Pakistan sản xuất tên lửa hạt nhân tầm ngắn "chống Ấn Độ"

Anh Tuấn |

Trong lúc cả thế giới đang tập trung vào việc ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở vùng Trung Đông, sự cạnh tranh hạt nhân giữa hai nước Ấn Độ và Pakistan đang ngày một tăng lên.

Tướng Khalid Kidwai, một cố vấn cấp cao của chính phủ Pakistan cho biết Pakistan cần phải có nhiều vũ khí hạt nhân chiến lược tầm ngắn để chống lại đại kình địch Ấn Độ.

Ông Kidwai nói rằng “việc có vũ khí chiến lược sẽ giúp khả năng xảy ra chiến tranh giảm đi” trong một hội nghị về an ninh hạt nhân được tổ chức bởi Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế tại Washington.

Ông Kidwai đã giám sát các chương trình hạt nhân và tên lửa của Pakistan trong suốt 15 năm qua.

Việc phát triển vũ khí chiến lược của Pakistan gồm có tên lửa Nasr, có tầm xa khoảng 60 km.

Pakistan lo ngại rằng “quân đội Ấn Độ có quy mô lớn hơn vẫn có thể tiến hành một cuộc chiến tranh thông thường và tin rằng Pakistan sẽ không mạo hiểm phản pháo bằng các loại vũ khí hạt nhân hạng nặng”.

Cuộc chạy đua vũ trang giữa Ấn Độ và Pakistan đang nóng dần lên.

Pakistan đặc biệt hướng đến vô hiệu hóa học thuyết “Cold Start” của Ấn Độ, nói về một cuộc tiến công tổng lực với độ cơ động cao vào Pakistan để có thể chiếm được những kho vũ khí quan trọng trước khi tên lửa hạt nhân được phóng đi.

Không như Ấn Độ, vốn không hề muốn dùng vũ khí hạt nhân trước tiên, Pakistan đã liên tục nói rằng họ sẽ đáp trả bằng vũ khí này nếu họ bị mất nhiều phần lãnh thổ.

Các loại vũ khí chiến lược do đó sẽ vô hiệu hóa quân bộ của Ấn Độ trên chiến trường, ngay cả khi chiến sự diễn ra ở Pakistan và sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng điều phối của Ấn Độ.

Ấn Độ đã chỉ trích lập trường của Pakistan về các loại vũ khí hạt nhân tầm ngắn. Ông Rakesh Sood, cựu đặc phái viên đặc biệt của Ấn Độ, cho biết “việc phát triển vũ khí hạt nhân chiến lược luôn gây ra sự mất ổn định đối với bất kỳ nước nào” và Ấn Độ không có ý định làm vậy.

Ông nói rằng học thuyết vũ khí hạt nhân của Pakistan “có nhiều điểm mập mờ” và làm căng thẳng giữa hai nước ngày càng xấu đi.

Mặc dù quan điểm của Kidwai là vũ khí hạt nhân chiến lược sẽ giảm khả năng gây ra chiến tranh, ông Peter Lavoy, cựu quan chức quốc phòng Mỹ đặt câu hỏi"

“Liệu rằng sự kết hợp giữa quân chính quy và vũ khí hạt nhân trên chiến trường có thể làm tăng nguy cơ bắt đầu chiến tranh hạt nhân hay không”.

Phát biểu của Kidwai cũng đúng vào thời điểm Pakistan đang gấp rút đẩy mạnh các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.

Các chương trình này là nguyên nhân chính gây ra nỗi lo cho toàn thế giới rằng các loại vũ khí này có thể rơi vào tay những kẻ không mong muốn.

Tuy nhiên, Kidwai đã bác bỏ ý kiến trên và khẳng định an ninh của các chương trình này vẫn được đảm bảo. Việc Pakistan đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân có thể khiến vùng Nam Á trở thành một nơi nguy hiểm và căng thẳng với Ấn Độ sẽ tăng lên.

Trước đó vào đầu tháng 3, Pakistan đã thử nghiệm tên lửa Shaheen-III, có tầm xa khoảng 2.735 km. Tên lửa này sẽ cho phép Pakistan tấn công bất kỳ địa điểm nào của Ấn Độ với đầu đạn hạt nhân, đồng thời Israel cũng nằm trong tầm bắn.

Ông Shahid Latif, một chỉ huy Không quân Pakistan đã nghỉ hưu cho biết: “Giờ thì Ấn Độ không còn nơi nào an toàn nữa”.

Theo một tạp chí Mỹ, Pakistan có nhiều tên lửa hạt nhân hơn Ấn Độ, mặc dù nền kinh tế và tài nguyên của nước này ít hơn nhiều so với người hàng xóm.

Điều này thể hiện quyết tâm của Pakistan và cựu Thủ tướng Pakistan Zulfikar Ali Bhutto vào năm 1972 đã từng nói: “Cho dù phải ăn cỏ, chúng tối cũng sẽ chế tạo bom hạt nhân”.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại