Những thương vụ mua sắm quốc phòng nổi bật năm 2014

Quốc Việt |

Hàn Quốc chi 7 tỷ USD mua F-35, Brazil mua số lượng lớn tiêm kích JAS-39 Gripen, Ba Lan mua tên lửa khủng từ Mỹ là 3 trong số những hợp đồng quân sự đáng chú ý nhất năm 2014.

Hàn Quốc tậu 40 chiến đấu cơ F-35

Hàn Quốc đã trở thành khách hàng thứ 10 của chương trình tiêm kích tàng hình F-35
Hàn Quốc đã trở thành khách hàng thứ 10 của chương trình tiêm kích tàng hình F-35

Ngày 24/9, hãng tin Reuters đưa tin, Mỹ và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận mua bán 40 tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo. Giá trị hợp đồng lên đến 7 tỷ USD, dự kiến công tác giao hàng sẽ bắt đầu từ năm 2018.

Với hợp đồng khủng này, Hàn Quốc đã trở thành khách hàng thứ 10 của chương trình tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35.

Ba Lan mua tên lửa khủng từ Mỹ

Ba Lan là quốc gia thứ 4 sở hữu đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM
Ba Lan là quốc gia thứ 4 sở hữu đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM

Ngày 6/10, Jane’s Defence Weekly đưa tin, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt bán 40 đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM cho Ba Lan. Hợp đồng này còn bao gồm chương trình nâng cấp các tiêm kích F-16 C/D block 52 để sử dụng loại vũ khí trên.

AGM-158 JASSM là một loại đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm cực kỳ nguy hiểm. Tầm bắn của nó lên đến 370 km, nằm ngoài tầm với của hầu hết các hệ thống phòng không hiện đại nhất.

JASSM có hệ thống dẫn đường thông minh cùng cảm biến pha cuối tiên tiến, cho phép đánh trúng những mục tiêu được ngụy trang kỹ càng nhất.

Việc Mỹ bán tên lửa AGM-158 JASSM cho Ba Lan được xem là một phần trong kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa ở quốc gia Đông Âu này nhằm đối phó với Nga.

Brazil mua 108 chiếc JAS-39 Gripen

Tiêm kích JAS-39 Gripen đã giành thắng lợi lớn tại thị trường Nam Mỹ

Tiêm kích JAS-39 Gripen đã giành thắng lợi lớn tại thị trường Nam Mỹ

Tháng 11/2014, Defenseindustrydaily đưa tin, Brazil đã quyết định chọn tiêm kích JAS-39 Gripen do tập đoàn SAAB, Thụy Điển sản xuất cho chương trình FX-2 của nước này. Theo đó, Brazil sẽ mua tới 108 chiếc chia thành 3 đợt, mỗi đợt 36 chiếc.

Theo thỏa thuận giữa đôi bên, Brazil sẽ được phép tham gia vào quá trình sản xuất JAS-39 theo thứ tự tăng dần qua từng đợt. Trong đợt 36 chiếc đầu tiên, 15 chiếc sẽ lắp ráp tại Brazil.

Bên cạnh hợp tác sản xuất máy bay theo giấy phép từ Thụy Điển, hai bên còn hợp tác phát triển tên lửa tầm ngắn sử dụng trên JAS-39.

Nhật Bản mua UAV trinh sát khủng đối phó Trung Quốc

Sở hữu RQ-4 sẽ cho phép Nhật Bản theo dõi nhất cử, nhất động của Trung Quốc
Sở hữu RQ-4 sẽ cho phép Nhật Bản theo dõi nhất cử, nhất động của Trung Quốc

Nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như tăng cường khả năng giám sát, trinh sát vùng lãnh hải rộng lớn, chính quyền Tokyo đã quyết định chi 974 triệu USD để mua UAV trinh sát khủng nhất thế giới RQ-4 Global Hawk từ Mỹ.

Ngày 5/6, Kyodo đưa tin, nội các Nhật Bản đã quyết định thông qua kế hoạch mua sắm 3 chiếc UAV trinh sát toàn cầu RQ-4 Global Hawk. Hợp đồng chính thức có thể được ký kết trong năm 2015.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã ký biên bản ghi nhớ đảm bảo khả năng họ sẽ mua được UAV trinh sát và thiết bị điều khiển liên quan trong thời gian sớm nhất.

Iraq cấp tập mua vũ khí chống IS

Trong năm 2014, quân đội Iraq đã cấp tập mua vũ khí nhằm chống lại sự bành trướng của IS

Trước sự trỗi dậy không ngừng của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, quân đội Iraq đã đẩy mạnh việc mua sắm vũ khí nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu.

Tháng 5/2014, Jane’s Defence Weekly đưa tin, Bộ Quốc phòng Cộng hòa Czech đã đồng ý bán 15 máy bay huấn luyện kiêm chiến đấu hạng nhẹ L-159 ALCA cho quân đội Iraq.

Trong năm 2014, Iraq đã tiếp nhận hàng loạt vũ khí khủng chuyển giao từ Nga như trực thăng tấn công Mi-35, Mi-28N, pháo phản lực bắn loạt TOS-1A cùng nhiều loại vũ khí bộ binh khác.

Tuy nhiên, số vũ khí khủng này vẫn chưa giúp quân đội Iraq chiếm được ưu thế trong cuộc chiến chống lại sự bành trướng của IS.

Mỹ mua thêm 16 sát thủ săn ngầm P-8A Poseidon

Hải quân Mỹ tiếp tục tăng cường sức mạnh tuần tra hàng hải chống ngầm với hợp đồng mua thêm 16 chiếc P-8A
Hải quân Mỹ tiếp tục tăng cường sức mạnh tuần tra hàng hải chống ngầm với hợp đồng mua thêm 16 chiếc P-8A

Trong tháng 2/2014, Defence News đưa tin, Hải quân Mỹ đã ký hợp đồng cùng hãng Boeing mua thêm 16 máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-8A Poseidon với tổng giá trị lên tới 2,4 tỷ USD.

P-8A là loại máy bay hiện đại, nó có thể thực hiện một loạt các nhiệm vụ khác nhau từ tuần tra hàng hải, trinh sát, thu thập thông tin tình báo, săn và diệt tàu ngầm.

P-8A có thể mang theo vũ khí chống ngầm thông qua các điểm treo dưới cánh hoặc khoang trong thân máy bay. Ngoài nhiệm vụ chống ngầm, P-8A còn có khả năng chống tàu mặt nước với tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon.

Số máy bay P-8A mới sẽ thay thế dần cho phi đội tuần tra hàng hải chống ngầm P-3C Orion già nua.

Hàn Quốc mua bom chùm chống tăng CBU-105D

Hàn Quốc đã quyết định tậu bom chùm chống tăng từ Mỹ để đối phó với lực lượng tăng thiết giáp đông đảo của Triều Tiên
Hàn Quốc đã quyết định tậu bom chùm chống tăng từ Mỹ để đối phó với lực lượng tăng thiết giáp đông đảo của Triều Tiên

Ngày 29/5, Defense Industry Daily đưa tin, Cơ quan hợp tác an ninh-quốc phòng Mỹ đã cho phê duyệt hợp đồng bán 367 bom chùm chống tăng CBU-105D cho Hàn Quốc. Hợp đồng có giá trị khoảng 325 triệu USD.

CBU-105D là loại bom dẫn hướng bằng GPS, mỗi bom mẹ chứa 10 bom con BLU-108. Bom con BLU-108 sử dụng đầu tự dẫn hồng ngoại hoặc laser.

Bom CBU-105D là vũ khí cực kỳ nguy hiểm trong việc chống lại các mục tiêu tăng-thiết giáp của đối phương. Hàn Quốc dự định sử dụng loại bom chùm thông minh này để đối phó với lực lượng tăng thiết giáp đông đảo của Triều Tiên.

Indonesia tậu 16 trực thăng săn ngầm

Indonesia đang tích cực kết hợp mua sắm và tham gia vào quá trình sản xuất các loại vũ khí hiện đại
Indonesia đang tích cực kết hợp mua sắm và tham gia vào quá trình sản xuất các loại vũ khí hiện đại

Nhằm tăng cường sức mạnh phòng thủ và tấn công trên biển, Hải quân Indonesia đã lên kế hoạch tậu 16 trực thăng săn ngầm AS-565 Panther từ Airbus Helicopter của châu Âu.

"Hợp đồng trên đang bước vào giai đoạn thỏa thuận cuối cùng. Tuy nhiên, chúng tôi không thể đưa ra thời điểm cụ thể khi nào các máy bay trực thăng mới sẽ bắt đầu được cung cấp", Đô đốc Hải quân Indonesia Untong Suropati cho biết.

AS-565 Panther là dòng trực thăng đa năng có thiết kế hiện đại. Nó có thể tùy chọn nhiều cấu hình khác nhau theo yêu cầu nhiệm vụ.

Theo thỏa thuận sơ bộ, Indonesia sẽ tham gia vào quá trình chế tạo trực thăng AS-565, chi tiết của thỏa thuận sẽ được công bố trong hợp đồng chính thức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại