Pháp lấp lửng việc hạ thủy tàu Mistral thứ hai cho Nga

Vy Lam |

Hãng tin ITAR-TASS đưa tin, hôm thứ Ba (18/11), người phát ngôn của công ty đóng tàu DCNS (Pháp) đã từ chối xác nhận những thông tin về kế hoạch hạ thủy chiếc tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral thứ hai mang tên Sevastopol mà Pháp đóng cho Nga tại Saint-Nazaire.

"Chúng tôi sẽ không đưa ra bất cứ thông tin nào về tiến trình công việc trên các tàu Mistral được đóng theo hợp đồng ký với Nga" - Emmanuel Godez, người phát ngôn của DCNS nói.

Công ty này cũng từ chối bình luận về thông tin được các phương tiện truyền thông đưa ra rằng các thủy thủ Nga tham gia huấn luyện tại Saint-Nazaire bị cấm lên boong tàu Vladivostok (Xem thông tin về vụ việc tại đây).

Trước đó, hồi tháng 9/2014, hãng tin ITAR-TASS dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov cho biết chiếc tàu Sevastopol sẽ được hạ thủy trong năm nay. Theo kế hoạch ban đầu, tàu Sevastopol dự kiến được hạ thủy vào tháng 10/2014. Tuy nhiên, tháng 10 đã trôi qua mà không có động tĩnh nào từ phía Pháp.

Các thủy thủ Nga tới Pháp tham gia khóa huấn luyện trên tàu Mistral. ẢNH: ITAR-TASS
Các thủy thủ Nga tới Pháp tham gia khóa huấn luyện trên tàu Mistral. ẢNH: ITAR-TASS

Thông tin Pháp cấm thủy thủ Nga lên tàu Mistral đầu tiên và lấp lửng về việc hạ thủy tàu Mistral thứ hai cho Nga xuất hiện trong bối cảnh thương vụ Mistral Nga - Pháp vẫn chưa tìm được lối thoát do những căng thẳng giữa Nga và Phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine.

Pháp đang chịu áp lực vô cùng lớn từ phía EU, NATO, còn Nga có vẻ đã hết kiên nhẫn. Đáng chú ý là mới đây, Philippe de Villiers - một doanh nhân đồng thời là chính trị gia người Pháp xác nhận rằng Mỹ đã trực tiếp nhúng tay vào thương vụ Mistral.

Cụ thể, Villiers tiết lộ rằng lý do Pháp chậm giao 2 tàu Mistral cho Nga là vì Washington đã trực tiếp gây sức ép đối với Paris. Theo ông Villiers, mỗi ngày đại sứ Pháp tại Mỹ đều nhận được một cuộc gọi từ bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu các nhân viên đại sứ quán hủy bỏ việc cung cấp tàu Mistral cho Nga.

Trước đó, Washington cũng đưa ra điều kiện sẽ giảm mức độ trừng phạt của phương Tây đối với Moscow nếu Paris chấm dứt hợp đồng Mistral.

Theo ông Villers, mặc dù đối mặt với sức ép lớn nhưng Pháp chắc chắn sẽ bàn giao tàu cho Nga vì 2 lý do: Một là Paris sẽ phải bồi thường một khoản tiền rất lớn không bàn giao tàu. Hai là, các đối tác kinh doanh khác của Pháp như Ấn Độ, Trung Quốc đang theo dõi diễn biến của thương vụ Mistral. Pháp có thể sẽ đánh mất 2 đối tác quan trọng này nếu hủy hợp đồng.

Thậm chí, ông Villers cho rằng Pháp có thể sẽ rời khỏi NATO vì liên minh này được thành lập tại thời điểm Xô Viết, xem Xô Viết là kẻ thù số 1. Còn hiện tại, Nga không phải là kẻ thù của Pháp.

Tuy nhiên, trước những diễn biến không mấy khả quan mới đây, khả năng tàu Mistral được chuyển giao cho Nga có vẻ đang rất mong manh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại