Đơn vị dân sự tham gia công nghiệp quốc phòng Việt Nam

Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ KHCN) đã luôn theo đuổi các nghiên cứu phục vụ công nghiệp quốc phòng ngay từ khi được thành lập.

Vừa qua, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng - Bộ Quốc phòng đã trao giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia vào hoạt động công nghiệp quốc phòng.

Nhận định về điều này, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ KHCN) cho biết:

"Việc được trao Giấy chứng nhận vừa qua là một bước tuân thủ quy định của Bộ Quốc phòng về việc tham gia hoạt động CNQP của các đơn vị dân sự. Đây là sự ghi nhận về quá trình hợp tác cùng phát triển các sản phẩm, giải pháp, công nghệ của viện trong lĩnh vực quân sự.

Các sản phẩm, giải pháp của viện trong một chặng đường dài vừa qua là tâm huyết, sự tích tụ của nhiều thế hệ cán bộ; của sự hợp tác gắn bó giữa viện và các cơ quan kỹ thuật, các quân, binh chủng thuộc Bộ Quốc phòng.

Sự tiếp tục tin cậy qua việc cấp Giấy chứng nhận vừa qua chính là chứng chỉ thành công của quá trình tham gia của viện trong lĩnh vực quốc phòng."

Thời gian qua, Viện Ứng dụng Công nghệ đã tập trung vào công nghệ laser; hệ thống thu và xử lý hồng ngoại; công nghệ màng mỏng quang học; các giải pháp liên quan đến hệ thống radar; các ứng dụng mô phỏng, giả lập trong đào tạo huấn luyện.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ. (Ảnh: QĐND)

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ. (Ảnh: QĐND)

Lĩnh vực vật liệu tiên tiến, đơn vị dân sự này đã có một số giải pháp ứng dụng trong các thiết bị khí tài, phục vụ cho bộ binh, hải quân.

Một số sản phẩm đã được Bộ Quốc phòng ghi nhận và đã được chuyển giao như: Hệ thống đo xa bằng laser, hệ thống quan trắc quang học bằng hồng ngoại, thiết bị huấn luyện, linh kiện quang học hồng ngoại…

Một trong những công việc mà Viện Ứng dụng Công nghệ đang tham gia sâu, đó là hiện đại hóa các hệ thống radar theo hướng nâng cao độ phân giải, độ phát quét, giảm kích thước và bảo đảm hoạt động ổn định trong môi trường khí hậu nhiệt đới ở nước ta.

Bên cạnh đó, Viện cũng tham gia vào chương trình cải tiến chức năng của kênh thu cao tần radar và thiết kế hệ thống hiển thị sơ cấp của hệ thống radar P18 trên màn hình dân dụng.

Các hệ thống thông tin chỉ huy vô tuyến điện phục vụ công tác lãnh đạo, cảnh báo di chuyển bằng sóng siêu âm.

Cung cấp giải pháp thiết bị trắc thủ pháo binh trên sa bàn mô phỏng, thiết bị giải mã tái hiện quy trình bay trên màn hình máy tính nhằm đánh giá việc thực hành bay của phi công trong buồng tập bắn tên lửa; huấn luyện cho phi công sử dụng tên lửa không đối không...

Trong lĩnh vực điều khiển, Viện cùng tham gia xây dựng hệ thống bám sát tự động mục tiêu bằng ảnh hồng ngoại cho tác chiến tên lửa.

Ngoài ra còn có hệ thống cảnh giới tầm xa cho đài điều khiển tên lửa Volga; hệ thống phục vụ chiến đấu ban đêm tự động; máy chỉ huy phục vụ đánh đêm trong pháo phòng không.

Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng, một trong những giải pháp mà Viện Ứng dụng Công nghệ đã chuyển giao rất thành công đó là các thiết bị mô phỏng phục vụ huấn luyện bắn đạn thật; thiết bị mô phỏng trường bắn mini trong nhà…

Theo Phó Viện trưởng Nguyễn Mạnh Cường, thời gian tới, các dòng sản phẩm trong lĩnh vực quốc phòng vẫn là hướng chiến lược của viện.

Ngoài ra, viện tiếp tục phát triển một số ứng dụng có tiềm năng như: Quang điện tử, điện tử chuyên dụng ứng dụng trong lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải, thăm dò và khai thác dầu khí, thiết bị y tế và sẽ mở rộng các ứng dụng trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Đồng thời mở rộng tham gia vào lĩnh vực khoa học sự sống như: Công nghệ sinh học trong phục vụ nông nghiệp; lĩnh vực bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và công nghệ y sinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại