Siêu tăng T-90 Nga so cao thấp cùng "vua chiến trường" Abrams Mỹ

Việt Đức |

(Soha.vn) - T-90 có lợi thế về hỏa lực, hệ thống bảo vệ nhiều lớp, trong khi M1A2 mạnh về hệ thống điện tử và áo giáp siêu cứng.

Xe tăng chiến đấu chủ lực là nắm đấm hỏa lực không thể thiếu của lục quân bất kỳ quốc gia nào. Trong khi M1A2 Abrams là xe tăng chiến đấu chủ lực của lục quân Mỹ thì T-90 cũng là nắm đấm sức mạnh của lục quân Nga.

Đặc tính kỹ-chiến thuật của hai loại xe tăng này luôn là đề tài tranh luận chưa có hồi kết. Những người ưa chuộng xe tăng Mỹ vẫn cho rằng M1A2 mạnh hơn và ngược lại. Hãy cùng điểm qua một số khía cạnh về kỹ thuật của hai loại xe tăng này để xem bên nào nắm nhiều lợi thế hơn.

Thiết kế

T-90 có thiết kế nhỏ gọn theo truyền thống của Liên Xô, khu vực chiến đấu chính được bố trí ở giữa xe. Do thiết kế xe nhỏ gọn nên diện tích bề mặt cần bọc giáp ít hơn, mật độ giáp vì thế cũng dày hơn, điều này giúp giảm chi phí sản xuất, đồng thời tăng cường khả năng bảo vệ cho xe tăng.

Tuy nhiên, kiểu thiết kế này có bất lợi là không gian bên trong xe khá chật hẹp gây khó khăn cho hoạt động của ê kíp chiến đấu, nhất là trong điều kiện chiến đấu dài ngày. Ngoài ra, khối đạn dược của xe nằm chung trong khoang chính nên khi bị trúng đạn có thể làm hất tung tháp pháo ra khỏi thân xe.

Thiết kế của M1A2(ở trên) rộng rãi hơn nhưng khối lượng cồng kềnh hơn T-90(ở dưới)

Thiết kế của M1A2 (ở trên) rộng rãi hơn nhưng khối lượng cồng kềnh hơn T-90 (ở dưới)

M1A2 được thiết kế khá rộng rãi theo đúng phong cách phương Tây, quan điểm thiết kế của họ là luôn tạo được sự thoải mái và tiện nghi cho ê kíp chiến đấu. Khối đạn được được thiết kế tách biệt với ê kíp chiến đấu bằng vách ngăn, trong trường hợp khối đạn dược bị trúng đạn toàn bộ sức mạnh của vụ nổ sẽ bị hướng ra ngoài, giảm thiểu nguy hiểm cho ê kíp chiến đấu.

Tuy nhiên, kiểu thiết kế này đòi hỏi diện tích cần bọc giáp lớn hơn, điều này dẫn đến tăng chi phí sản xuất và làm cho khối lượng xe tăng nặng nề hơn.

Hệ thống bảo vệ

T-90 được trang bị hệ thống bảo vệ 3 lớp. Đầu tiên là hệ thống phòng vệ chủ động Shtora-1, hệ thống này bao gồm 2 đèn hồng ngoại hai bên tháp pháo liên tục phát đi xung hồng ngoại gây nhiễu đường ngắm của tên lửa chống tăng dẫn bằng laser. Hai hệ thống phóng lựu đạn khói 3D6 sẽ phóng ra một màn sương làm mất đường ngắm của tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser, cũng như thiết bị ngắm bắn quang học.

T-90(ở trên) được trang bị tới 3 lớp bảo vệ, còn M1A2(ở dưới) lại được trang bị loại giáp Chobham siêu cứng.

T-90 (ở trên) được trang bị tới 3 lớp bảo vệ, còn M1A2 (ở dưới) lại được trang bị loại giáp Chobham siêu cứng.

Lớp bảo vệ thứ 2 là giáp cảm ứng nổ Kontakt-5 có tác dụng làm giảm đáng kể sức xuyên của đạn chống tăng sử dụng thanh xuyên cố định hoặc đạn chống tăng liều đúp. Kontakt-5 được bố trí bên ngoài giáp chính phía trước xe, xung quanh tháp pháo. Lớp cuối cùng là giáp tổng hợp được đánh giá là một “kiệt tác công nghệ” của Nga. Với 3 lớp bảo vệ như trên, T-90 được đánh giá là chiếc xe được bảo vệ hàng đầu thế giới hiện nay.

M1A2 trang bị giáp Chobham được phát triển tại Anh nhưng được áp dụng đầu tiên cho xe tăng Mỹ. Có thể nói, Chobham là loại giáp có “1-0-2” trên thế giới, cấu trúc của loại giáp này vẫn là một bí mật. Một số nguồn tin cho rằng,giáp Chobham gồm nhiều lớp khác nhau của thép, gốm, giáp Kevlar, vật liệu tổng hợp và đặc biệt là uranium nghèo.

Chobham là một loại giáp siêu cứng nên rất khó để đánh bại xe tăng M1A2 từ phía trực diện. Tuy nhiên, do độ dày của giáp hai bên hông vẫn khá mỏng nên xe tăng M1A2 vẫn có thể bị đánh bại từ hai bên hông.

Hệ thống điện tử

M1A2 được trang bị các thiết bị điện tử theo đúng phong cách phương Tây. Trạm chỉ huy được trang bị 6 kính tiềm vọng cung cấp khả năng quan sát 360 độ, chỉ huy có một hệ thống quan sát ảnh nhiệt độc lập. Pháo thủ có hệ thống quan sát đường ngắm 2 trục cho phép bắn với độ chính xác cao ngay phát đạn đầu tiên.

Một góc bên trong xe tăng T-90(ở trên) và M1A2(ở dưới)

Một góc bên trong xe tăng T-90 (ở trên) và M1A2 (ở dưới)

Bên cạnh đó, pháo thủ còn được trang bị hệ thống ảnh nhiệt với độ phóng đại 10 lần khi quan sát phạm vi rộng tầm gần và 3 lần khi quan sát phạm vi hẹp tầm xa. Ảnh nhiệt được hiển thị lên kính ngắm của pháo thủ cùng với một hệ thống tìm kiếm mục tiêu bằng laser. Pháo thủ còn có một hệ thống quan sát phụ Kollmorgen Model 939 với khả năng phóng đại 8 lần.

Lái xe được trang bị 3 kính tiềm vọng với phạm vi quan sát 120 độ, trong đó kính tiềm vọng ở giữa được sử dụng cho mục đích quan sát vào ban đêm. M1A2 sử dụng máy tính điều khiển kỹ thuật số, nó có khả năng tự động tính toán các giải pháp điều khiển hỏa lực dựa trên thông số mà các hệ thống cảm biến cung cấp.

T-90 sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực tự động tích hợp 1A4GT (CCQ) nhưng có sự can thiệp của chỉ huy. CCQ bao gồm hệ thống con 1A43 của pháo thủ, hệ thống ổn định vũ khí 2E42-4, máy tính đạn đạo 1V528, máy đo tốc độ gió DVE-BS.

Pháo thủ được trang bị kính ngắm ảnh nhiệt TO1-KO1 với khả năng xác định mục tiêu trong phạm vị 1,2km, chỉ huy được trang bị kính ngắm PNK-S phạm vi 1,5km, chỉ huy còn có hệ thống quan sát TKN-4S tích hợp ngày đêm. Lái xe được trang bị hệ thống quan sát hồng ngoại TVN-5.

Về hệ thống điện tử, M1A2 có lợi thế hơn so với T-90, tuy nhiên lợi thế này là không đáng kể.

Vũ khí

T-90 được trang bị pháo chính 2A46 125mm nòng trơn có khả năng phóng tên lửa chống tăng AT-11 qua nòng pháo. Đây là một tính năng mà không có một loại xe tăng phương Tây nào có được, nó cho phép tiêu diệt mục tiêu trong phạm vi tới 5km. T-90 còn có súng máy đồng trục 7,62mm cùng đại liên phòng không 12,7mm.

M1A2(ở trên) được trang bị loại đạn xuyên giáp lõi uranium nghèo còn T-90(ở dưới) lại có khả năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng pháo.

M1A2 (ở trên) được trang bị loại đạn xuyên giáp lõi uranium nghèo còn T-90 (ở dưới) lại có khả năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng pháo.

M1A2 sử dụng pháo chính nòng trơn M256 120mm sản xuất theo giấy phép của Đức, pháo chính này có khả năng bắn nhiều loại đạn chống tăng khác nhau, đặc biệt là đạn xuyên giáp M829 APFSDS-T với lõi làm bằng uranium nghèo, có khả năng xuyên giáp rất cao. M1A2 còn được trang bị súng máy đồng trục 7,62mm cùng đại liên 12,7mm.

Về hệ thống hỏa lực, T-90 có lợi thế hơn nhờ khả năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng pháo.

Khả năng cơ động

T-90 được trang bị động cơ diesel V-92 công suất 1.000 mã lực hoặc động cơ V-96 công suất 1.200 mã lực, tốc độ tối đa 60-65km/h, phạm vi hoạt động 500-700km tùy lượng nhiên liệu mang theo. Còn M1A2 được trang bị động cơ tuabin khí Honeywell AGT 1500 công suất 1.500 mã lực, tốc độ tối đa 67km/h.

Khả năng cơ động của hai loại xe tăng này là tương đương nhau. Động cơ diesel của T-90 có lợi thế tiết kiệm nhiên liệu hơn động cơ tuabin khí nhưng động cơ tuabin khí của M1A2 hoạt động êm hơn và hầu như không tỏa khỏi.

T-90 có lợi thế về hỏa lực, hệ thống bảo vệ nhiều lớp, M1A2 có lợi thế về hệ thống điện tử và áo giáp siêu cứng. Hai loại xe tăng này là một cặp đối thủ đáng gờm của nhau, chúng đều nằm trong top 10 xe tăng chiến đấu chủ lực hàng đầu thế giới. Dù vậy, nếu có cơ hội chám trán, chiến thắng còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khách quan, chủ quan cũng như chiến thuật sử dụng xe tăng và sự hiệp đồng giữa các đơn vị.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại