Nhật muốn có tàu Mistral, Trung Quốc lo sốt vó

Anh Tú |

Tàu Mistral có thể không đến Nga và cũng không đến nước nào trong NATO. Thay vào đó, nó có thể đến châu Á với Nhật Bản.

Đó là thông tin được trang Yale Global tiết lộ và họ cho biết Trung Quốc rất sợ điều này xảy ra.

Tương lai của tàu Mistral đang là dấu hỏi lớn cho Pháp, Nga và NATO. Trong thời gian qua, Pháp liên tục trì hoãn việc giao tàu Mistral cho Nga.

Một mặt Pháp nói chưa biết khi nào giao tàu cho Nga, nhưng mặt khác lại không chịu mang tiền nộp phạt vì vi phạm hợp đồng với Nga.

Số tiền bị phạt lên đến 3 tỷ USD và nó vượt quá khả năng chịu đựng của công chúng Pháp.

Thời gian câu giờ được Pháp tận dụng cho 2 việc: Thượng sách là chờ tình hình Ukraine êm đẹp thì giao tàu cho Nga và không bị mất mát gì.

Hạ sách là tìm nguồn xuất khẩu tàu Mistral để gỡ gạc tiền đóng phạt, tuy chịu thiệt khá lớn nhưng không bị đồng minh phàn nàn.

Nhưng NATO nói thẳng rằng họ không cần, không muốn và không thể mua tàu của Pháp.

Không cần là vì NATO không có lực lượng quân đội chung mà do các nước đóng góp, không muốn là vì tàu Mistral đóng theo chuẩn Nga nên NATO rất tốn kém nếu cải tạo lại.

Quan trọng nhất là không thể vì giá 2 tàu Mistral, khoảng 1,5 tỷ USD bằng nguyên cả năm ngân sách hoạt động của NATO.

Theo Yale Global, Mỹ đã gợi ý cho một vụ giao dịch mua tàu Mistral giữa Pháp và Nhật.

Khác với NATO, Nhật có ngân sách quốc phòng khá dày. Việc thủ tướng Shinzo Abe tái đắc cử và cam kết tăng chi tiêu cho quốc phòng.

Việc mua tàu Mistral phù hợp với triết lý quân sự của Nhật hiện nay. Các tàu Mistral có khả năng chở hàng chục xe đổ bộ bọc thép, máy bay trực thăng quân sự và cả nghìn quân.

Nếu Nhật dùng tàu này cho việc giải quyết với các đảo tranh chấp cùng Trung Quốc thì rất tiện cho quân đội của chính quyền ông Abe.

Hiện Nhật cũng có một số tàu khu trục chở trực thăng và các tàu đổ bộ nhưng họ chưa có tàu đa năng như vậy, đặc biệt là những tàu có trọng tải lớn như tàu Mistral.

Yale Global dự đoán điều này sẽ khiến Trung Quốc rất lo lắng chứ không phải Nga.

Tuy Nga có tranh chấp với Nhật một số đảo ở phía Nam Kuril nhưng quan hệ hai nước vẫn không gay gắt.

Ít ra khi Thủ tướng Shinzo Abe gặp Tổng thống Nga, Vladimir Putin thì họ vẫn tay bắt mặt mừng với nhau chứ không lạnh hơn băng như khi ông Abe gặp chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình.

Người đáng lo nhất là Trung Quốc vì Bắc Kinh rất muốn lấy lại đảo Senkaku do Nhật kiểm soát, thậm chí bằng vũ lực.

Thời gian qua, Trung Quốc rất chịu khó đóng tàu đổ bộ và tập trận đổ bộ. Nhưng nếu Nhật sở hữu tàu Mistral thì tham vọng đó coi như tiêu tan.

Trước đó, Yale Global cho biết Mỹ đang gắng giúp Pháp bán tàu Mistral và đã đánh tiếng với Canada. Canada có lãnh thổ rộng lớn (chỉ sau Nga) và đường bờ biển cực dài, lãnh hải của họ cũng rất lớn.

Tuy nhiên, do Canada tách biệt ở Bắc Mỹ và chỉ chung biên giới với “người hàng xóm đáng tin cậy” là Mỹ nên trước nay họ không có nhu cầu duy trì một hạm đội mạnh.

Còn giờ tình hình đã khác. Canada gần đây cảm thấy vùng ảnh hưởng của họ ở Bắc Cực đang bị đe dọa bởi Nga.

Những tháng gần đây, Nga chịu áp lực thù địch của phương Tây đã khởi động lại một loạt chương trình quân sự và đặt trọng tâm bảo vệ lợi ích tại Bắc Cực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại