu nòng phía trên nòng pháo

Ngoài hệ thống điều khiển hỏa lực tự động hóa, Panzerhaubitze 2000 còn được trang bị hệ thống ngắm quang học dự phòng. Vị trí trưởng xa lắp kính tiềm vọng nhìn toàn cảnh Leica PERI-RTNL 80 nhằm chỉ thị mục tiêu trong trường hợp bắn thẳng.

Kính tiềm vọng Leica PERI-RTNL 80 có các kênh ngắm ban ngày lẫn ban đêm và hệ thống đo xa laser. Xạ thủ được trang bị kính ngắm Leica PzF TN 80 với các chức năng tương tự.

Hệ thống nạp đạn tự động vào trong xe và đạn pháo của Panzerhaubitze 2000

Hệ thống nạp đạn tự động vào trong xe do MOOG cung cấp, có thể nạp 60 viên đạn pháo và xếp vào khay đặt ở trung tâm khung gầm xe.

Cửa nạp đạn của hệ thống nạp đạn tự động vào trong xe trong trạng thái mở sẵn sàng nạp đạn

Cửa nạp đạn của hệ thống nạp đạn tự động vào xe trong trạng thái mở sẵn sàng nạp đạn

Lính nạp đạn đặt đạn pháo lên giá đỡ nằm ở phía sau xe, sau đó một máy đẩy bằng khí nén đẩy viên đạn vào trong xe, cánh tay máy tự động gắp đạn và xếp vào trong khay chứa ở trung tâm gầm xe. Chỉ với 2 lính nạp đạn có thể nạp 60 viên đạn trong 12 phút.

Không những nạp đạn, hệ thống này còn nạp cả liều phóng module vào trong khay chứa liều phóng (288 liều phóng module). Tổng trọng lượng xe sau khi nạp đủ 60 viên đạn pháo là 55 tấn.

Khay xếp đạn trong thân xe
Khay xếp đạn trong thân xe

Panzerhaubitze 2000 có thể bắn tất cả các loại đạn pháo 155 mm tiêu chuẩn NATO như đạn L15A2 có tầm bắn 30 km và 40 km với đạn có động cơ rocket hỗ trợ, đạn M9703A1 V-LAP có tầm bắn 60 km.

Nó cũng có thể bắn đạn pháo dẫn đường bằng GPS Raytheon/ Bofors XM982 Excalibur với tầm bắn lên đến 60 km, đạn pháo với ngòi cảm biến SMArt 155 (Suchzünder Munition für die Artillerie 155) mang 2 đạn con diệt tăng.

Đạn pháo diệt tăng SMArt 155
Đạn pháo diệt tăng SMArt 155

Khả năng bảo vệ

Giáp trước của Panzerhaubitze 2000 dày 1 inch có thể chống được đạn 14,5 mm, mảnh pháo và đạn súng máy… Trên nóc tháp pháo có 1 khẩu súng máy 7,62 mm MG3 dùng để phòng vệ tầm gần.

Khẩu súng máy 7,62 mm MG3 trên nóc tháp pháo
Khẩu súng máy 7,62 mm MG3 trên nóc tháp pháo

Lịch sử tham chiến và quốc gia sử dụng

Vào tháng 8 năm 2006, quân đội Hà Lan đã dùng Panzerhaubitze 2000 bắn pháo vào Taliban ở tỉnh Kandahar, Afghanistan, trong chiến dịch Medusa.

Pháo Panzerhaubitze 2000 của Hà Lan trong chiến dịch Medusa
Pháo Panzerhaubitze 2000 của Hà Lan trong chiến dịch Medusa

Hiện nay Đức đang duy trì hoạt động 185 khẩu PZH 2000, cùng với 57 khẩu pháo của Hà Lan, 70 khẩu của Ý, 25 khẩu của Hy Lạp. Các quốc gia đặt mua là Croatia, Qatar và Lithuana.

Sức mạnh của "Hoàng đế pháo binh Đức" Panzerhaubitze 2000 (PzH-2000)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại