Hệ thống quân sự này đã mất khoảng 3 năm để có được một “diện mạo mới” khác biệt đáng kể về nhiều phương diện so với Hồng Quân, quân đội Xô Viết và quân đội Nga trước đây.
Đây là kết quả của quyết tâm chính trị được thể hiện bởi cả Điện Kremlin lẫn Bộ Quốc phòng Nga mà người đứng đầu khi đó là Anatoly Serdyukov.
Nền tảng của Các lực lượng vũ trang Nga được đại tu chưa bao giờ thay đổi từ sau khi ông Serdyukov từ chức và ông Sergei Shoigu lên thay vào tháng 11/2012.
Vị Bộ trưởng mới này đã tiếp tục lãnh đạo Các lực lượng vũ trang Nga theo đường lối đã vạch sẵn trong khi tránh những sự thay đổi lớn.
Sự cải cách sâu sắc này đã tăng cường năng lực và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội; các hành động của quân đội Nga ở Crimea trong năm 2014 và cuộc khủng hoảng Ukraine là những bằng chứng xác đáng cho điều đó.
Hướng tới một quân đội Nga mới
Khi ông Anatoly Serdyukov, một nhân vật hết sức bình thường, bất ngờ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng 2/2007, quân đội Nga đã ở vào một tình thế phức tạp.
Một mặt, các cải cách quân sự đã diễn ra liên tục kể từ năm 1992, đem lại những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, không cải cách nào là hoàn thiện và tất cả những vấn đề chính mà quân đội Xô Viết để lại đã trở nên trầm trọng cùng với các vấn đề mới chẳng hạn như không thể thuê đủ quân nhân phục vụ theo hợp đồng.
Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ông Serdyukov vào vị trí này với một mục đích duy nhất, đó là tiến hành những cải cách sâu sắc với tư cách là một người không có liên hệ với bộ máy quân đội và là người chủ trương ủng hộ một “đường hướng quản trị” hoàn toàn mới đối với việc tổ chức Các lực lượng vũ trang Nga.
Các cải cách này đã được xúc tiến bởi “cuộc chiến 5 ngày” với Gruzia vào tháng 8/2008.
Mặc dù quân đội Nga đã trả đũa ngay tức khắc và dễ dàng tiêu diệt quân đội của đối phương, buộc họ phải tháo chạy, giới lãnh đạo quân sự-chính trị của Nga đã quyết định sử dụng Các lực lượng vũ trang trong cuộc xung đột này một cách gây tranh cãi.
Và chẳng bao lâu, vào cuối tháng 8/2008, các quyết định đã được đưa ra, để tiến tới một giai đoạn mới cải cách quân đội sâu sắc nhằm đem lại cho Các lực lượng vũ trang Nga “một diện mạo mới”.
Kế hoạch cải cách quân đội cơ bản đã được Bộ trưởng Quốc phòng Serdyukov công bố chính thức vào ngày 14/10/2008.
Vấn đề chính là làm thế nào để duy trì cơ cấu động viên của quân đội từ thời Xô Viết.
Việc động viên một phần cho các xung đột cục bộ hoặc trong nước đã không được bàn đến vì những lý do chính trị kể từ cuối những năm 1980, do đó về cơ bản không thể sử dụng Các lực lượng vũ trang Nga trong các cuộc xung đột có giới hạn.
Tuy nhiên, các xung đột này vẫn tiếp tục nổ ra trong khu vực hậu Xô Viết sau khi Liên Xô tan rã, ngày càng thường xuyên kéo theo quân đội và lên đến đỉnh điểm trong hai cuộc chiến Chechnya.
Cả chính quyền ông Yeltsin lẫn chính quyền kế nhiệm của ông Putin đều không đủ can đảm để sử dụng đến các chiến dịch động viên quy mô lớn trong cuộc xung đột Chechnya.
Do đó, bộ chỉ huy quân sự đã phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan đầy thách thức: làm thế nào để duy trì động viên như là nền tảng đồng thời tìm cách để sử dụng quân đội một cách hiệu quả, ít nhất là trong các cuộc chiến có giới hạn, mà không cần phải động viên.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan này đã trở thành một điểm mấu chốt để cải cách quân đội sau năm 1992.
Ngoài vấn đề tuyển mộ, một sự gia tăng đáng kể về số lượng quân nhân theo hợp đồng đã không thể tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu khi các binh sỹ theo hợp đồng “bị giải thể” hoàn toàn ở các đơn vị nòng cốt và năng lực thấp.
Bất kỳ việc sử dụng quân đội nào cũng sẽ đòi hỏi phải thuyên chuyển binh sỹ từ đơn vị này sang đơn vị khác để bổ sung.
Nhưng việc huấn luyện chiến đấu hiệu quả khó có thể thực hiện được ở các đơn vị bị cắt giảm như vậy.
Một trong những giải pháp là các đơn vị sẵn sàng thường trực tương đối hoàn thiện được cho là tồn tại cùng với các tổ đội nòng cốt.
Khi tình hình kinh tế cải thiện và chi phí quốc phòng gia tăng, vào năm 2008, nước này đã xây dựng một số lượng nhất định các đơn vị và tổ đội sẵn sàng thường trực đóng vai trò quan trọng trong “cuộc chiến 5 ngày”.
Tuy nhiên, tình trạng các đơn vị sẵn sàng thường trực hoạt động trong khi quân đội nghỉ ngơi, mà phần lớn có thể huy động về bản chất, về cơ bản đồng nghĩa với sự tồn tại của hai quân đội cùng một lúc khi quốc gia này đang dần cạn kiệt tài nguyên.
Do đó, việc loại bỏ quân đội huy động truyền thống và thay thế nó bằng các lực lượng sẵn sàng thường trực chỉ là vấn đề thời gian.
Điều này đã đặt nền tảng cho cuộc cải cách quân đội năm 2008 được cho là đã đem lại “một diện mạo mới” cho Các lực lượng vũ trang Nga.
Đường hướng này đã được ủng hộ bởi các học thuyết an ninh quốc gia mới.
Rõ ràng, một cuộc chiến tranh thông thường quy mô lớn giữa các quốc gia hàng đầu được cho là gần như không thể xảy ra và Các lực lượng vũ trang Nga sẽ thay đổi chiến thuật của họ từ lao vào một cuộc chiến lớn với một số đối thủ sang tham gia các cuộc xung đột cục bộ tiềm tàng ở các biên giới của Nga hoặc ở các nước SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập) và các nước lân cận khác.
Việc đánh giá lại khả năng tham gia một cuộc chiến tranh trên quy mô lớn đã dẫn đến hủy bỏ hệ thống động viên như là một sự lỗi thời bởi nó đã tồn tại từ thời Xô Viết.
Nhiệm vụ bảo vệ trước các nước lớn (chủ yếu là Mỹ và NATO) được giao phó gần như hoàn toàn cho các lực lượng hạt nhân chiến lược.
(Còn tiếp)