Theo báo cáo của CRS được tờ The New York Times đăng tải, năm 2014, Hàn Quốc đã chi 7,8 tỷ USD cho các hợp đồng mua bán vũ khí từ nước ngoài và trở thành nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.
Trong đó đáng chú ý nhất là các hợp đồng mua máy bay vận tải, các phương tiện hỗ trợ cũng như các máy bay trinh sát không người lái từ Mỹ.
Tờ Dong-a Ilbo cho biết thêm, trong tổng số 7,8 tỷ USD vũ khí mà Hàn Quốc nhập từ nước ngoài, có tới 90% là từ Mỹ.
Nếu tính trong giai đoạn 2010-2014, Hàn Quốc cũng là nước mua vũ khí nhiều thứ tư thế giới, chiếm 3% tổng nhập khẩu vũ khí toàn cầu, trong đó 89% lượng vũ khí nhập khẩu của Hàn Quốc có xuất xứ từ Mỹ.
Các phương tiện quân sự của Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung ở Yeoncheon, phía đông bắc thủ đô Seoul. Ảnh: Nytimes.com
Được biết, trong năm 2014, Hàn Quốc đã dành 20,3% tổng ngân sách quốc phòng cho dự án phát triển máy bay chiến đấu tự chế (KF-X) và các máy bay trinh sát, trực thăng vận tải.
Theo trang koreatimes.co.kr, tháng 9-2014, Hàn Quốc đã ký hợp đồng mua 40 máy bay chiến đấu F-35 của Tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin, kèm theo một thỏa thuận bên lề mua 25 công nghệ chế tạo máy bay chiến đấu.
Seoul dự định sẽ sử dụng các công nghệ này vào dự án KF-X nhằm phát triển các máy bay chiến đấu mang thương hiệu riêng để thay thế các máy bay F-4 và F-5 già cỗi của không quân nước này vào năm 2025.
Tuy nhiên, tháng 4 vừa qua, phía Mỹ đã từ chối chuyển giao cho Xơ-un 4 công nghệ thiết yếu phục vụ cho dự án này.
Như nhận định của người đứng đầu Mạng lưới Phòng thủ Hàn Quốc (KDN) Shin In-gyun, số lượng các hợp đồng mua vũ khí từ Mỹ tăng mạnh trong năm 2014 phần lớn là do dự án KFX.
Còn tờ New York Times lại cho rằng, sở dĩ Hàn Quốc tăng cường mua sắm vũ khí là do căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng leo thang trong những năm gần đây.
Đứng ngay sau Hàn Quốc trong danh sách những quốc gia nhập khẩu vũ khí nhiều nhất năm 2014 là Iraq với tổng trị giá các hợp đồng nhập khẩu lên tới 7,3 tỷ USD.
Các chuyên gia cho rằng, Iraq mua sắm nhiều như vậy là để nhằm củng cố sức mạnh quân đội trong bối cảnh các binh sĩ Mỹ rút khỏi quốc gia Trung Đông.
Brazil xếp thứ ba với các hợp đồng mua máy bay quân sự từ Thụy Điển trị giá 6,5 tỷ USD nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang nước này.
Trong khi đó, bất chấp việc thị trường vũ khí toàn cầu có phần chững lại và sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp ngày càng khốc liệt, Mỹ tiếp tục là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm hơn 50% thị phần vũ khí toàn cầu.
Doanh thu từ xuất khẩu vũ khí của Mỹ năm 2014 ước đạt 36,2 tỷ USD, tăng gần 10 tỷ USD (35%) so với năm 2013.
Doanh thu vũ khí của Mỹ tăng mạnh phần lớn là nhờ các hợp đồng béo bở trị giá hàng tỷ USD với Qatar, A-rập Xê-út và Hàn Quốc.
Điển hình như hợp đồng cung cấp các tên lửa chống tăng và nhiều loại vũ khí khác cho A-rập Xê-út trị giá 4,1 tỷ USD, hay hợp đồng bán hệ thống phòng thủ tên lửa và các vũ khí khác cho Qatar trị giá 2,7 tỷ USD.
Nói thêm về A-rập Xê-út, kể từ khi phát động chiến dịch quân sự tại Yemen vào tháng 3-2015, nước này đã ký hàng loạt hợp đồng mua vũ khí từ nước ngoài với tổng trị giá lên tới 20,8 tỷ USD.
Xếp ngay sau Mỹ trong danh sách các nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới trong năm 2014 lần lượt là: Nga (doanh thu khoảng 10,2 tỷ USD), Thụy Điển (gần 5,5 tỷ USD), Pháp (4,4 tỷ USD) và Trung Quốc (2,2 tỷ USD).
Cũng theo báo cáo trên, tổng doanh thu từ bán vũ khí toàn cầu năm 2014 đạt 71,8 tỷ USD, tăng nhẹ so với mức 70,1 tỷ USD của năm 2013.
Tuy nhiên, báo cáo cho rằng thị trường vũ khí thế giới gần như không tăng trưởng bởi sự ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu.
Hiện nay, sự tranh giành thị phần vũ khí toàn cầu cũng đang trở nên gay gắt hơn. Theo Catherine A.Theohary, tác giả của báo cáo, nhiều quốc gia xuất khẩu vũ khí giờ đây không chỉ tập trung vào những khách hàng truyền thống mà còn hướng tới những khách hàng tiềm năng ở các quốc gia và khu vực mà trước đây họ chưa đóng vai trò là những nhà cung cấp vũ khí truyền thống.
Mặc dù vậy, các chuyên gia dự đoán rằng trong những năm sắp tới, Mỹ sẽ tiếp tục là nhà sản xuất và cung cấp vũ khí chính cho các quốc gia đang phát triển.