Những vũ khí Liên Xô tham gia bảo vệ biên giới Việt Nam

Đa Phúc |

Cuối thập niên 1970 và trong suốt thập niên 1980, Việt Nam phải gồng mình bảo vệ biên giới ở cả hai đầu tổ quốc.

Ở hoàn cảnh khó khăn này, Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam trên nhiều phương diện, trong đó không thể không kể tới sự viện trợ vũ khí rất đáng kể cho cả ba lực lượng hải - lục - không quân.

Dưới đây là hình ảnh các loại vũ khí mà Liên Xô viện trợ cho Việt Nam từ năm 1979:

Xe tăng chủ lực T-55 là biến thể cải tiến của xe tăng T-54 được sản xuất ở Liên Xô từ 1958 - 1963. Xe có trọng lượng 36 tấn, kíp lái 4 người, trang bị pháo chính D-10T cỡ 100 mm, đại liên phòng không DShK 12,7 mm và đại liên đồng trục PKT 7,62 mm.

So với T-54, những thay đổi quan trọng nhất của T-55 là xe có khả năng chống vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học (NBC), cơ số đạn pháo được tăng từ 34 lên 43 viên và đại liên cho lái xe được loại bỏ.

Xe tăng chủ lực T-62 được sản xuất ở Liên Xô từ 1961-1975. Xe có trọng lượng 37 tấn, kíp lái 4 người, trang bị pháo chính U-5TS cỡ 115 mm với cơ số đạn 40 viên, đại liên phòng không DShK 12,7 mm và đại liên đồng trục PKT 7,62 mm.

Mặc dù ra đời sau nhưng T-62 không thực sự có nhiều điểm vượt trội so với dòng T-54/55, thay đổi đáng kể nhất ở các phiên bản về sau là pháo nòng trơn 115 mm có uy lực lớn hơn và khả năng bắn tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) qua nòng.

Xe chiến đấu bộ binh BMP-1 được thiết kế từ 1961-1965 và sản xuất ở Liên Xô từ 1966 - 1982. Xe có khả năng lội nước với trọng lượng 13,2 tấn, kíp lái 3 người và có thể chở theo một tiểu đội bộ binh.

Hỏa lực của BMP-1 bao gồm pháo bán tự động 2A28 cỡ 73 mm với cơ số đạn 40 viên, bệ phóng tên lửa chống tăng có điều khiển 9M14 Malyutka với cơ số đạn 4 quả và đại liên đồng trục PKT 7,62 mm.

Trong năm 1979, Liên Xô đã viện trợ 3 đợt với 111 xe BMP-1 trang bị cho sư đoàn bộ binh cơ giới đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong các năm tiếp theo hàng trăm xe khác tiếp tục được chuyển giao để xây dựng các đơn vị bộ binh cơ giới khác. Trong ảnh là hai xe chiến đấu BMP-1 tham gia duyệt binh trên quảng trường Ba Đình.

Xe chiến đấu bộ binh BMP-2 là thế hệ thứ hai được phát triển trên cơ sở BMP-1 và đưa vào sử dụng từ cuối thập niên 1970. Tương tự BMP-1, BMP-2 có khả năng lội nước với trọng lượng 14,3 tấn, kíp lái 3 người và có thể chở theo một tiểu đội bộ binh.

Hỏa lực trên xe gồm pháo tự động 2A42 cỡ 30 mm với cơ số đạn 500 viên, bệ phóng tên lửa chống tăng có điều khiển 9K111 Fagot (phiên bản dành cho nước ngoài) và đại liên đồng trục PKT 7,62 mm. Việt Nam được viện trợ một số BMP-2 trong thập niên 1980, trang bị cho các đơn vị bộ binh cơ giới.

Xe bọc thép trinh sát BRDM-2 do Liên Xô thiết kế và sản xuất hàng loạt từ 1962 - 1989. Xe được bọc thép từ 2 - 14 mm, nặng 7,7 tấn, có khả năng lội nước, biên chế kíp lái 4 người, trang bị vũ khí gồm đại liên KPVT 14,5 mm và PKT 7,62 mm.

Khi sang Việt Nam, BRDM-2 được trang bị cho các đơn vị cảnh vệ hoặc trinh sát của bộ binh cơ giới, pháo binh, phòng hóa…

Xe bọc thép chở quân BTR-152 được thiết kế từ 1946 - 1949 và sản xuất ở Liên Xô từ 1950 - 1962 dựa trên khung gầm xe tải ZiS-151 được bọc thép từ 4 - 15 mm. Xe có trọng lượng 9,91 tấn, trang bị đại liên DShK 12,7 mm hoặc SGMB 7,62 mm, kíp lái 2 người và có thể chở theo 2 tiểu đội bộ binh.

Việt Nam được Liên Xô viện trợ số lượng lớn BTR-152 với đợt đầu gồm 100 xe biên chế cho Sư đoàn 308 Quân đoàn 1 đầu năm 1979.

Một số được Việt Nam nghiên cứu cải tiến thêm như gắn đại liên phòng không KPV 14,5 mm, thay động cơ và hộp số mới, lắp thêm tấm giáp, đèn và kính quan sát để thuận tiện chiến đấu trên nhiều địa hình…

Pháo chống tăng tự hành SU-85 sản xuất từ 1943 và được Hồng quân Liên Xô sử dụng rộng rãi trong Chiến tranh Vệ quốc. SU-85 thiết kế dựa trên khung gầm cơ sở xe tăng T-34, trọng lượng chiến đấu 29,6 tấn, kíp lái 4 người và trang bị pháo chính D-5T cỡ 85 mm với cơ số đạn 48 viên. Ảnh minh họa.

Pháo chống tăng tự hành SU-100 được sản xuất từ cuối 1944 để thay thế cho vai trò của SU-85. SU-100 cũng dựa trên khung gầm cơ sở của xe tăng T-34, trọng lượng chiến đấu 31,6 tấn, kíp lái 4 người và trang bị pháo chính D-10S cỡ 100 mm với cơ số đạn 60 viên.

Năm 1979, một số lượng lớn SU-85 và SU-100 được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam.

Lựu pháo D30 122 mm được đưa vào biên chế quân đội Liên Xô từ năm 1963, thay thế cho lựu pháo M30 122 mm trong các đơn vị pháo binh cấp sư và quân đoàn. D30 có trọng lượng chiến đấu 3,2 tấn, tầm bắn hiệu quả 15,4 km, tốc độ bắn 5 - 6 phát/phút.

Điểm nổi bật của D30 là nhờ thiết kế đặt trên 3 càng nên có thể nhanh chóng thay đổi hướng bắn 360 độ. Vào thập niên 1980, Việt Nam tiếp nhận một số pháo D30 trang bị cho nhiều đơn vị pháo binh, bộ binh cơ giới và đã sử dụng trong nhiều trận chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc.

Pháo nòng dài D20 152 mm được đưa vào biên chế quân đội Liên Xô từ đầu thập niên 1950. Pháo có trọng lượng chiến đấu, tầm bắn hiệu quả 17,4 km, tốc độ bắn 5 - 6 phát/phút. Khi sang Việt Nam D20 chủ yếu được trang bị cho các đơn vị pháo binh chiến dịch.

Lựu pháo tự hành 2S1 Gvozdika 122 mm là phiên bản cơ giới hóa của pháo lựu D30 122 mm đặt trên khung xe cơ sở MT-LB, được đưa vào biên chế quân đội Liên Xô đầu thập niên 1970. 2S1 có trọng lượng chiến đấu 16 tấn và kíp xe 4 người, cơ số đạn khoảng 30 - 40 viên.

Trong thập niên 1980, một số 2S1 được chuyển giao cho Việt Nam, biên chế cho các đơn vị pháo binh thuộc bộ binh cơ giới và mang định danh “SU-122”.

Lựu pháo tự hành 2S3 Akatsiya 152 mm là phiên bản cơ giới hóa của pháo D20 152 mm đặt trên khung xe cơ sở GM-123/124, được đưa vào biên chế quân đội Liên Xô đầu thập niên 1970.

2S3 có trọng lượng chiến đấu 28 tấn và kíp xe 4 người, cơ số đạn tối đa 46 viên và còn được trang bị đại liên PKT 7,62 mm.

Cuối thập niên 1980, một số 2S3 được chuyển giao cho Việt Nam, biên chế cho một vài đơn vị pháo binh cơ giới và mang định danh “SU-152”.

Pháo phản lực bắn loạt BM-13 Katyusha được sản xuất từ năm 1939 và là một trong những biểu tượng của Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến chống phát xít Đức. BM-13 được trang bị dàn phóng đặt trên khung xe tải có khả năng mang 16 đạn phản lực cỡ 132 mm với tầm bắn 8 - 12 km.

Sau 1979, Việt Nam được viện trợ nhiều hệ thống BM-13, trang bị cho một số đơn vị pháo binh hoặc sư đoàn bộ binh tuyến 1 và đã sử dụng trong nhiều trận chiến đấu trên chiến trường K hoặc biên giới phía bắc. Ảnh minh họa

Pháo phản lực bắn loạt BM-21 Grad được sản xuất và đưa vào biên chế quân đội Liên Xô từ năm 1963. BM-21 được trang bị dàn phóng 40 ống cỡ 122 mm đặt trên khung xe Ural-4320 6x6 với tầm bắn 15 - 20 km tùy loại đạn.

Từ sau năm 1979, BM-21 được Liên Xô viện trợ với số lượng lớn cho Việt Nam, trang bị cho các đơn vị pháo binh cấp quân khu, quân đoàn hoặc trực thuộc Bộ Tư lệnh Pháo binh với định danh “H78”.

Hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển 9K11 Malyutka cải tiến sử dụng đạn 9M14P Malyutka-P điều khiển bằng dây dẫn với đầu đạn 2,6 kg và tầm bắn hiệu quả 500 - 3.000 m, xuyên được 200 mm thép nghiêng 60 độ.

Điểm vượt trội của phiên bản cải tiến này so với phiên bản đời đầu từng được Quân đội nhân dân Việt Nam sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ là khả năng chỉ huy bám mục tiêu bán tự động (SACLOS) thay vì thủ công (MCLOS).

Hệ thống Malyutka cải tiến được trang bị cho Việt Nam năm 1987 và được mang định danh “B87”.

Hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển 9K111 Fagot được phát triển từ năm 1962 và đưa vào biên chế quân đội Liên Xô năm 1970. Hệ thống Fagot có tầm bắn hiệu quả 70 - 2.000 m.

Tên lửa được điều khiển bằng dây dẫn và chỉ huy bám bắt mục tiêu bán tự động (SACLOS) và có khả năng xuyên 400 mm thép đồng nhất (RHA) hoặc 200 mm thép nghiêng 60 độ.

Hệ thống Fagot được trang bị cho Việt Nam năm 1989 (gồm cả bản mang vác và gắn trên xe chiến đấu bộ binh BMP-2) và được mang định danh “B89”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại