Máy bay ném bom B-1 Mỹ hay Tu-160 Nga uy lực hơn?

Việt Đức |

(Soha.vn) - B-1 Lancer có lợi thế về số lượng, hệ thống điện tử, tải trọng vũ khí lớn, trong khi đó, Tu-160 lại sở hữu khả năng tấn công tầm xa.

Máy bay ném bom chiến lược là thành phần vô cùng quan trọng để các quốc gia trên thế giới khẳng định sức mạnh cũng như khả năng làm chủ bầu trời của mình. Tương tự như các lĩnh vực khác, hai ông lớn Nga-Mỹ tiếp tục là những kẻ thống trị trong lĩnh vực máy bay ném bom chiến lược.

Cả Nga và Mỹ đều có ít nhất 3 loại máy bay ném bom chiến lược đang hoạt động, với Mỹ là B-52, B-1 Lancer và B-2 Spirit, với Nga là Tu-95, Tu-22M3 và Tu-160. Trong khuôn khổ bài viết này chỉ so sánh tính năng của 2 loại máy bay ném bom chiến lược B-1 Lancer của Mỹ và Tu-160 của Nga bởi 2 loại máy nay này có thiết kế khí động học và thời gian đưa vào sử dụng tương tự nhau.

Thiết kế

Tu-160 Blackjack là một máy bay ném bom chiến lược cánh cụp cánh xòe được thiết kế bởi Phòng thiết kế Tupolev, Liên Xô vào cuối những năm 1970. Cánh chính của máy bay có thể di chuyển cụp vào và xòe ra trong phạm vi từ 20-65 độ để phù hợp với tốc độ bay siêu âm hoặc cận âm.

B-1B Lancer(ở trên) có khả năng mang tải trọng vũ khí lớn và đa dạng, trong khi đó Tu-160 ở dưới lại sở hữu khả năng tấn công tầm siêu xa.

B-1B Lancer (ở trên) có khả năng mang tải trọng vũ khí lớn và đa dạng, trong khi đó Tu-160 (ở dưới) lại sở hữu khả năng tấn công tầm siêu xa.

B-1 Lancer cũng là một máy bay ném bom chiến lược cánh cụp cánh xòe, máy bay được phát triển bởi Rockwell vào những năm 1970. Cánh chính của B-1 có thể di chuyển trong phạm vi từ 15-67,5 độ. Cả hai máy bay đều được trang bị 4 động cơ phản lực. B-1 Lancer được trang bị 4 động cơ F101-GE-102, công suất 136,92kN mỗi chiếc, có đốt sau.

Tu-160 được trang bị 4 động cơ Samara NK-321 công suất 245kN mỗi chiếc, có đốt sau. Đây là động cơ phản lực mạnh nhất từng được trang bị cho máy bay chiến đấu. Cả hai máy bay đều được trang bị khoang vũ khí bên trong thân, tuy nhiên, B-1 Lancer có thêm các điểm treo vũ khí bên ngoài cánh nên tải trọng vũ khí lớn hơn so với Tu-160.

Tu-160 có thiết kế lớn hơn, trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 275 tấn, còn B-1 Lancer có trọng lượng cất cánh tối đa 216 tấn.

Hệ thống điện tử

B-1 Lancer được trang bị radar quét mạng pha điện tử thụ động AN/APQ-164, radar này được trang bị bộ vi xử lý có khả năng lái chùm tia điện tử nhằm giảm khả năng bị phát hiện. Bên cạnh đó, radar còn có khả năng thiết lập khẩu độ tổng hợp để lập bản đồ số mặt đất với độ phân giải cao.

Một phần buồng lái Tu-160(ở trên) và B-1 Lancer(ở dưới)

Một phần buồng lái Tu-160 (ở trên) và B-1 Lancer (ở dưới)

Bên cạnh đó B-1 Lancer còn được trang bị máy thu cảnh báo radar và gây nhiễu AN/ALQ-161A. Hệ thống này bao gồm 8 hệ thống bắn pháo sáng gây nhiễu AN/ALE-49. B-1 còn có hệ thống ngụy trang kéo theo ALE-50.

Nhờ các biện pháp hỗ trợ điện tử, B-1 Lancer có độ bộc lộ radar và hồng ngoại tương đối thấp. Diện tích phản hồi radar của B-1 ước tính khoảng 2,4 m2. Máy bay này còn được trang bị hệ thống dẫn hướng quán tính tiên tiến cùng hệ thống định vị vệ tinh hiện đại.

Thông tin về radar của Tu-160 vẫn chưa được công bố nhưng trang airforce-technology.com cho biết, nó được trang bị hệ thống điện tử tiên tiến, radar dẫn đường và tấn công hiện đại, hệ thống tác chiến điện tử hoạt động trên nền tảng tự động hóa cao.

Ngoài ra, Tu-160 còn được thiết kế với khả năng giảm độ bộc lộ hồng ngoại và radar dù nó không phải là một máy bay tàng hình. Trung tướng Igor Khvorov, chỉ huy lực lượng máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Nga tuyên bố, Tu-160 đã xâm nhập không phận Mỹ ở Bắc cực vào ngày 25/04/2006 mà không bị phát hiện.

Tải trọng vũ khí

Tu-160 được trang bị 2 khoang chứa vũ khí bên trong thân có khả năng mang tải trọng 20 tấn/khoang. Mỗi khoang này có khả năng mang theo 6 tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm siêu xa Kh-55SM với tầm bắn lên đến 3.000km, tổng cộng mỗi chiếc Tu-160 có thể mang theo 12 tên lửa Kh-55SM trong 2 hệ thống phóng ổ quay.

TU-160(ở trên) có khả năng mang theo 12 tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm siêu xa Kh-55SM. B-1B Lancer(ở dưới) có thể mang theo 24 đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM.

TU-160 (ở trên) có khả năng mang theo 12 tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm siêu xa Kh-55SM. B-1B Lancer (ở dưới) có thể mang theo 24 đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM.

Tu-160 còn có thể mang theo 12 tên lửa hành trình tầm bắn 300km. Tổng tải trọng vũ khí mà Tu-160 có thể mang theo lên đến 40 tấn. B-1 Lancer được trang bị 3 khoang vũ khí bên trong thân có khả năng mang theo tải trọng vũ khí 34 tấn. Ngoài ra, B-1 còn có 6 điểm treo vũ khí hai bên cánh với tải trọng 23 tấn.

B-1 có thể mang theo 84 bom Mk-82, 24 bom thông minh GBU-31 JDAM, 48 bom thông minh GBU-38 JDAM, 12 bom lượn AGM-154 JSOW (hay còn gọi là vũ khí tấn công ngoài tầm phòng không điểm) tầm bắn 130km, hoặc 24 tên lửa AGM-158 JASSM tầm bắn 370km. Tổng tải trọng vũ khí của B-1 lên đến 56,7 tấn.

Gần đây, B-1 đã được nâng cấp để trang bị tên lửa chống hạm tầm xa LRASM. B-1 đã phóng thành công tên lửa LRASM tiêu diệt mục tiêu giả định vào tháng 06/2013. Chương trình nâng cấp này sẽ mang lại một sức mạnh mới cho B-1 trong việc thống trị các đại dương xa xôi.

Về tải trọng vũ khí B-1 Lancer mang được nhiều vũ khí, chủng loại đa dạng hơn Tu-160, nhưng "Thiên Nga trắng" lại có khả năng tấn công tầm siêu xa.

Hiệu suất

Tu-160 được thiết kế để hoạt động ở tốc độ tối đa Mach 2.05 (2.220km/h) ở độ cao lớn, tốc độ hành trình trung bình 960km/h. Phạm vi hoạt động thực tế 12.300km không cần tiếp nhiên liệu, bán kính chiến đấu 7.300km, trần bay 15km.

B-1 Lancer có khả năng đạt tốc độ tối đa Mach 1,25 (1.340km/h) ở độ cao lớn, tốc độ hành trình khoảng 1.100km/h, phạm vi hoạt động 11.900km không tiếp nhiên liệu, bán kính chiến đấu 5.544km, trần bay 15km. Cả hai loại máy bay này đều được điều khiển bởi phi hành đoàn 4 người, trong đó có 2 phi công, 1 sĩ quan phụ trách vũ khí và một sĩ quan phụ trách phòng thủ.

Xét về nhiệm vụ thiết kế và đặc tính kỹ chiến thuật, B-1 Lancer và Tu-160 là tương đương nhau. Tuy nhiên, do khác biệt về đường lối quốc phòng của mỗi nước nên Tu-160 chỉ hoạt động với nhiệm vụ mang tên lửa tấn công tầm xa vào các mục tiêu trọng yếu của đối phương. Về mặt lý thuyết, Tu-160 vẫn có khả năng mang bom nhưng hiện tại nó không được thiết kế cho mục đích này.

B-1 Lancer lại thể hiện một khả năng mang vũ khí đa dạng đúng nghĩa với vai trò máy bay ném bom chiến lược. Nó vừa có khả năng mang bom và tên lửa nên khả năng hoạt động đa dạng hơn. B-1 đã tham gia vào các chiến dịch ném bom Kosovo, chiến tranh Iraq năm 2003, chiến tranh Afghanistan. "Kỵ binh" B-1 đã chứng minh được tính hiệu quả chiến đấu cao của nó so với các máy bay khác.

Xét về tổng thể, B-1 Lancer có nhiều lợi thế hơn, tuy nhiên Tu-160 lại có được khả năng tấn công tầm xa biến nó thành đối thủ đáng ghờm trên bầu trời.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại