Nổ tên lửa NASA, không phải lỗi động cơ do Liên Xô sản xuất

Bảo Vĩnh |

Động cơ do Liên Xô (LX) sản xuất “hoạt động bình thường”, không phải lỗi gây ra vụ tên lửa của NASA nổ 6 giây ngay sau khi được phóng, theo công ty Kuznetsov (Nga) cho biết khuya 29.10.

Tên lửa Mỹ nổ tung ngay khi rời bệ phóng Tên lửa Mỹ nổ tung ngay khi rời bệ phóng

Tên lửa đẩy Antares của Mỹ đã phát nổ khi vừa rời bệ phóng trực chỉ Trạm Không gian Quốc tế (ISS) hôm 28-10.

Khoảng 5 giờ sáng 29.10 (giờ Việt Nam), tên lửa không người lái Antares nổ tung ngay sau khi được phóng từ bãi phóng Wallops của Cơ quan không gian Mỹ (NASA) ở phía đông bang Virginia.

Đó là lần đầu tiên tên lửa Antares được phóng vào ban đêm, khiến vụ nổ tạo nên một quả cầu lửa khổng lồ, có thể nhìn thấy từ xa hàng dặm.

Tên lửa Antares dùng để đẩy tàu hàng Cygnus chứa 2.273 kg hàng hóa, đồ thí nghiệm lên Trạm vũ trụ quốc tế ISS bay cách trái đất 418 km.

ISS trị giá 100 tỉ USD là một phòng thí nghiệm nghiên cứu của 15 quốc gia.

Động cơ chất kho bán lại cho Mỹ

NASA đã thuê công ty tư nhân Orbital Sciences (Mỹ) dùng tên lửa Antares chuyển hàng hóa lên tiếp tế cho ISS, sau khi thế hệ tàu con thoi của NASA được “nghỉ hưu”.

Theo báo Guardian, cuộc phóng tên lửa Antares nhờ hai động cơ AJ-26, là phiên bản Mỹ của động cơ NK-33 từng được Ukraine lúc thuộc LX thiết kế - sản xuất hồi năm 1970, cho chương trình thám hiểm mặt trăng N-1 của LX.

Nhưng N-1 bị hủy sau nhiều lần phóng thất bại. Nhiều động cơ bị xếp kho, cho đến khi công ty Aerojet Rocketdyne (ở bang California, Mỹ) mua lại số động cơ NK-33 hồi những năm 1990, và sửa chúng để dùng cho tên lửa thương mại của Mỹ.

Vì thế có ngay sự đồn đoán về chất lượng của động cơ LX gây ra vụ nổ.

Nhưng công ty Kuznetsov ở thành phố Samara (Nga) nói không phải lỗi động cơ NK-33 của họ. Công ty này nói AJ-26 được nâng cấp hiện đại ở Mỹ, theo hãng tin Itar- Tass.

Văn phòng báo chí công ty nêu: “Vì những chi tiết đặc biệt, không thể nói chi tiết về tên lửa này cùng sự phối hợp của hệ thống của nó trong lúc phóng, do đây là lĩnh vực của chuyên gia Mỹ.

Nhưng điều quan trọng cần lưu ý là trong cuộc phóng, động cơ AJ-26 ở tầng một, một bản sửa từ NK-33-đã hoạt động bình thường”.

Công ty Kuznetsov cũng nói động cơ AJ-26 đang ở giai đoạn phóng thử. Động cơ này từng phóng thử thất bại vài lần: một chiếc cháy năm 2011, chiếc khác cháy khi phóng thử hồi tháng 5.2014.

Orbital cũng đang chịu sức ép phải giải thích tại sao họ lại dùng động cơ tên lửa cũ của Nga để thực hiện cuộc phóng bước 1 cho tên lửa Antares.

Trang web của công ty này nêu động cơ AJ-26 là “bản sao thương mại của loại động cơ từng phát triển cho chương trình tên lửa mặt trăng vốn sẽ đưa nhà du hành LX lên mặt trăng”.

Orbital nêu LX đã đầu tư 1,3 tỉ USD trong 10 năm để phát triển các động cơ và sản xuất hơn 200 chiếc.

Năm 2010, Orbital nói sử dụng động cơ AJ-26 cho tên lửa Taurus II của họ, vì “nó đạt thành tích cao”.

Nhà phân tích không gian Marco Caceres nói AJ-26 là một động cơ mạnh, được thiết kế để đưa người lên mặt trăng, nhưng LX đã không thể thực hiện trong những năm 1960 nên đã ngưng sản xuất.

Tên lửa Antares chuẩn bị được phóng

NASA vẫn lệ thuộc đông cơ Nga

Ngày 29.10, Orbital tuyên bố sẽ thôi sử dụng các tên lửa Nga cũ cho các vụ phóng sau này.

Cùng ngày, các nhân viên điều tra NASA dùng trực thăng bay trên vùng nổ tên lửa, nhằm ghi nhận tầm cỡ tổn thất của bãi phóng Wallops.

Kỹ sư của Orbital cũng tìm hiểu nguyên nhân thất bại của chiếc tên lửa trị giá 200 triệu USD, khiến cuộc chở hàng cho ISS bị hủy ngay sau khi phóng.

Lẽ ra đây là chuyến chở hàng thứ ba, trong 8 đợt tiếp tế hàng hóa nằm trong hợp đồng trị giá 1,9 tỉ USD mà Orbital ký với NASA. Chuyến đưa hàng kế tiếp lên ISS sẽ là vào tháng 4.2015.

Không ai bị thương, nhưng vụ nổ gây chấn động trong ngành không gian, buộc Orbital phải mở cuộc họp trực tuyến với các nhà đầu tư, sau khi cổ phiếu của công ty bị mất giá hơn 15%.

Một cuộc điều tra kỹ của NASA sẽ có trong vài ngày tới. Nhưng vụ nổ đầu tiên từ khi hoạt động thám hiểm vũ trụ của NASA do các công ty không gian tư nhân đảm nhiệm này, chắc chắn sẽ buộc NASA “soi” kỹ những hợp đồng phụ tiếp tế hàng hóa cho ISS giao cho các công ty ấy.

Dù NASA bắt đầu sử dụng các công ty tư nhân như Orbital để chuyển hàng lên ISS, vụ nổ cho thấy các công ty này vẫn lệ thuộc động cơ Nga.

NASA kết thúc chương trình tàu con thoi hồi năm 2011, khiến Mỹ phải dựa cậy vào động cơ và hệ thống tên lửa của Nga trong việc đưa nhà du hành vũ trụ và hàng hóa lên ISS.

Nhưng căng thẳng chính trị Nga-Mỹ (từ việc Mỹ trừng phạt Nga về vụ khủng hoảng Ukraine) đã gây phức tạp cho quan hệ hợp tác không gian hai nước.

Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, người phụ trách mảng quốc phòng và không gian, đã cấm xuất động cơ Nga để phóng vệ tinh quân sự Mỹ vào quỹ đạo, và đe dọa kết thúc hợp tác với Mỹ trên ISS từ năm 2020.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại