Phi công tiêm kích Việt Nam: Xuất sắc đánh thắng ngay từ trận đầu

Đoàn Hoài Trung |

Thấm thoát đã nhiều năm trôi qua, Trung tướng Trần Hanh, một trong những phi công tiêm kích xuất sắc của Việt Nam đã có dịp sang Mỹ năm 1998 và gặp Tư lệnh Không quân nước này.

Tiêm kích Việt Nam xuất sắc đánh thắng trận đầu

Ngày 3 tháng 4 năm 1965, phi công tiêm kích Trần Hanh bay yểm hộ biên đội của phi công Phạm Ngọc Lan trên tầng cao, nhưng chưa gặp được địch.

Trong ngày 3 tháng 4 năm 1965, biên đội Phạm Ngọc Lan bắn rơi hai máy bay phản lực F-8U của đế quốc Mỹ, gây không khí phấn khởi chiến thắng trong toàn Trung đoàn không quân 921 - Đoàn Không quân Sao Đỏ.

Khoảng 10 giờ 22 phút sáng ngày 4 tháng 4 năm 1965, biên đội của Trần Hanh được lệnh cất cánh, đánh chặn máy bay Mỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng. Biên đội gồm Trần Hanh số 1, Phạm Giấy số 2, Lê Minh Huân số 3, Trần Nguyên Năm số 4.

Thời tiết hôm đó xấu, trời nhiều mây, tầm nhìn khoảng 4 km, mây thấp. Biên đội xuyên qua 2 lớp mây mỏng, hợp với nhau bay về phía Đông Nam.

Khi bay ngang qua Thủ đô, trong lòng ông như vang lên lời Bác Hồ dạy:

"Tổ tiên ta ngày xưa có những chiến công oanh liệt trên sông, trên biển như Bạch Đằng, Hàm Tử, trên bộ như Chi Lăng Vạn Kiếp, Đống Đa. Ngày nay ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi. Trách nhiệm ấy trước hết là của các chú…”.

Trần Hanh thầm hứa sẽ quyết tâm lập công bắn rơi máy bay Mỹ dâng lên Bác Hồ kính yêu. Biên đội bốn chiếc như bốn lưỡi mác lao vào không trung.

Các ông được Sở chỉ huy cho lệnh chuyển hướng phía Nam, bay ở độ cao thấp khoảng 2.000 mét, bay ẩn mình vào dãy núi phía Tây của Tổ quốc để không cho radar địch phát hiện tạo thế bất ngờ.

Trong lúc đó đã có một biên đội khác do các phi công Long, Túc, Quỳ, Phương đã bay ở độ cao 8.000 mét trên bầu trời Phủ Lý, Nam Hà làm nhiệm vụ nghi binh, thu hút tiêm kích địch.

Việc liên lạc trên không hết sức hạn chế, chỉ có khẩu lệnh đổi hướng và thay đổi độ cao, để giữ bí mật liên lạc. Khi biên đội đến con sông Mã, được lệnh kéo lên độ cao khoảng 3.000 mét và có thông báo địch phía trước 30 km.


Ảnh bìa cuốn sách F-8 đối đầu MiG-17 ở Việt Nam 1965-1972 của tác giả Peter Mersky.

Ảnh bìa cuốn sách F-8 đối đầu MiG-17 ở Việt Nam 1965-1972 của tác giả Peter Mersky.

Trần Hanh vừa dẫn biên đội lên cao thì nghe mặt đất báo: “Mây đen bên trái 45 độ, 12 km”. Trần Hanh vội kéo máy bay lên độ cao 4000 mét, vòng trái.

Lập tức ông phát hiện một biên đội máy bay địch trước mặt, thân nó dài, đầu nhọn hoắt, hai cánh khép lại, mầu xám xịt, dưới cánh chúng mang đầy bom, nên bay lặc lè, đuôi phụt ra những luồng khói đen. Phía xa xa rất nhiều máy bay khác như bầy ruồi vậy.

Biên đội F105-D của địch lúc này cách khoảng 8km. Trần Hanh ra lệnh:” vứt thùng dầu phụ, 01 vào công kích, 03 yểm hộ”.

Máy bay số 1 của địch cũng đang nghiêng cánh, lơ láo quan sát cầu Hàm rồng để chuẩn bị thả bom, chúng chưa phát hiện được máy bay ta. Trần Hanh cắt bán kính, tăng ga đến tận cùng để nhanh chóng thu gần khoảng cách, bám mục tiêu.

Lúc cự ly còn khoảng 400 mét, ông thấy máy bay địch cải bằng, ông vội đưa cả chiếc máy bay địch vào máy ngắm và xiết cò, những luồng đạn đỏ rực từ khẩu 37 ly và 2 khẩu 23 ly xé không trung cắm vào thân máy bay địch.

Ông thấy máy bay địch chòng trành, có khả năng bị thương. nhưng vẫn chưa bị trúng vào phần hiểm nên vẫn còn bay được.

Biên đội địch hoảng loạn, bay giãn ra. ông vẫn nghiêng cánh bám chặt chiếc máy bay số 1 của địch, khi máy bay ở cự ly cách địch khoảng 200 mét, Trần Hanh xiết cò, đạn xối xả bắn vào khoang lái máy bay địch.

Ông nhìn rõ những viên đạn nổ trên thân máy bay địch, chiếc máy bay bị lật ngược và cắm thẳng xuống đất, Trần Hanh hô lên:” cháy rồi”, đồng thời ông cũng nghe thấy những tiếng hô của đồng đội Huân, Năm, Giấy :” cháy rồi”.

Ông kéo máy bay vọt lên vừa cải bằng để thoát ly. Trần Hanh còn nghe tiếng Lê Minh Huân: "Vòng gấp có máy bay đằng sau”, đó là tiếng nói cuối cùng của đồng đội ông nghe được.

Trần Hanh vòng gấp, quan sát bầu trời không nhìn thấy máy bay số 3 số 4 của ta đâu, chỉ thấy số 2 vẫn bám sát bảo vệ đằng sau, còn máy bay địch đang táo tác, nhiều chiếc quẳng vội bom chạy ra biển, đằng sau có hai đốm đen tiếp cận máy bay ông rất nhanh.

Ông đoán hai đốm đen này là hai chiếc máy bay tiêm kích F100 ( Thanh bảo kiếm) đi bảo vệ bọn F105. Khi máy bay địch cách khoảng 5 km, ông làm động tác kỹ thuật tránh tên lửa, ông cho máy bay lật ngược và kéo thẳng xuống 30 độ.

Trần Hanh nhìn thấy 2 vệt xanh lè vượt qua hai cánh, ông biết mình vừa thoát được hai quả tên lửa của máy bay địch bắn. Do làm động tác quá mạnh, nên mắt Trần Hanh hoa lên, ngực tức.

Khi máy bay ông cải bằng thì độ cao còn khoảng 700 mét, ông thấy tốc độ không tăng được, đồng hồ la bàn ba chiều chỉ phương hướng lắc lung tung. Lúc đó ông mới để ý, hai càng máy bay bung ra, kim la bàn bị gẫy trục.

Ông nhìn thấy hai máy bay của địch bay ra biển. Ông gọi biên đội nhưng không nghe thấy ai nữa. Vì độ cao qúa thấp nên ông cũng không nghe được tiếng gọi ở nhà nữa. Lúc này ông mất phương hướng, chỉ còn biết bám theo những cánh rừng bay tới.

Quyết cứu máy bay

Đèn báo nhiên liệu trên máy bay nhấp nháy, báo hiệu hết dầu. Trong trường hợp này, phi công có quyền nhẩy dù. Nhưng nghĩ đến chiếc máy bay là tài sản quý giá của quân đội, nên ông quan sát tìm vị trí bằng phẳng để hạ cánh.

Ông nhìn thấy một khe suối trong cánh rừng, bên cạnh là một dải ruộng lúa xanh thắm. Ông vội cho máy bay hạ cánh bắt buộc, máy bay đã hết sạch dầu, chỉ còn hạ cánh theo quán tính, tốc độ còn khoảng 200 km/h.

Khi máy bay chạm đất, ông kéo cần lái hết cỡ vào bụng, để đầu máy bay ngóc lên, còn đuôi máy bay lê xuống ruộng.

Độ gần 100 mét, thì ông nghe dầm, máy bay bị chặn bởi ụ đất dừng lại đột ngột. Đầu Trần Hanh đập vào máy ngắm, ông bất tỉnh nhân sự.

Đến bây giờ ông cũng không biết mình ngất đi bao lâu. Khi ông tỉnh dậy, thấy trên trán mình chảy máu, người đau ê ẩm, nhất là cột sống lưng như có ai đâm vào vậy. Không gian yên tĩnh lạ thường, nhìn ra ngoài thấy cánh rừng hồi hoa nở trắng xoá.

Ông cố gắng mở khoang lái và trèo ra. Máy bay của ông nằm trên ruộng lúa của bà con dân tộc. Ông lấy tuốc nơ vít trong khẩu súng lục đeo bên hông mở ngay đầu máy bay lấy hộp phim, to như bao thuốc lá cất vào túi ngực.

Đây là những thước phim quý giá ghi lại toàn bộ cảnh Trần Hanh bắn rơi chiếc máy bay như thế nào, những hình ảnh này đã được phóng to để trong bảo tàng Không quân. Một lúc sau thì dân quân và bà con dân tộc ập đến.


Xem lại phim ghi lại diễn biến trận đánh.

Xem lại phim ghi lại diễn biến trận đánh.

Lúc đầu bà con hiểu lầm, nên tỏ vẻ rất căm thù, nhưng khi nghe Trần Hanh giải thích là máy bay của bộ đội Cụ Hồ đi đánh giặc bảo vệ cầu Hàm Rồng hết xăng nên phải hạ cánh ở đây, thì bà con thay đổi thái độ.

Nhất là khi nhìn thấy băng mầu đỏ có dòng chữ: "Không quân nhân dân Việt Nam” trên tay áo và biển hiệu có ngôi sao vàng và số hiệu phi công, thì bà con càng xúc động.

Họ băng bó vết thương cho Trần Hanh, và cáng ông về bản cho ăn uống và chăm sóc tận tình, chu đáo. Về bản Trần Hanh mới biết đây là bản Kẻ Tằm của người dân tộc Thái thuộc huyện Quỳ Hợp tỉnh Nghệ Tĩnh.

Độ 2 ngày sau, đồng chí tỉnh đội trưởng tên là Quế tìm đến. Trần Hanh nhận ra anh ngay, anh nguyên là trung đoàn trưởng 64, đại đoàn 320 (Đại đoàn Đồng Bằng), đơn vị cũ của ông trong kháng chiến chống Pháp. Các ông ôm nhau vui mừng.

Độ vài ngày sau, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phan Khắc Hy đến đón Trần Hanh về.

Khi Trần Hanh về đến trung đoàn, anh em trung đoàn tập trung cả hội trường, mọi người ôm ông, công kênh với những nụ cười vui chiến thắng và với những giọt nước mắt đau đớn vì 3 đồng đội ông không trở về.

Lúc ấy Trần Hanh mới được biết các anh Huân, Giấy, Năm đã chiến đấu rất dũng cảm, anh Lê Minh Huân đã bắn rơi thêm một máy bay F105D nữa của Mỹ.

Nhưng vì lực lượng của địch đông hơn, có tên lửa, máy bay của ta tốc độ chậm nên đã không tránh được tên lửa từ nhiều phía. Các anh đã anh dũng hy sinh lập nên chiến thắng trên không bất tử, nối tiếp tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện mắt đỏ hoe, đưa cho Trần Hanh đọc lá thư của Bác viết ngày 5 tháng 4:

"Các chú đã chiến đấu dũng cảm, đã tiêu diệt máy bay Mỹ. Các chú đã thực hiện khẩu hiệu “ đã đánh là thắng “. Như thế là xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta…”. Trần Hanh ôm trầm lấy anh trào nước mắt…


Trung tướng Trần Hanh và tác giả Đoàn Hoài Trung.

Trung tướng Trần Hanh và tác giả Đoàn Hoài Trung.

Cựu Tư lệnh Không quân Mỹ thừa nhận thất bại cay đắng

Thấm thoát đã nhiều năm trôi qua, Trần Hanh có dịp sang Mỹ năm 1998, viên Tư lệnh không quân Mỹ, đã từng tham chiến ở Việt Nam cay đắng thú nhận những thất bại của không quân Mỹ trước các phi công tiêm kích của Không quân nhân dân Việt Nam non trẻ.

Ông ta vẫn không hiểu tại sao máy bay hiện đại nhất của Mỹ lúc bấy giờ lại thua máy bay MiG17 cổ lỗ sĩ.

Mấy năm trước tác giả người Mỹ Dan Arant viết cuốn sách "MiG-17 và MiG-19 trong chiến tranh Việt Nam", đã gửi cho Trần Hanh hồ sơ về chiếc máy bay Thần sấm F105D bị Trần Hanh bắn rơi ngày ấy.

Đó là thiếu tá F.E. Bennett lái chiếc máy bay F105D số hiệu 59-1754 thuộc Liên đoàn không quân chiến thuật Mỹ số 355.

(Theo lời kể của Trung tướng Anh hùng LLVTND Trần Hanh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân chủng Không quân)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại