Trang English Russia cho hay, trong những năm 50 của thế kỷ XX, ý tưởng chế tạo máy bay ném bom chiến lược hoạt động bằng năng lượng hạt nhân được các tướng lĩnh Liên Xô đánh giá là cần thiết.
Tại thời điểm đó, Liên Xô đã hoàn tất chế tạo tàu phá băng nguyên tử đầu tiên, với lò phản ứng hạt nhân độc lập trên tàu. Vì vậy, ý tưởng về một loại máy bay hoạt động bằng năng lượng hạt nhân có vẻ khá thực tế.
Lúc bấy giờ, Mỹ có gần 1.000 máy bay ném bom chiến lược tầm xa có khả năng oanh tạc Liên Xô.
Do lo ngại không có những máy bay ném bom tầm xa như vậy, các quan chức quân đội Liên Xô quyết định chế tạo một loại máy bay ném bom chiến lược mới.
Tuy nhiên, nó sẽ không sử dụng động cơ đẩy thông thường mà dùng năng lượng hạt nhân, bởi theo tính toán của Liên Xô, máy bay ném bom chiến lược với tốc độ siêu âm, kích thước và khả năng mang bom lớn như vậy cần đến trên 10.000 tấn nhiên liệu chỉ cho 1 chuyến bay.
Trong khi đó, chỉ riêng việc có thể mang được lượng lớn nhiên liệu như vậy đã là một vấn đề.
M-50
Dự án phát triển máy bay hoạt động bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên có mật danh là M-50.
Động cơ hạt nhân ban đầu được đặt ở phía trước máy bay, nhưng sau đó được dời về phía sau.
Đây là một trong những thiết kế hoàn chỉnh của M-50. Nó hiện nay được gọi là M-52, M-56K hay M-60, tùy theo từng mẫu khác nhau, do trong khoảng thời gian đó có nhiều nhóm kĩ sư cùng đồng thời thiết kế.
Động cơ hạt nhân trên máy bay sử dụng kim loại nóng chảy để truyền nhiệt từ lò phản ứng hạt nhân đến phần động cơ đẩy. Kim loại ở đây có thể là lithium hoặc sodium.
Động cơ này cũng có thể hoạt động với nhiên liệu thông thường của máy bay - giống như 1 chiếc xe hơi hybrid có thể chạy bằng điện hoặc xăng.
Những chiếc máy bay như M-50 còn mang theo một máy bay nhỏ hơn (mà hiện nay chúng ta gọi là máy bay không người lái) ở trong thân.
Ý tưởng về máy bay không người lái ra đời để giúp ném bom chính xác hơn mà không cần máy bay mẹ phải hạ độ cao trong khi đang bay siêu âm.
Điều đáng buồn là mẫu máy bay hạt nhân này đã không được hoàn thiện.
Kỹ sư chính chịu trách nhiệm giám sát đã được chuyển sang một nhiệm vụ quan trọng hơn vào lúc đó là chế tạo tên lửa đạn đạo - loại vũ khí có thể bay đến các quốc gia ở xa mà không cần sử dụng phương pháp ném bom bằng máy bay không người lái hay lithium nóng chảy. Do vậy dự án đã bị hủy bỏ.
Tuy nhiên, vẫn có một máy bay hạt nhân khác được chế tạo.
Tu-95LAL
Đây là bức ảnh về loại máy bay hạt nhân tối mật của Liên Xô.
Mẫu máy bay mới được thiết kế bởi Tupolev. Hãng này đảm nhận nhiệm vụ đơn giản hơn, đó là chế tạo một máy bay cánh quạt thông thường nhưng sử dụng năng lượng hạt nhân.
Đầu tiên vào năm 1956, họ xây dựng một "phòng thí nghiệm hạt nhân bay" dựa trên loại máy bay Tu-95. Sau đó chiếc Tu hạt nhân được chuyển sang giai đoạn chế tạo thực tế.
Một mẫu động cơ hạt nhân của phòng thí nghiệm Tu.
Một mẫu động cơ khác cũng được Tu phát triển.
Khu vực thử nghiệm dưới lòng đất cho động cơ.
Đây là sơ đồ bố trí lò phản ứng, động cơ và các cảm biến bên trong máy bay. Mẫu máy bay này đặt tên là Tu-95LAL. Phía sau buồng lái có 1 lớp vỏ ngăn phóng xạ rất dày. Tuy nhiên, các phần vỏ xung quanh khác lại không dày như vậy và phóng xạ có thể thoát ra từ các lớp này.
Cận cảnh chiếc máy bay, đây từng là một dự án tối mật của Liên Xô.
Đây là cách mà người ta lắp đặt/tháo bỏ lò phản ứng vào/ra khỏi máy bay.
Liên Xô chỉ mất một năm để chiếc máy bay này cất cánh, đó là năm 1961. Chiếc máy bay đã thực hiện 34 chuyến bay.
Tuy nhiên, do loại máy bay này có thể làm ô nhiễm phóng xạ lên một vùng rộng lớn nên dự án bị hủy bỏ.
Chiếc máy bay bị bỏ không ở bãi thử nghiệm hạt nhân trong suốt 15 năm và sau đó bị phá hủy bằng lệnh đặc biệt từ các lãnh đạo Liên Xô.
Tuy nhiên, đây không phải là kết thúc của máy bay hạt nhân trong lịch sử của Liên Xô. Vẫn còn một mẫu máy bay hạt nhân thứ 3, đó là chiếc An-22 01-07.
An-22 01-07
Sau khi 2 dự án đầu bị loại bỏ, phần lớn các kiến thức và công nghệ từng phát triển được áp dụng để chế tạo tàu ngầm hạt nhân.
Sau đó, với những thành công của ý tưởng lò phản ứng hạt nhân thu nhỏ, đến cuối những năm 70 của thế kỷ XX, Liên Xô đã có thể chế tạo chiếc máy bay hạt nhân thành công nhất của họ cho đến nay.
Loại máy bay này không thải ra môi trường bất kỳ khí thải độc hại nào ngoại trừ dòng khí nóng.
Đây là bản vẽ của động cơ trên máy bay
Các kỹ sư Liên Xô cho biết, động cơ của máy bay không khí thải độc hại và cho tầm bay không hạn chế.
Vấn đề duy nhất là khi động cơ của máy bay bị hỏng hóc hoặc phá hủy.
Trong trường hợp máy bay bị bắn hạ hoặc rơi vì lý do kĩ thuật, nó có thể làm lan truyền chất phóng xạ ra môi trường.
Các kỹ sư sau đó đã tiến hành nghiên cứu cách bảo vệ động cơ nhưng rồi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Liên Xô tan rã và người ta đã không thể thấy được một loại máy bay giá rẻ, thân thiện với môi trường, cũng như có tầm bay không hạn chế.