Hãng thông tấn Đài Loan đưa tin, hai chiếc máy bay chiến đấu F-18 đã hạ cánh tại một căn cứ không quân ở miền nam của vùng lãnh thổ này hôm 1/4 sau khi gặp phải những vấn đề về máy móc.
Hãng thông tấn Đài Loan cho biết họ không rõ những chiếc chiến đấu cơ đó xuất phát từ đâu và bay đến đâu.
"Mặc dù vụ hạ cánh là không có kế hoạch và diễn ra vì lý do kỹ thuật nhưng nó phản ánh rất rõ thực tế ở Vùng lãnh thổ Đài Loan rằng họ đã cho phép các phi công gặp sự cố được hạ cánh an toàn”, nữ phát ngôn viên Lầu Năm Góc - bà Henrietta Levin cho biết.
Phản ứng trước diễn biến trên, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying cho biết tại cuộc họp báo rằng: “Chúng tôi đã gửi văn bản phản đối chính thức đến phía Mỹ”.
"Trung Quốc yêu cầu Mỹ tuân thủ nghiêm túc chính sách ‘một Trung Quốc’... đồng thời xử lý vụ việc một cách thận trọng và đúng đắn”, bà Hua gay gắt nói.
Theo Dự luật Quan hệ Đài Loan được ban hành vào năm 1979 khi Washington cắt quan hệ chính thức với hòn đảo này để thừa nhận nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Mỹ phải có nghĩa vụ giúp Đài Loan trong trường hợp vùng lãnh thổ này bị tấn công.
Việc Mỹ bán vũ khí cho Vùng lãnh thổ Đài Loan hay có bất kỳ mối tiếp xúc chính thức nào với Đài Loan đều luôn khiến Trung Quốc nổi giận đùng đùng.
Tuy nhiên, điều đó không gây tổn hại thực sự đến mối quan hệ giữa Mỹ-Trung Quốc cũng như giữa Mỹ và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Đặc biệt, việc Mỹ bán vũ khí cho Vùng lãnh thổ Đài Loan được xem là một trong những cái dằm gây khó chịu nhất trong mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Lần nào Mỹ cung cấp vũ khí cho Vùng lãnh thổ Đài Loan thì lần đó họ đều vấp phải những phản ứng hết sức mạnh mẽ từ phía Trung Quốc.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một vùng lãnh thổ của họ. Mặc dù Washington công nhận điều này nhưng vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Đài Loan.
Năm 2010, Trung Quốc từng tạm ngưng các quan hệ quân sự với Mỹ và đe dọa dùng đòn trừng phạt kinh tế để đáp trả việc Quốc hội Mỹ thông qua hợp đồng bán vũ khí trị giá 6,4 tỉ USD cho Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Bắc Kinh không loại trừ khả năng dùng vũ lực đối với Đài Loan nếu khu vực này tìm cách đòi độc lập với Trung Quốc.
Các chuyên gia của Vùng lãnh thổ Đài Loan ước tính Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đang có hơn 1.600 tên lửa hướng về hòn đảo Đài Loan.
Đây là lý do khiến Đài Loan ra sức tăng cường sức mạnh quân sự của họ và thường tìm tới Mỹ để mua sắm những vũ khí hiện đại, tối tân.
Căng thẳng ở Eo biển Đài Loan đã trở nên dịu nhẹ đi kể từ sau khi chính quyền thân Trung Quốc của Nhà lãnh đạo Ma Ying-jeou lên cầm quyền năm 2008 với cương lĩnh củng cố, phát triển các mối quan hệ thương mại và du lịch với Trung Quốc đại lục và hai bên đã ký với nhau một loạt thỏa thuận thương mại, kinh tế lớn.
Tuy nhiên, giữa Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan vẫn tồn tại mối nghi kỵ và hoài nghi sâu sắc về chính trị, quân sự, nhất là khi Trung Quốc đang tăng cường đầu tư hiện đại hóa quân sự.
Trong một động thái mới nhất nhằm tăng cường sức mạnh quân sự đối phó với Trung Quốc đại lục, Vùng lãnh thổ Đài Loan hôm 31/3 vừa tiếp nhận một chiếc tàu tên lửa lớn nhất từ trước đến nay.
Con tàu này được khen ngợi về “tốc độ và khả năng tàng hình”. Được trang bị 16 tên lửa, tàu chiến mới sẽ giúp củng cố năng lực phòng thủ của Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Mỹ thúc Hải quân Nhật tuyên chiến với Trung Quốc?
Trong một diễn biến khác liên quan đến mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, Washington được cho là đang thúc đẩy mạnh mẽ để Hải quân Nhật Bản vươn ra khu vực biển rộng hơn, xa hơn để sẵn sàng thách thức Trung Quốc.
Thậm chí khi Nhật Bản vẫn còn đang chưa quyết định được về sự thay đổi được đề xuất liên quan đến vai trò mà nước này nên đóng trong các vấn đề an ninh toàn cầu thì giới chức sĩ quan quân sự cấp cao của Mỹ và Nhật Bản đã bày tỏ hy vọng Hải quân Nhật sẽ được tháo bỏ những hạn chế, được tự do đóng một vai trò tích cực hơn, chủ động hơn ở Thái Bình Dương và xa hơn nữa, vươn ra một số những vùng lãnh hải đang là trọng tâm của những cuộc tranh chấp quyết liệt nhất, nóng bỏng nhất thế giới.
Phó Đô đốc Robert Thomas – Chỉ huy Hạm đội Số 7 của Mỹ nói rằng ông mong chờ những sửa đổi chuẩn bị được Quốc hội Nhật Bản phê chuẩn sẽ giúp Hải quân hai nước Mỹ và Nhật Bản tiến hành các hoạt động hợp tác dễ dàng hơn và suôn sẻ hơn ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cũng như trong “các cuộc tập trận đa phương trên khắp khu vực".
Đề xuất thay đổi của phía Nhật Bản rất quan trọng với Washington bởi Nhật Bản là đồng minh thân thiết nhất, gắn bó nhất và vững chắc nhất của Mỹ ở Châu Á.
Những đề xuất đó được đưa ra khi Nhật Bản đang chuyển trọng tâm phòng thủ từ khu vực phía bắc gần Nga sang biển Hoa Đông – nơi Tokyo và Bắc Kinh đang đối đầu nhau quyết liệt vì cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Nhật Bản đang thành lập một lực lượng đổ bộ tương tự như Lực lượng Thủy quân Lục chiến của Mỹ nhằm có thể phản ứng nhanh chóng trước bất kỳ cuộc xâm lược nào vào quần đảo Senkaku.
Hải quân Nhật Bản cũng được củng cố sức mạnh bằng những chiến đấu cơ tàng hình F-35 và máy bay không người lái Global Hawk.