Trung Quốc là một trong những nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga.
Hiện nay, các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc vẫn đang theo đuổi thị trường riêng của mình trong thị trường vũ khí toàn cầu.
Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc gần đây đăng tải bài viết đề cập đến khách hàng tiềm năng của những vũ khí do nước này sản xuất, đặc biệt là mẫu máy bay chiến đấu mới FC-20 (phiên bản xuất khẩu của J-10).
“Trong số khách hàng tiềm năng là các quốc gia đang phát triển và không có mối quan hệ quân sự nào với phương Tây”- Bài báo viết. Các khu vực hứa hẹn gồm châu Á, châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ.
Mô hình FC-20 - phiên bản xuất khẩu của J-10 tại triển lãm hàng không Singapore 2016.
Cũng theo bài báo, Mỹ coi xuất khẩu vũ khí như công cụ phân định bạn – thù. Trái lại, Trung Quốc không câu nệ định kiến chính trị trong các giao dịch vụ khí.
Tờ báo Trung Quốc nhấn mạnh, vũ khí của nước này thu hút khách hàng nhờ “giá cả thấp” và “chất lượng cao”, gần bằng các sản phẩm tương tự của phương Tây.
Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-31.
Trong tháng này, chính phủ Trung Quốc đã công bố 2 sáng kiến lớn liên quan đến vấn đề sản xuất và xuất khẩu vũ khí.
Thứ nhất, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đang hoạt động theo hướng tư nhân nhưng chịu sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ.
Bất cứ công ty nào sử dụng trên 50 lao động đều được 1 quan chức Đảng giám sát.
Thứ hai, Trung Quốc sẽ thiết lập một cơ quan nghiên cứu quốc phòng (tương tự như DARPA của Mỹ). Song không giống như tổ chức của Mỹ, tổ chức của Trung Quốc sẽ giám sát ngành công nghiệp nước này.
Họ sẽ quản lý các chương trình nghiên cứu, thúc đẩy các sáng kiến đổi mới và áp dụng vào các lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Có khả năng phần lớn nghiên cứu quốc phòng của Trung Quốc sẽ do các công ty nhà nước tiến hành, thay vì các công ty tư nhân.
Hiện tại, có khoảng 1.000 doanh nghiệp quốc phòng tư nhân đang hoạt động tại Trung Quốc, nhiều hơn 127% so với năm 2010.
Các doanh nghiệp này chịu sự kiểm soát của Cục quản lý Nhà nước về Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp quốc phòng (SASTIND).
Trong năm nay, SASTIND sẽ đẩy mạnh nỗ lực xây dựng ngành xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc và phát triển một nền công nghiệp quốc phòng theo hướng xuất khẩu.
Theo hãng tin Sputnik (Nga), ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã và vẫn đang sao chép nhiều loại khí tài quân sự, trong đó có xe tăng, pháo, xe chiến đấu, súng...
Tiêm kích J-15 là phiên bản sao chép của Su-33 Nga, trong khi J-31 được phát triển dựa trên máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35B của Mỹ và còn rất nhiều ví dụ khác tương tự như vậy.
Song trước đó, trong một bài viết trên tạp chí National Interest, Phó giáo sư Robert Farley tại Đại học Ngoại giao và Thương mại quốc tế Patterson (Mỹ) lại đánh giá khá cao tiềm năng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc và nhận định rằng:
Nga sẽ phải cạnh tranh mạnh với Trung Quốc để giành thị phần xuất khẩu 5 loại vũ khí, gồm máy bay chiến đấu, tàu ngầm, xe tăng, hệ thống phòng không và tên lửa.
Theo ông Farley, trong thời gian dài, Nga có nhiều lợi thế hơn Trung Quốc trong lĩnh vực công nghiệp quân sự. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cả 2 quốc gia đều dùng các giao dịch vũ khí như một phương tiện để mở rộng ảnh hưởng chính trị.
Song, giờ đây, lợi nhuận mới thực sự là điều quan trọng.
Nga đang rất cần ngành công nghiệp xuất khẩu vũ khí phát triển mạnh để vực dậy ngành công nghiệp đã trở nên suy yếu và nền kinh tế đang phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp năng lượng.
Nhưng về lâu dài, Trung Quốc có thể sẽ chiếm thế thượng phong. Vũ khí Nga sẽ rất khó cạnh tranh với ngành công nghiệp quốc phòng đang ngày càng phát triển của Trung Quốc trong những thập kỷ tới.