Sắm tàu Nga, máy bay Mỹ, Hải quân Ấn Độ đã đủ mạnh đẩy lùi TQ?

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Ấn Độ đang tích cực tăng cường tiềm lực hải quân để đối phó Trung Quốc. Nhiều khả năng, Ấn Độ sẽ tham gia vào một liên minh hải quân với Úc, Nhật Bản và Mỹ.

Tiến sĩ Micha'el Tanchum, giảng viên khoa nghiên cứu Đông Á tại Đại học Tel Aviv (Israel) vừa có bài viết nhận định về những bước tiến của Ấn Độ trong lĩnh vực hải quân để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc. Sau đây là nội dung bài viết:

Ấn Độ đang tích cực tăng cường tiềm lực hải quân bởi họ luôn coi việc Trung Quốc nỗ lực gia tăng sự hiện diện hải quân trên Ấn Độ Dương là một hành động đe dọa vị thế chiến lược của mình. Nhiều khả năng, Ấn Độ sẽ tham gia vào một liên minh hải quân với Úc, Nhật Bản và Mỹ.

Ấn Độ đã bước vào giai đoạn phát triển một lực lượng Hải quân viễn dương dựa trên chiến lược xây dựng 3 nhóm tác chiến tàu sân bay, cho phép New Delhi mở rộng quan hệ hợp tác với các cường quốc hải quân chủ chốt ở châu Á.

Tàu sân bay INS Vikramaditya
Tàu sân bay INS Vikramaditya

Đặt trong bối cảnh hiện nay, sự kiện New Delhi tiếp nhận chiếc tàu sân bay thứ 2 từ Nga vừa qua cho thấy tiềm lực hải quân ngày càng lớn mạnh của quốc gia này. Với việc sở hữu tàu Vikramaditya, Ấn Độ đã trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á sở hữu 2 tàu sân bay. Vikramaditya lớn hơn rất nhiều các tàu chiến hiện có của hải quân Ấn Độ, đồng thời nó cũng mang trên mình một trong những vũ khí chiến đấu tiên tiến nhất với 10 trực thăng K-31 và 24 tiêm kích MiG-29K. Thực tế này cũng nói lên rằng Hải quân Ấn Độ có thể đạt được mục tiêu chiến lược, duy trì một nhóm tác chiến tàu sân bay hoàn chỉnh trong các hoạt động tác chiến ở chiến trường phía Tây và phía Đông của mình.

Tuy không ồn ào như sự kiện tiếp nhận tàu sân bay Vikramaditya nhưng phải nói rằng bước đột phá có tầm quan trọng chiến lược nhất đối với sức mạnh Hải quân Ấn Độ trên thực tế là việc mua 12 máy bay chống ngầm P-8I, một biến thể của máy bay chống ngầm P-8A Poseidon của hãng Boeing. Phi đội P-8I đã biến Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên ngoài Mỹ sở hữu loại máy bay chống ngầm tầm xa tiên tiến này, đồng thời điều này cũng thể hiện một bước tiến quan trọng trong những nỗ lực đa dạng hóa mua sắm vũ khí nước ngoài vượt ra khỏi Nga, đối tác cung cấp vũ khí truyền thống của Ấn Độ.

Điều đáng nói là phi đội máy bay chống ngầm P-8I tạo điều kiện tốt hơn cho việc phối hợp tác chiến giữa Hải quân Ấn Độ và Hải quân Mỹ, đưa New Delhi tiến gần hơn tới việc tham gia chương trình Đối thoại an ninh ba bên quan trọng với Úc, Nhật và Mỹ.

Máy bay P-8I Poseidon đầu tiên của Hải quân Ấn Độ
Máy bay P-8I Poseidon đầu tiên của Hải quân Ấn Độ

Hải quân Ấn Độ mới đây đã thử nghiệm thành công khả năng tác chiến chống ngầm của phi đội máy bay P-8I, cũng như khả năng chiến đấu của các tên lửa Harpoon Block II của Boeing. Tên lửa Harpoon Block II có thể tấn công tiêu diệt các cơ sở hạ tầng phòng thủ bờ biển, các căn cứ tên lửa đất đối không, cơ sở hạ tầng cảng biển cũng như các tàu của đối phương neo đậu trong cảng.

Nói về Trung Quốc, với việc nắm trong tay 79 chiến hạm chủ chốt và khoảng 60 tàu ngầm, quốc gia này sở hữu kho vũ khí hải quân lớn hơn bất kì quốc gia nào khác ở châu Á. Mặc dù vậy, hiện tại Hải quân Trung Quốc lại đang thiếu những khả năng tác chiến chống ngầm và chống máy bay, do đó không thể mang lại cho biên đội tàu chiến của họ một biện pháp phòng thủ tin cậy trong những vùng biển xa bờ.

Trong khi đó, P-8I được cho là có thể mang lại cho Ấn Độ khả năng tiến hành chiến thuật Không-Hải chiến nhằm ngăn chặn chiến lược chống tiếp cận và phong tỏa khu vực (A2/AD) vốn được Trung Quốc phát triển để ngăn chặn đối phương triển khai lực lượng hải quân vượt trội tại những địa điểm được coi là quan trọng đối với lợi ích quốc gia của họ.

New Delhi cũng có thể kết hợp cùng với Nhật Bản tiến hành Không-hải chiến và coi đó là một bộ phận của quan hệ hợp tác hải quân Ấn Độ-Nhật Bản, hoặc thậm chí là một liên minh rộng lớn hơn trong chương trình Đối thoại an ninh ba bên.

Bên cạnh đó, P-8I còn cung cấp cho quốc gia này khả năng kiểm soát ở một cấp độ nhất định đối với đối một vùng biển khi Trung Quốc đang có ý đồ mở rộng chiến lược A2/AD trên Ấn Độ Dương và Biển Đông.

Ấn Độ cũng hoàn toàn có thể triển khai thường xuyên một nhóm tác chiến tàu sân bay trong các khu vực tác chiến phía Đông mà không hề lo sợ về sự mỏng yếu ở phía Tây. Có thể nói việc triển khai sức mạnh trong khu vực của Ấn Độ đã trở thành một nhân tố thường trực trong bất kì tính toán chiến lược nào thằm thay đổi tình thế ở 2 đại dương trên.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại