Rocket Iran đã là gì, vũ khí cổ lỗ này mới khiến Mỹ chết khiếp!

Hải Vy |

Mỹ vừa được một phen "thót tim" vì rocket Iran, song theo nhà phân tích Dave Majumdar, đó chưa phải là thứ vũ khí đáng sợ nhất với các tàu chiến Mỹ.

Dưới đây là bài viết của nhà phân tích Dave Majumdar trên tạp chí National Interest (Mỹ):

Rocket Iran có thể đe dọa tàu chiến Mỹ?

Mỹ vừa cáo buộc Iran bắn rocket ngay gần một tàu sân bay Mỹ tại vịnh Ba Tư (vịnh Ả Rập) khi tàu Mỹ di chuyển qua eo biển Hormuz.

Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ (CENTCOM) lên án hành động của Iran là “khiêu khích cao độ”.

Nhưng phải chăng Mỹ đang “sợ bóng sợ gió”?, liệu Iran có thể bắn chìm chiếc tàu sân bay hùng mạnh của Mỹ hay không?

Theo CENTCOM, tàu hải quân của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã tập trận bắn đạn thật tại vị trí cách tàu sân bay USS Harry S. Truman cùng tàu khu trục USS Bulkeley (Mỹ) và khinh hạm FS Provence (Pháp) khoảng 1,3km vào thứ Bảy.

Ngoài ra, trong khu vực còn có các tàu thuyền dân sự.


Tàu sân bay USS Harry S. Truman

Tàu sân bay USS Harry S. Truman

Người phát ngôn của CENTCOM Kyle Raine nhấn mạnh:

“Khai hỏa vũ khí quá gần với các tàu của liên minh và tàu thuyền thương mại đang qua lại trong tuyến giao thông hàng hải được quốc tế công nhận là hành động không an toàn, không chuyên nghiệp và trái với luật hàng hải quốc tế”.

Tuy nhiên, ông Raine cũng lưu ý rằng Iran không nhắm bắn các tàu Mỹ.

Với diện tích tương đối hẹp, eo biển Hormuz là vị trí lý tưởng để Tehran phong tỏa lối vào vịnh Ba Tư hoặc phục kích các lực lượng hải quân liên minh.

Theo CENTCOM, nhóm tàu hải quân của IRGC đã bắn rocket không dẫn đường trong cuộc tập trận. Với số lượng nhỏ, các rocket này không tạo ra mối đe dọa đáng kể nào đối với tàu chiến cỡ lớn như USS Harry S. Truman.

Tuy nhiên, nếu ăn may, một phát bắn cũng có thể gây tổn hại cho con tàu khổng lồ và máy bay mà nó mang theo.

Với khoảng cách gần như vậy, ngay cả vũ khí không dẫn đường cũng có cơ hội bắn trúng mục tiêu.

Trong kịch bản hoàn hảo nhất, các tàu của Iran có lẽ đã hoàn thành sứ mệnh “tiêu diệt” các tàu chiến của Pháp và Mỹ.

Song, trên thực tế, khó có khả năng tàu của IRGC có thể đánh chìm tàu sân bay Harry S. Truman và các tàu hộ tống đi cùng.

Quân đội Iran sẽ phải triển khai nhóm tàu tấn công cỡ nhỏ để có cơ hội phá hoại biệt đội tàu của Hải quân Mỹ, như tình huống giả định trong cuộc tập trận Millennium Challenge năm 2002.


Iran luyện tấn công mô hình tàu sân bay Mỹ.

Iran luyện tấn công mô hình tàu sân bay Mỹ.

Trên thực tế, IRGC đã nghiên cứu cách thức tấn công này trên mô hình tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ tại eo biển Hormuz trong cuộc tập trận trước đó mang tên “Great Prophet 9”.

Trong cuộc tập trận đó, Iran đã sử dụng các tàu tốc độ cao mang tên lửa hành trình và rocket, cùng ngư lôi cỡ lớn, thủy lôi, súng máy hạng nặng và tên lửa đất-đối-không vác vai.

Những con tàu này kết hợp tác chiến với hệ thống tên lửa bờ và nhiều vũ khí khác.

Trước đó, một module tác chiến đặc biệt đã được phát triển cho các tàu tác chiến cận bờ (LCS) của Hải quân Mỹ để đối phó với mối đe dọa từ tàu Iran. Tuy nhiên, cho tới nay, Hải quân Mỹ vẫn chưa trang bị được cho các tàu này hệ thống tên lửa phù hợp.

Lực lượng tàu tấn công của Iran có thể có hiệu quả trong các cuộc tập trận và tình huống giả định nhưng nó chưa được kiểm nghiệm trong một cuộc chiến thật sự.

Iran luyện tấn công mô hình tàu sân bay Mỹ

Nỗi khiếp sợ của Mỹ

Đối với nhiệm vụ phong tỏa eo biển Hormuz, vũ khí hiệu quả nhất và từng được chứng minh trên thực tế của Iran có lẽ là thủy lôi.

Trong số 19 tàu chiến mà Hải quân Mỹ thiệt hại kể từ Thế chiến II, có tới 15 tàu bị đánh chìm hoặc vô hiệu hóa bằng thủy lôi.

Riêng thủy lôi của Iran, mặc dù có thiết kế cổ từ thời Thế chiến I nhưng chúng suýt chút nữa đã đánh chìm khinh hạm USS Samuel B. Roberts (FFG 58) của Mỹ vào ngày 14/4/1988.


Khinh hạm USS Samuel B. Robert suýt chút nữa đã bị đánh chìm vì thủy lôi của Iran.

Khinh hạm USS Samuel B. Robert suýt chút nữa đã bị đánh chìm vì thủy lôi của Iran.

Trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, thủy lôi của Iraq đã gây rắc rối lớn cho Hải quân Mỹ.

Mặc dù có thiết kế cổ lỗ nhưng những quả thủy lôi của Iraq đã làm tê liệt tàu tuần dương USS Princeton (CG 59) và tàu tấn công đổ bộ USS Tripoli (LPH-10), lớp Iwo Jima của Mỹ trong cùng một ngày.

Trong khi chiếc tàu của Mỹ có giá trị lên tới hàng tỷ USD thì mỗi quả thủy lôi của Iraq có giá chưa đầy 25.000 USD.

Phải nói rằng, mối nguy hiểm thật sự đối với tàu chiến Mỹ không phải là các tên lửa hay rocket chống tàu của Iran, mà chính là sự lơ đễnh, chủ quan của Hải quân Mỹ trước thứ vũ khí cổ lỗ như thủy lôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại