Phòng không Iraq bị đập nát, không thể chống đỡ nổi!

Đại tá Trần Danh Bảng |

Cuộc chiến vùng Vịnh đã tốn rất nhiều giấy mực của báo giới, nhất là khả năng tác chiến yếu kém của phòng không Iraq, dù họ được trang bị nhiều vũ khí hiện đại.

LTS: Các cuộc chiến tranh lớn gần đây do Mỹ - NATO khởi xướng thường bắt đầu bằng đòn tập kích đường không ồ ạt khiến cho đối phương "tối tăm mặt mũi" không thể chống đỡ hiệu quả.

Trong bối cảnh Nga, Mỹ - NATO và nhất là Pháp đẩy mạnh không kích tiêu diệt nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thì bài học chống trả tiến công đường không của Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh Pec-xích còn rất thời sự, dù đã qua 1 phần tư thế kỷ.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 2 bài viết của Đại tá Trần Danh Bảng về vấn đề này và đặc biệt là những bài học kinh nghiệm quý cho lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam.

KỲ 1: Đòn đánh phủ đầu Kinh hoàng, nhấn chìm Iraq

 

                     KỲ 2: PHÒNG KHÔNG IRAQ BỊ ĐẬP NÁT, KHÔNG THỂ CHỐNG ĐỠ NỔI

Lực lượng phòng không - không quân Iraq

Các chuyên gia Nga thống kê rằng trước năm 1991, Không quân Iraq có tổng cộng tới 700 máy bay. Trong đó có 220 máy bay chiến đấu, nhưng số còn hoạt động được thì chỉ chưa tới 100 chiếc.

Tuy vậy, họ có nhiều loại máy bay tiêm kích, cường kích hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ (MiG-29, Su-24, Mig-25) và một hệ thống chỉ huy và kiểm soát phòng không khá hiện đại (C2).

Theo Mỹ, Thủ đô Baghdad của Iraq đã được bảo vệ trước tấn công đường không hề thua kém so với các thủ đô thuộc khối Warsaw ở Đông Âu và lực lượng phòng không Iraq được xếp hàng "đỉnh" nhất khu vực.

 
đại tá trần danh bảng
 

Nhà nghiên cứu M. Zhirohova (Nga) cho rằng lực lượng tên lửa phòng không của Iraq khá mạnh, bao gồm nhiều chủng loại như SA-2/3/6/7/9/13/14/16 xuất xứ từ Liên Xô và một số tổ hợp phòng không I-Hawk và Roland-1/2 của Phương Tây.

Ngoài ra, Iraq còn có hàng nghìn pháo cao xạ các cỡ như 23 mm, 37 mm, 57 mm,... và các tổ hợp pháo cao xạ tự hành ZSU- 23-4 và ZSU-57-2 sản xuất tại Liên Xô.

Trước cuộc xâm lược Kuwait, Iraq có một mạng lưới rộng lớn radar mặt đất, radar hải quân cùng một loạt các hệ thống tác chiến điện tử (EW) khá hiện đại, vừa trinh sát cảnh báo sớm vừa làm nhiệm vụ gây nhiễu.

Hệ thống phòng không của Iraq đã kết hợp thành một mạng chỉ huy thống nhất điều hành tác chiến và thông tin liên lạc ở Baghdad và một số trung tâm khu vực.

Theo một số báo, người Iraq rải trên các con đường xung quanh Baghdad phụ kiện "giả" tên lửa Nga S-300 (SA-10 GRUMBLE) nhằm gây tâm lý sợ hãi cho các phi công Mỹ và Anh.

Quân đội Iraq đã chú trọng bảo toàn lực lượng bằng cách sử dụng nhiều lưới ngụy trang, đặt các tấm nhôm trên sân bay, làm sai lệch tham số radar máy bay của Mỹ.

Họ cũng thường xuyên tạo ra các "tấm kim loại cháy" nhằm thu hút đầu dò hồng ngoại dẫn đường của vũ khí "chính xác cao".

Để ngăn chặn đánh bom, Iraq dùng rộng rãi phương thức ngụy trang thường và các "phần tử điện tử giả", lừa máy thu vô tuyến, nhằm ngăn chặn sự hủy diệt các sân bay.

Họ đã sử dụng tất cả các biện pháp có thể để bảo toàn lực lượng. Coi trọng đào hầm sâu dưới đất, nhằm duy trì thiết bị kỹ thuật hoạt động. Phổ biến nhất là các hầm ngầm bê tông cốt thép (boong ke), chứa vũ khí, dự trữ nước và lương thực ở độ sâu 15 mét.

Cấu trúc này có khả năng chịu được một vụ nổ bom hạt nhân cỡ 10 megaton, tương đương với một trận động đất 7-8 độ richter. Khó nói chính xác có bao nhiêu hầm ngầm, chỉ biết năm 1986, Iraq đã nhập từ Tây Âu lượng vật tư lớn, đủ để tạo ra khoảng 40 boong ke như vậy.

Mỹ và liên quân sau đó phải chế loại bom riêng, chuyên phá hầm sâu và dùng vũ khí "chính xác cao" như bom thông minh, đánh vào các giếng thông gió của các hầm ngầm này.


Các loại máy bay Mỹ và đồng minh trên bầu trời Iraq.

Các loại máy bay Mỹ và đồng minh trên bầu trời Iraq.

Chống trả không tương xứng

Theo các thống kê, có khoảng 50 trận không chiến giữa phi công Iraq và phi công Mỹ - Đồng minh, nhưng lại chịu thất bại thảm hại, nhiều chủng loại máy bay của Iraq bị bắn hạ, trong đó có Mig-25, Su-22, Su-23, Miragier-F1 và cả Mig-29.

Các máy bay của Mỹ là F-15, F-16 chặn kích hiệu quả nhờ có radar tốt, tính cơ động cao, tên lửa dẫn chính xác.

Trong 9 phút đầu tiên khởi chiến, một chiếc máy bay loại F-117A đã tiêu diệt các trung tâm chỉ huy phòng không Iraq. Đây là thiệt hại lớn ngay từ đầu cho phòng không Iraq.

Trong tuần đầu tiên của chiến dịch tiến công đường không, máy bay làm nhiệm vụ phòng không của Iraq dù ít xuất kích và cũng không gây thiệt hại gì đáng kể cho Liên quân, nhưng lại có tới 38 máy bay MiG của Iraq bị bắn hạ.

Tài liệu của nhà nghiên cứu M. Zhirohova cho rằng  Iraq đã bị mất tổng cộng 319 máy bay. Còn theo công bố từ Baghdad, phòng không của Iraq bắn rơi 160 máy bay Mỹ và liên quân.

38 ngày đêm bị oanh kích, hầu hết các trận địa phòng không, công trình phòng thủ như bãi mìn, hầm ngầm, vật cản… bị phá hủy nghiêm trọng. Người và vũ khí bị tiêu hao nặng.


Một máy bay MiG-29 của Không quân Iraq bị phá hủy dưới mặt đất.

Một máy bay MiG-29 của Không quân Iraq bị phá hủy dưới mặt đất.

Phòng không Iraq còn bị gây nhiễu rất nặng không thể chống chọi trước sức tấn công ào ạt của lực lượng liên quân. Các trận địa SAM hầu như bị đánh phá, gây nhiễu, nên không thể đánh chặn hiệu quả.

Tuy vậy một số tên lửa vác vai phục kích và xuất hiện bất ngờ, bắn được 1 số máy bay ném bom, chậm chạp ở độ cao thấp, như cường kích, trực thăng.

Tạp chí "Flight International" (Anh) thống kê: Hoa Kỳ đã mất 35 máy bay cánh bằng và 21 máy bay trực thăng, Anh mất 7 chiếc máy bay, Saudi Arabia 3, Kuwait và Italia 2.

Cuốn Almanac Bộ Quốc phòng Mỹ 1991 công bố, toàn bộ rơi 75 máy bay có người lái, trong đó gần một nửa (33 chiếc) bị rơi do các nguyên nhân không phải trong chiến đấu.

Có thể tóm tắt, giai đoạn 1 (từ 8.1990 đến 16.1.1991), Mỹ và Liên quân tập hợp lực lượng, điều quân đến Vùng Vịnh, triển khai áp sát biên giới Iraq-Kuwait với chiến dịch Lá chắn sa mạc (Operation Desert Shield, 6.8.1990-16.1.1991).

Phía Iraq tổ chức các hệ thống phòng ngự, trong đó có phòng không-không quân.

Giai đoạn 2 (từ 17.1 đến 23.2.1991), Mỹ và liên quân tiến hành chiến dịch Bão táp Sa mạc (Operation Desert Storm, 17.1 đến 23.2.1991 tiến công khu vực phòng ngự của Iraq trên đất Kuwait và Iraq.

Ngay từ đầu họ đã khống chế toàn bộ trên không; phòng không phía Iraq chống trả yếu ớt, tìm cách bảo vệ lực lượng là chính, đồng thời dùng tên lửa ScutB bắn sang Israel và Saudi Arabia

Tổn thất của Iraq: mất 120.000 quân (60.000 bị bắt làm tù binh), 4.000 xe tăng và xe bọc thép, 87 máy bay, 2.000 pháo. Ngày 24 tháng 2, hướng tiến công trên bộ tiến đánh Iraq…

Cuộc chiến Iraq lần 2

Cuộc tấn công Iraq lần 2 bắt đầu từ ngày 20 tháng 3 năm 2003, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh chiếm tới 98% quân lực để cùng nhiều quốc gia khác cũng tham gia hình thành cái gọi là "Liên minh Quyết tâm".

Các cuộc hành quân của Hoa Kỳ được chỉ huy dưới tên mã Chiến dịch Giải phóng Iraq.

Cuộc hành quân của Vương quốc Anh được gọi Hành quân Telic, và hành quân Úc được gọi Chiến dịch Falconer. Có tới 214.000 lính Mỹ, 45.000 lính Anh, 2.000 lính Úc, và 2.400 Ba Lan và một lượng nhỏ binh lực của các nước khác tham gia.

Đã suy yếu từ trước nên dù cố gắng, quân đội của Tổng thống Saddam Hussein đã không thể trụ vững. Bên tấn công sử dụng vũ khí hiện đại, nhiều tầng, nhiều lớp đã nhanh chóng thọc sâu, tiêu diệt các mục tiêu quân sự và nhiều sinh lực của Iraq.

Liên quân có hiệu suất chiến đấu cao và tỷ lệ thương vong thấp hơn hẳn.

Phòng không, không quân Iraq yếu đuối về lực lượng, bảo đảm kỹ thuật hạ tầng các sân bay và việc bảo trì máy bay lại thuê nước ngoài, nên bị động trong tác chiến. Đến nỗi còn 1 số máy bay, phải chôn giấu trong cát sa mạc!


Máy bay của KQ Iraq phải chôn giấu trong cát sa mạc.

Máy bay của KQ Iraq phải chôn giấu trong cát sa mạc.

Trước những đòn trời giáng, quân đội Iraq nhanh chóng tan rã. Thành phố Bagdad bị chiếm đóng ngày 9 tháng 4 năm 2003, quân Mỹ chiếm được dinh Tổng thống Iraq, kiểm soát toàn thành phố, chấm dứt thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Saddam Hussein.

Những khái niệm mới từ thực chiến  qua 2 lần chiến tranh vùng Vịnh

Tác chiến đường không ngày càng khẳng định vị trí quan trọng, tính hủy diệt ngày càng cao. Giai đoạn tiến công hỏa lực (giai đoạn đầu) được đặc biệt coi trọng, bao gồm tiến công đường không (TCĐK), hỏa lực pháo mặt đất và hỏa lực từ chiến hạm trên biển.

Trong đó TCĐK giữ vai trò chủ đạo, được thực hiện bằng vũ khí công nghệ cao với tốc độ đột kích nhanh, mạnh, chính xác, tính hủy diệt cao, nhằm làm “mềm” chiến trường, gây tổn thất lớn về quân sự và làm suy yếu kinh tế của Iraq.

Từ đây các tướng lĩnh Mỹ luôn khẳng định vai trò không tập trong chiến tranh. Với các nhà khoa học quân sự, qua hai cuộc chiến tại vùng Vịnh 1991 và 2003, họ xây dựng lên một số khái niệm mới:

“Tác chiến phi tiếp xúc”: Trong tác chiến truyền thống muốn phá hủy các mục tiêu chiến lược trên lãnh thổ đối phương, bên tiến công phải dùng không quân hoặc bộ binh xâm phạm không phận, biên giới lãnh thổ của đối phương.

Nhưng trong tác chiến phi tiếp xúc, bằng nhiều loại vũ khí công nghệ cao, từ không phận, lãnh thổ của mình, hoặc đồng minh, bên tiến công có thể tiêu diệt các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ của đối phương…

Có thể thấy, ưu điểm nổi bật của tác chiến phi tiếp xúc là bên tiến công có thể lựa chọn mục tiêu đánh phá, áp dụng được nhiều thủ đoạn chiến đấu, tổn thất sinh mạng thấp, nhờ tiến công từ xa, có thể đánh bất cứ lúc nào, trong mọi điều kiện thời tiết…

“Tác chiến phi đối xứng”: Mỹ có lực mạnh gấp bội so với đối phương, cho phép tiến công bất cứ đối thủ nào, ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời gian nào mà không bị đánh trả... cũng nhờ phẩm chất ưu thế của máy bay, tên lửa là:

"Tính cơ động nhanh (xa), tính đột kích, bất ngờ (trong mọi điều kiện thời tiết) và tính hỏa lực mạnh (chính xác, uy lực phá nổ mạnh)".

Tác chiến phi đối xứng, vũ khí công nghệ cao được sử dụng với tỷ lệ ngày càng lớn. Ưu thế về vũ khí, trang bị công nghệ cao tập trung vào một số nước chủ động trong chiến tranh. Sự không đối xứng thể hiện cả về chất lượng và số lượng vũ khí, trang bị được sử dụng.

Trong chiến tranh Vùng Vịnh, liên quân Anh-Mỹ đã thực hiện 34.000 phi vụ tiến công đường không, sử dụng 1.000 tên lửa hành trình (trong đó có 800 tên lửa Tomahawk), 70% số bom đạn trên là loại thông minh, có điều khiển.

Đặc biệt là, tác chiến điện tử và công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi đã tạo ra sự vượt trội về khả năng trinh sát, gây nhiễu điện tử, chế áp hệ thống thông tin chỉ huy và hệ thống phòng không của đối phương.

Tổ chức chỉ huy được tự động hóa cao. Hệ thống C4I (chỉ huy - kiểm soát - truyền thông - máy tính - tình báo) đã liên kết hữu cơ các khâu trong quá trình nắm bắt, xử lý các tình huống và nâng cao hiệu quả, khả năng chỉ huy.

Điều đó đã bảo đảm cho công tác chỉ huy diễn ra thuận lợi, nhanh chóng từ chỉ huy toàn mặt trận đến các phân đội chiến thuật, kể cả trong những trường hợp vượt cấp.

Không gian tác chiến mở rộng, thời gian ngắn, thời điểm bất ngờ. Ngay từ những ngày đầu chiến tranh, Mỹ và đồng minh đã sử dụng hỏa lực tiến công trên toàn tuyến, trong suốt chiều sâu đất nước, vào các mục tiêu trọng yếu về quân sự, kinh tế, chính trị của đối phương.

“Tác chiến liên quân, đột kích tổng thể”: Sự phối hợp nhiều quân binh chủng, cùng giải quyết một chiến dịch, thậm chí một trận đánh.

Ở đây vai trò mạng đồng bộ, thống nhất chỉ huy bảo đảm thông suốt, tính hiệp đồng cao, từ vũ trụ - không gian - mặt đất, mặt nước, dưới lòng biển, không gian mạng…

Trong “Operation Desert Storm 1991” Mỹ có 35 vệ tinh phục vụ công tác chỉ huy, kiểm soát, thông tin, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát. Trong đó trinh sát, tình báo rất quan trọng.

Liên hệ với việc không quân Nga oanh tạc IS tại các thành phố Syria từ tháng 9 năm 2015, càng thấy rõ vai trò của trinh sát, tình báo.

“Kết hợp sát thương cứng với sát thương mềm, tiến công đường không với gây nhiễu”: Vai trò của máy bay chuyên gây nhiễu, hoặc gây nhiễu trong đội hình rất đa dạng. Kết hợp bịt mắt đối phương từ phút đầu chiến tranh,tiến công bằng tên lửa cao tốc, triệt hỏa lực.

Liên hệ với việc không quân Nga oanh tạc IS tại các thành phố Syria năm 2015, vai trò che giấu đội hình tiến công đường không đặc biệt quan trọng.

“Tính hủy diệt ngày càng cao”: Giai đoạn tiến công hỏa lực (không tập - giai đoạn đầu của chiến tranh) được đặc biệt coi trọng, bao gồm tiến công đường không (TCĐK), hỏa lực pháo mặt đất và hỏa lực TLHT từ chiến hạm trên biển.

Trong đó TCĐK giữ vai trò chủ đạo, được thực hiện bằng vũ khí công nghệ cao với tốc độ đột kích nhanh, mạnh, chính xác, tính hủy diệt cao, nhằm làm “mềm” chiến trường, gây tổn thất lớn về quân sự và làm suy yếu kinh tế của đối phương.

Trong chiến tranh Iraq, Mỹ và đồng minh đã dùng hỏa lực phá hủy 95% số bệ phóng tên lửa, pháo phòng không và  radar báo động sớm, 4.000 xe tăng, thiết giáp, 87 máy bay, 2.000 khẩu pháo và tiêu diệt 60.000 quân.

Trong chiến tranh Afghanistan, 5 ngày đầu tiên Mỹ đã phá hủy 85% số mục tiêu dự định.

“Không gian tác chiến mở rộng, thời gian ngắn, thời điểm bất ngờ”: Ngay từ những ngày đầu chiến tranh, Mỹ và đồng minh đã sử dụng hỏa lực tiến công trên toàn tuyến, trong suốt chiều sâu đất nước, vào các mục tiêu trọng yếu của đối phương.

Thời gian diễn ra cuộc chiến tranh Vùng Vịnh (lần 1) là 42 ngày, chiến tranh Nam Tư 78 ngày, chiến tranh Vùng Vịnh (lần 2) là 25 ngày và chiến tranh Afghanistan là 100 ngày. Để tạo bất ngờ, phần lớn các cuộc tiến công đường không được mở đầu vào ban đêm.

“Kết hợp nhiều hình thức, thủ đoạn chiến tranh”: Tuy đối kháng về quân sự là chủ yếu nhưng chiến tranh hiện đại ngày càng mang tính toàn diện, trên các mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội... Đặc biệt coi trọng chiến tranh tâm lý.                                        

Qua những cuộc chiến tranh cho thấy một số nhược điểm, hạn chế khó khắc phục của vũ khí công nghệ cao.

Với Việt Nam, bên cạnh việc mua sắm trang bị vũ khí mới theo chủ trương “Từng bước hiện đại, có những quân, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại”, nếu đúc rút kinh nghiệm, nghiên cứu cách đánh tốt, sẽ tạo tiền đề cho đánh thắng mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ địch.

Hiệu quả của vũ khí công nghệ cao phụ thuộc nhiều vào địa hình. Ở địa hình đồi núi, nhiệt đới khả năng phát huy hiệu quả của vũ khí, trang bị công nghệ cao sẽ bị giảm.

Những yếu tố như mật độ hỏa lực cao, khả năng hủy diệt lớn, chỉ phát huy khi đối phương tập trung lực lượng, phương tiện với mật độ cao.

Nếu lực lượng phân tán, cơ động, di chuyển linh hoạt, ngụy trang kín đáo, bảo toàn lực lượng và đánh trả bất ngờ thì các cuộc tiến công của hỏa lực đường không sẽ bị hạn chế đáng kể.

Đối phương chắc chắn sẽ ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin ở nhiều khâu trong tác chiến, nên nếu bị tiến công bằng tin học, phá hoại trên mạng, gây nhiễu... có thể dẫn đến sai lầm trong hệ thống điều khiển, ảnh hưởng đến hiệu quả tác chiến.

Tiến công tin học trở thành một hướng tiến công sắc bén.

Nếu xây dựng được lực lượng tác chiến điện tử, tác chiến công nghệ thông tin mạnh, tinh nhuệ, linh hoạt, rộng khắp từ trên bộ, trên không, trên biển, trên các đảo ven bờ, ngoài khơi, sẽ hạn chế thấp nhất tổn thất, chủ động trong đánh trả.

Bài học chống trả tiến công đường không của Iraq trong Chiến tranh Vùng Vịnh Pec-xích vẫn còn rất thời sự, dù đã qua 1 phần tư thế kỷ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại