Với một nền kinh tế mạnh mẽ đang dần nổi lên ở phía Nam Lục địa đen, cộng thêm sự hợp tác đa phương với cả các nước phương Tây lẫn những đối tác BRICS, Nam Phi đã gặt hái nhiều kết quả đáng ghi nhận trong lĩnh vực Công nghiệp quốc phòng (CNQP).
Từ những khởi đầu thăng trầm
Công nghiệp quốc phòng Nam Phi hình thành những nền móng đầu tiên dưới chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid.
Do áp lực chính trị mà Liên hợp quốc đã áp đặt một lệnh cấm vận vũ khí lên chế độ Apartheid vào năm 1977. Đồng thời, quân đội Nam Phi tại thời điểm đó đã can dự nhiều vào xung đột Angola, một cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ mãi tới năm 1989 mới kết thúc.
Trong bối cảnh hụt nguồn cung, CNQP Nam Phi đã có những nỗ lực vượt bậc và cho ra đời các xe bọc thép chống mìn rất hiệu quả, vũ khí dẫn đường hiện đại, công nghệ thông tin liên lạc an toàn và các sản phẩm hàng không vũ trụ như trực thăng tấn công của riêng mình.
Trong giai đoạn 1960 - 1970, Nam Phi đã duy trì được một nền CNQP tự cung tự cấp. Những ví dụ tiêu biểu cho thành quả của họ trong giai đoạn này đó là xe bọc thép chở quân APC Gasspir và xe chiến đấu bộ binh Ratel.
Các loại IFV và APC này đã thể hiện tính năng cơ động hiệu quả trên khắp các chiến trường châu Phi.
Đặc biệt, chúng có hệ thống treo và khung gầm chữ V nhằm tăng khả năng kháng mìn, một trong những tính năng quan trọng khi sử dụng bộ binh cơ giới ở châu Phi vào thời điểm đó.
Đến năm 1970 - 1980, Nam Phi sản xuất được rất nhiều phần cứng vũ khí cho các quốc gia khác trên thế giới.
Tuy vậy, với sự kết thúc của cuộc xung đột ở Angola, rút quân khỏi Namibia, chi tiêu cho quốc phòng của Nam Phi giảm sút mạnh mẽ và kéo theo nhiều dự án đang dang dở bị hủy bỏ.
Sự kết thúc của chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid năm 1994 đánh dấu một bước ngoặt đối với ngành CNQP Nam Phi.
Nelson Mandela, người đứng đầu Phong trào các Dân tộc châu Phi và là vị Tổng thống da đen đầu tiên của nước đã dành nhiều tiền hơn cho việc phát triển kinh tế, giáo dục và đảm bảo an sinh xã hội.
Thêm nhiều dự án vũ khí bị đóng băng, cấm vận công nghệ lần này tới từ phương Tây, quân đội Nam Phi buộc phải hài lòng với những vũ khí nguồn gốc Liên Xô do quan hệ hai nước tốt lên sau cuộc cách mạng. Nền CNQP bước đầu có những sản phẩm ưu việt đứng trước nguy cơ lụi tàn.
Sự phục hưng ấn tượng
Tưởng chừng CNQP của Nam Phi đã đến bên bờ vực thẳm thì cuối những năm 1990, vận may đã trở lại với những nhà sản xuất vũ khí. Sự vươn lên về kinh tế của Nam Phi đã cho phép ký kết các thỏa thuận quốc phòng khổng lồ lên đến gần 5 tỉ USD - một con số cực lớn vào thời điểm đó.
Để tranh nhau miếng bánh béo bở này, nhiều tập đoàn vũ khí hùng mạnh trên thế giới lũ lượt đổ xô đến Nam Phi và lao đầu vào các cuộc đấu thầu cung cấp thiết bị quân sự.
Nam Phi đã khôn khéo thiết lập các liên doanh đầu tư nghiên cứu và sản xuất vũ khí giữa doanh nghiệp địa phương và đối tác. Các đối tác đã cực kỳ ngạc nhiên trước năng lực và công nghệ của doanh nghiệp nội địa khi họ có nền tảng cao và khả năng tiếp thu thần tốc.
Tiêu biểu cho giai đoạn này là việc liên kết sản xuất các bộ phận của tiêm kích JAS-39 Gripen và máy bay vận tải A400M. Tới đây, ngành CNQP Nam Phi đã có thêm luồng gió mới đánh dấu sự đi lên mạnh mẽ của mình.
Đây cũng là giai đoạn mà Nam Phi tích cực đưa lực lượng gìn giữ hòa bình ra thế giới để đóng góp nhiều hơn vào quá trình đảm bảo an ninh chung cũng như thu thập kinh nghiệm chiến trường nhằm nghiên cứu và đưa ra các cải tiến mới về kỹ thuật quân sự.
Không dừng lại ở việc hợp tác với đối tác phương Tây, quốc gia này còn liên tục mở rộng quan hệ với Trung Quốc, Nga và khối BRICS nói chung để tiếp cận nền tảng quốc phòng vững mạnh của các quốc gia này.
Ngày nay, có thể thấy kết quả của sự cởi mở đó là những xe thiết giáp, tên lửa dẫn đường, tên lửa chống tăng... nguồn gốc Nga trong trang bị của lực lượng vũ trang Nam Phi.
Cùng với những bước tiến mạnh mẽ trong kỹ thuật, Nam Phi đã dần chính thức tham gia vào các cuộc đấu thầu mua sắm trang bị của những quốc gia đang phát triển trên thế giới, thậm chí lấn sân nhà của nhiều cường quốc công nghệ.
Tiêu biểu như gần đây là các hợp đồng xuất khẩu tên lửa phòng không tiên tiến Umkhonto để trang bị cho chiến hạm tàng hình lớp Visby của Hải quân Hoàng Gia Thụy Điển.
Đông Nam Á và Việt Nam cũng là một thị trường tiềm năng trong mắt các nhà thầu từ Lục địa đen khi mới đây họ đã chào bán hệ thống tên lửa Umkhonto để trang bị trên tàu chiến SIGMA nhằm giúp Việt Nam tăng cường khả năng Quốc Phòng.
Nếu so sánh với những năm 1990 thì đây là một sự trỗi dậy nhanh chóng đáng tự hào của công nghiệp sản xuất vũ khí Nam Phi.
Có thể nói, từ một quốc gia chưa có nền tảng về công nghệ, nhưng con đường đúng đắn và đầu tư nghiêm túc đã khiến Nam phi xây dựng thành công một nền CNQP vững mạnh. Tự chủ được sản xuất các trang bị từ cá nhân đến vũ khí hạng nặng.
Đây có lẽ sẽ là bài học thú vị cho Việt Nam khi chúng ta đang nhận được nhiều sự quan tâm của các đối tác quốc phòng trên thế giới vốn có thế mạnh riêng. Từng bước chúng ta cũng hoàn toàn có thể học hỏi để cho ra đời những sản phẩm độc đáo của riêng mình.