Cuộc lột xác nửa vời của quân đội Trung Quốc (I)
Điểm yếu trong mọi lĩnh vực
Hệ thống tổ chức quân đội theo 7 quân khu như hiện nay của Trung Quốc được đánh giá là không phù hợp với yêu cầu tác chiến đa quân chủng trong chiến tranh hiện đại.
Báo cáo của Ủy ban An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung (USCC) cho biết, quân đội Trung Quốc không có đủ số lượng trang thiết bị vũ khí mới dùng cho công tác huấn luyện, cũng như gặp khó khăn trong việc kết hợp các loại vũ khí mới và cũ.
Cho đến năm 2014, lực lượng tăng - thiết giáp của Trung Quốc vẫn “chủ yếu gồm những xe tăng thuộc thế hệ thứ 1 và thứ 2”.
Các khinh hạm Type 054A của Trung Quốc, với lượng giãn nước 4.000 tấn, vẫn thường được gọi là phiên bản thu nhỏ của những tàu chiến Aegis của Mỹ.
Tuy nhiên, chúng có kích thước nhỏ và không thể mang đủ tên lửa tầm xa cho nhiệm vụ phòng không, đặc biệt là khi đối phương dùng dùng tên lửa diệt hạm siêu âm với số lượng lớn.
Hải quân Trung Quốc cũng thiếu các phương tiện dùng trong tác chiến chống tàu ngầm, do nước này tập trung vào chiến lược chống tiếp cận hơn là tác chiến viễn chinh.
Khinh hạm Type 054A Trung Quốc
Bản báo cáo đề xuất một số biện pháp răn đe mà Mỹ có thể thực hiện.
Trong số này bao gồm việc cố ý tiết lộ thông tin về những chương trình vũ khí mới mà có thể tận dụng những điểm yếu của quân đội Trung Quốc, hoặc công bố những phương án tác chiến mà các nước láng giềng dùng để đối phó với Trung Quốc.
Trong trường hợp răn đe thất bại, Mỹ cần đưa ra các thách thức với tốc độ diễn tiến nhanh, khó lường cho Trung Quốc, nhằm tận dụng sự chậm chạp của cơ chế ra quyết định của nước này.
Mục tiêu nâng cao khả năng hiệp đồng tác chiến đa quân chủng phải là trọng tâm trong các kế hoạch cải cách và tái cấu trúc quân đội Trung Quốc, nếu họ muốn giành được chiến thắng trong kỷ nguyên "chiến tranh thông tin".
Truyền thống xem lục quân là quân chủng chính, còn không quân, hải quân chỉ là 2 quân chủng phụ thuộc đang và sẽ tiếp tục cản trở quá trình tái cấu trúc của quân đội Trung Quốc. Quân chủng lục quân vẫn chưa cho thấy ý định từ bỏ vị trí độc tôn của mình.
“Sự chuyển hướng của quân đội Trung Quốc sang tác chiến hiệp đồng đa quân chủng sẽ không có bước tiến lớn trong trung và dài hạn. Do sự thao túng của quân chủng lục quân, học thuyết chiến tranh lục địa vẫn sẽ là tư tưởng chủ đạo”.
Công tác tuyển quân và huấn luyện cũng được cho là sẽ không có đột biến trong ngắn và trung hạn.
Quân đội Trung Quốc vẫn thiếu hụt nhiều sĩ quan, binh lính được đào tạo và có kinh nghiệm trong những lĩnh vực trọng yếu của chiến tranh hiện đại.
Điều này đồng nghĩa với việc họ khó có thể hiện thực hóa những yêu cầu nâng cao khả năng tác chiến của giới lãnh đạo đề ra.
Theo ước tính, khoảng từ 70%-80% số quân nhân Trung Quốc là con một. (Ảnh minh họa)
Quân nhân Trung Quốc nhìn chung còn thiếu tính chuyên nghiệp và gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỷ luật và nhuệ khí của quân đội.
Nguyên nhân chính đến từ chính sách "một con", vốn đã tạo nên một thế hệ thanh niên được nuông chiều. Đám "lính cậu" này không đủ sự cứng rắn cho môi trường quân đội. Theo ước tính, khoảng từ 70%-80% số quân nhân là con một.
“Tân binh thường cần đến 2 năm để có thể làm quen với cuộc sống ở đơn vị, thông qua chế độ huấn luyện khắc nghiệt và tư vấn tâm lý” - báo cáo viết.
Dùng vũ khí hạt nhân khẳng định vị thế
Các lãnh đạo Trung Quốc cũng nhiều khả năng sẽ tiếp tục xem vũ khí hạt nhân là yếu tố chính để khẳng định vị thế của nước này và đóng vai trò trung tâm trong khả năng răn đe chiến lược.
Mặt khác, họ cũng có thể tăng cường vai trò của những công cụ răn đe chiến lược khác như vũ khí tấn công quy ước tầm xa, vũ khí chống vệ tinh, hay tác chiến trên không gian ảo.
Bản báo cáo cũng nhận định rằng, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn sẽ xem vũ khí hạt nhân là để công cụ để ngăn ngừa đối phương dùng vũ khí hạt nhân tấn công trước.
Hiện nay, các nhà quân sự Trung Quốc xem việc phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật, dùng trên chiến trường, là chưa cần thiết và có nguy cơ gây bất ổn cao.
Song chính sách này vẫn có thể được thay đổi tùy theo tình hình.
Trung Quốc hiện vẫn xem Mỹ là đối thủ chính trong chính sách hạt nhân quân sự của mình.
Tuy nhiên, nếu những nước láng giềng, như Ấn Độ, đẩy mạnh phát triển vũ khí nhân, Trung Quốc có thể tập trung vào các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm trung dùng trên chiến trường thay vì vũ khí hạt nhân chiến lược.
Trung Quốc sẽ đồng thời tiếp tục đầu tư hiện đại hóa cả vũ khí hạt nhân và vũ khí quy ước nhưng nếu tình hình kinh tế gặp khó khăn, họ sẽ phải chấp nhận hy sinh cắt giảm chi tiêu của 1 trong 2 mục tiêu trên.
Ít khả năng đột phá trong công nghệ quân sự
Báo cáo cho rằng có một khoảng cách lớn giữa giới học thuật, nghiên cứu trong nội bộ quân đội Trung Quốc và những sĩ quan chỉ huy cấp cao. Điều này gây khó khăn cho những nỗ lực tìm hiểu và hợp tác từ phía Mỹ.
Những sĩ quan chỉ huy cấp cao do đó cũng được đánh giá là những người có tư tưởng "diều hâu" hiếu chiến và miễn nhiễm với những tác động từ bên ngoài.
Báo cáo giả định rằng trong tương lai sẽ không có thay đổi lớn nào trong quan hệ Trung Quốc - Nga.
Và nếu căng thẳng giữa Nga và phương Tây vẫn tiếp tục kéo dài, Mỹ có thể buộc phải tái bố trí lực lượng đến Châu Âu và cắt giảm quy mô của chiến lược xoay trục về Châu Á - Thái Bình Dương.
Bản báo cáo cũng đánh giá khả năng Trung Quốc đạt được những đột phá quan trọng trong công nghệ quân sự là không cao.
Những đột phá, nếu có, trong các lĩnh vực như vũ khí năng lượng định hướng, vũ khí siêu thanh, có thể khiến quân đội nước này thay đổi chính sách hiện đại hóa quốc phòng và cách thức tiến hành chiến tranh.