Người Nga nói về kịch bản Chiến tranh thế giới III

Lê Hùng |

Chuyên gia Nga lên tiếng về bài báo trên tạp chí Mỹ National Interest về nguy cơ và những điểm nóng có thể dẫn đến Thế chiến thứ 3.

Ngày 21/11/2015 , tạp chí Mỹ National Interest đã cho đăng nhận định của các chuyên gia phân tích quân sự Mỹ cho rằng trên thế giới hiện đại có ít nhất là 5 điểm nóng xung đột có thể dẫn tới Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba.

Theo các chuyên gia nói trên, “Danh sách đen” đó cụ thể như sau:

1. Xung đột Syria. IS lớn mạnh làm phần lớn các quốc gia hàng đầu trên thế giới lo ngại, kể cả Pháp, Nga và Mỹ.

Nhưng dù có hình thành một liên minh kết nối các nước này thì giữa các quốc gia đồng minh (nói trên) cũng có thể xảy ra đối đầu vì những quan điểm khác nhau về tương lai Syria.

Tiếp theo đó, các hoạt động quân sự cường độ lớn giữa các thế lực bên ngoài có thể kéo thêm Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và A rập Xê-út vào cuộc xung đột và sau đó có thể lan ra các khu vực khác trên thế giới.

2. Mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Pakistan, mặc dù các mâu thuẫn này đã tồn tại rất nhiều năm, nhưng có thể trở nên “nóng” vào bất cứ thời điểm nào.

Nếu như các nhóm cực đoan được Pakistan hậu thuẫn tiến hành các hoạt động khủng bố trên lãnh thổ Ấn Độ, thì sự “chịu đựng” của Ấn Đô sẽ kết thúc.

Và nếu như Pakstan bị thất bại nặng, việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ trở thành cứu cánh duy nhất của nước này.

Tiếp theo là nước Mỹ, thời gian gần đây đang có quan hệ ngày càng ấm hơn với Ấn Đô cũng có thể tham gia vào cuộc xung đột, và cả Trung Quốc, - nếu nước này quyết định là cần phải bảo vệ Pakistan.

3. Tình hình ở Biển Đông Trung Hoa, nơi mà trong hai năm trở lại đây Trung Quốc và Nhật Bản đang có những động thái nguy hiểm xung quanh các đảo Sensaku.

Cả hai nước đều đều tuyên bố chủ quyền với các hòn đảo và nước nào cũng triển khai lực lượng vũ trang ở khu vực gần các đảo.

Nếu như xung đột Trung Quốc – Nhật Bản bùng nổ, Mỹ, nước gắn kết với Nhật Bản bằng hiệp ước bảo vệ lẫn nhau sẽ phải can thiệp, còn Trung Quốc sẽ tìm cách ra tay trước bằng cách tấn công các mục tiêu quân sự Mỹ trong khu vực.

4 .Tình hình ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) – hiện đang có sự đối đầu nguy hiểm giữa Mỹ và các đơn vị Hải quân và Không quân Trung Quốc.

Nếu một trong các bên mất kiểm soát có thể dẫn tới những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Chiến tranh Mỹ- Trung Quốc sẽ là một thảm họa, Nhật Bản và Ấn Độ có thể sẽ tham gia vào cuộc chiến tranh này.

5. Sự phát triển các sự kiện ở Ucraine – nhưng ở đây sẽ phụ thuộc vào việc NATO có sẵn sàng can thiệp vào tình hình hay không.

Nếu như Nga cho rằng sự can thiệp của NATO là tất yếu , nước này sẽ áp dụng các biệp pháp đi trước một bước NATO.

Và bất cứ một cuộc tấn công hoặc là mối đe dọa tấn công nào vào một trong các nước NATO sẽ có thể là lý do để NATO bắt đầu triển khai các chiến dịch quân sự.

Ảnh: Valeri Sharifulin/ТАSS
Ảnh: Valeri Sharifulin/ТАSS

Để làm rõ hơn những nhận định này, Ngày 23/11, tờ “ Svodnaia Pressa”( SP- Nga) đã phỏng vấn chuyên gia hàng đầu của Trung tâm phân tích quân sự chính trị MGIMO (Trường đại học qua hệ quốc tế Matxcova) Mikhail Aleksandrov về những nhận định trên của các chuyên gia Mỹ.

Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo về cách nhìn của ông.

Ông Mikhail Aleksandrov: Các điểm nóng gây xung đột trên thế giới đã tồn tại trong toàn bộ lịch sử loài người và bao giờ thì một vài điểm nóng nào đó cũng có thể dẫn đến các cuộc chiến tranh thế giới.

Ở đây tất cả phụ thuộc vào việc các nước đánh giá so sánh lực lượng chính xác đến mức độ nào.

Nói cách khác, chiến tranh thế giới thường xảy ra, khi một (vài) nước nào đó trong các bên đã nhầm lẫn cho rằng mình mạnh hơn và có thể giành chiến thắng.

Lấy ví dụ, trong thời kỳ chiến tranh lạnh đã tồn tại rất nhiều điểm nóng xung đột, nhưng xác xuất biến thành một cuộc chiến tranh thế giới là rất thấp.

Mỹ và Liên Xô đã đánh giá tương quan lực lượng một cách tương đối thực tế, phân tích bối cảnh thế giới một cách bài bản và đó chính là là lý do tại sao các cuộc khủng hoảng- kể cả cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất là khủng hoảng Vịnh Caribe năm 1962 tại Cu Ba – đã không dẫn đến Chiến tranh thế giới lần thứ ba.

Và vào thời gian đó còn có các cuộc khủng hoảng khác như chiến tranh ở Triều Tiên và Việt Nam, Liên Xô đưa quân vào Afganistan, chiến tranh ở Angola, Mozambich, Nicaragoa. Nhưng tất cả các cuộc chiến tranh đó đều chỉ dừng lại ở quy mô chiến tranh cục bộ.

Và hiện nay, vấn đề không phải ở chỗ là có tồn tại các điểm nóng hay không, mà là ở chỗ các chính khách Phương Tây đánh giá cán cân lực lượng chính xác đến mức độ nào. Theo quan điểm của tôi, họ đánh giá tình hình không được sáng suốt lắm.

 SP: - Tại sao ông lại có nhận xét như vậy?

Ông Mikhail Aleksandrov - Các chính khách Phương Tây vẫn còn đang trong tâm trạng hân hoan từ một chiến thắng tự phong trong cuộc Chiến tranh lạnh.

Họ hiểu không đúng tình huống khi Liên Xô từ bỏ chủ nghĩa cộng sản và chuyển sang nền kinh tế thị trường và xã hội dân chủ.

Không hiểu tại sao họ hành xử như thể Liên Xô đã thất bại trong một cuộc chiến tranh “nóng”, và bây giờ nước Nga, với tư cách là chủ thể thừa kế hợp pháp của Liên Xô, cần phải chơi theo các quy tắc do Phương Tây đặt ra.

Cho đến bây giờ họ vẫn cho rằng Phương Tây rất mạnh, có thể áp đặt ý chí của mình trên khắp thế giới.

Chính những tính toán quân sự- chính trị nhầm lẫn đó đã tạo ra nguy cơ là bất kỳ một cuộc xung đột nào cũng có thể dẫn tới Chiến tranh thế giới thứ ba.

SP: - Năm kịch bản mà National Interest mô tả hiện thực đến mức độ nào?

Ông Mikhail Aleksandrov - Tôi không nghĩ rằng xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan có thể biến thành một cuộc chiến tranh toàn cầu.

Hầu như không có khả năng là có nước nào đó lại can dự vào cuộc xung đột, thậm chi cả khi các bên sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Theo quan điểm của tôi, xung đột Ấn Độ- Pakistan không thể là mồi lửa châm ngòi cho Chiến tranh thế giới lần thứ ba.

Nhưng bất kỳ một cuộc xung đột nào trong 4 điểm nóng còn lại đều có khả năng gây ra một cuộc chiến tranh thế giới mới tuy ở các mức độ (xác xuất) khác nhau.

Cụ thể : mâu thuẫn Trung- Nhật, xung đột Trung Quốc với các nước quanh Quần đảo Trường Sa đều có thể trở thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn.

Còn về Ucraine, tôi không cho rằng NATO sẽ can thiệp vào những sự kiện ở Đông Nam nước này, thậm chí ngay cả khi Nga đưa quân vào những khu vực nói trên. Nếu như, tất nhiên, giới tinh hoa Phương Tây tư duy một cách tỉnh táo.

Còn trong trường hợp những tư duy không thực tế vẫn vẫn chiếm ưu thế tại Phương Tây - nói ví dụ như họ cho rằng bây giờ chúng ta (Phương Tây) sẽ đè bẹp người Nga - thì có thể dẫn tới leo thang chiến tranh.

Kịch bản hành động của Phương Tây trong những tình huống như vậy đã rõ: đầu tiên là cung cấp vũ khí, sau đó cử các chuyên gia và cố vấn quân sự, và sau đó nữa là đưa quân NATO vào Ucraine.

Nhưng, tôi xin nhắc lại, đối với Ucraine thì Phương Tây có những hiểu biết nhất định. Còn tại Syria, quả thực, có thể xảy ra khả năng leo thang xung đột không thể kiểm soát được.

Ví dụ, một số chính khách Mỹ hiện nay tuyên bố là cần phải thiết lập vùng cấm bay mà không cần tham vấn với Nga.

Nhưng cần phải hiểu rằng: nếu như Mỹ đơn phương tiến hành những bước đi như vậy – chúng ta ( Nga) cũng có khả năng hành động tương tự. Và ở những khu vực phân chia ranh giới lợi ích, có thể xảy ra đối đầu giữa quân đội hai nước.

Tôi nghĩ rằng, đang có quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào cuộc xung đột ở Syria - các chiến binh IS chống cự một cách hết sức bài bản và điều đó hoàn toàn không giống với hành động của những kẻ khủng bố - nổi dậy tầm thường.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ cố tình làm cho căng thẳng gia tăng và tăng cường sự hiện diện của mình tại Syria, Ankara cũng có thể muốn tạo ra xung đột tại Nagornyi Karabak (điểm nóng ở Ngoại Kapkaz), hoặc xúi giục người Tacta ở Crimea nổi loạn.

Chúng ta (Nga) trong trường hợp đó, gần như chắc chắn là sẽ bắt đầu tích cực hỗ trợ người Kurd – và tình hình có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Dù sao thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng là thành viên NATO, và nước này sẽ yêu cầu NATO bảo vệ mình.

Đứng từ góc độ dự báo như vậy, động thái phô trương sức mạnh quân sự của Nga tại Syria là cực kỳ có ích – nó sẽ có tác dụng làm cho các nhà chiến lược Phương Tây trở nên tỉnh táo hơn.

Matxcova đã cho thấy là mình không phải chỉ có tiềm lực kiềm chế hạt nhân mà còn có cả tiềm lực kiềm chế phi hạt nhân, và có khả năng tấn công bằng vũ khí phi hạt nhân không chỉ Châu Âu, mà cả nước Mỹ .

SP: - Cuộc chiến tranh thế giới trong tương lai sẽ diễn ra như thế nào?

Ông Mikhail Aleksandrov: - National Interest viết về một cuộc chiến tranh có sử dụng các cụm quân lớn. Nhưng một cuộc chiến tranh giữa các mặt trận như Chiến tranh thế giới lần thứ hai, tất nhiên, sẽ không diễn ra.

Theo tôi, trước hết, đó sẽ là chiến dịch đường không – vũ trụ nhằm hủy diệt các trung tâm chỉ huy điều hành.

Chắc chắn hơn cả, vũ khí phi hạt nhân sẽ được sử dụng để phá hủy cơ sở hạ tầng giao thông, liên lạc, đánh sập ý chí kháng cự của đối phương.

Mọi tính toán sẽ hướng tới mục tiêu - với một chiến thuật như vậy đối phương không dám sử dụng vũ khí hạt nhân

Tôi cho rằng , đối với nước Nga thì kịch bản trên sẽ không xảy ra – nhưng với Trung Quốc thì hoàn toàn có thể. Bắc Kinh không có tiềm lực kiềm chế chiến lược phi hạt nhân, hơn nữa, lực lượng hạt nhân chiến lược của nước này tương đối yếu.

Thậm chí ngay các hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiện có của Mỹ cũng đã đủ sức vô hiệu hóa các loạt phóng của tên lửa Trung Quốc.

Washington cho rằng, Bắc Kinh thậm chí còn không tính đến phương án tiến hành các đòn tấn công hạt nhân vì sợ Mỹ sẽ trả đũa bằng cách trút xuống lãnh thổ Trung Quốc toàn bộ sức mạnh khủng khiếp của quả đấm hạt nhân Mỹ.

Chỉ bằng vũ khí chiến lược phi hạt nhân của mình đang được bố trí xung quanh Trung Quốc, người Mỹ cũng đã dễ dàng tiêu diệt Hải quân Trung Quốc, phong tỏa Trung Quốc ở chiến trường trên bộ, và tiếp theo đó là các lực lượng của quân khởi nghĩa địa phương và quân khủng bố sẽ vào cuộc.

Thêm nữa, tại Trung Quốc có tương đối nhiều khu vực sẵn sàng nổi dậy khi có thời cơ – đấy là Tây Tạng, khu tự trị Tân Cương – Duy Ngô Nhĩ v.v . Tôi nghĩ rằng tại Hồng Kông cũng có “đội quân thứ năm” đông đảo sẵn sàng tham gia nổi dậy.

Kết quả là, các cuộc nổi lọan sẽ nổ ra, một loạt các khu vực sẽ tách ra khỏi Thiên triều – một quốc gia Trung Quốc hùng mạnh thống nhất sẽ không còn tồn tại.

Theo suy nghĩ của tôi, hiện nay nhân tố duy nhất kiềm chế Mỹ chưa thực hiện kịch bản này – đó là do Mỹ hiểu rằng (trong trường hợp đó) Nga sẽ không đứng ngoài cuộc.

Trung Quốc bị hủy diệt sẽ làm thay đổi đột ngột cán cân lực lượng trên thế giới và lúc đó Nga sẽ một mình đơn độc giữa vòng vây thù địch .

Tình huống như vậy bất lợi cho Nga - vì thế chúng ta (Nga) sẽ can dự vào cuộc xung đột Mỹ- Trung và như vậy cuộc xung đột này có khả năng leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân chiến lược.

Để kết luận, tôi xin nhắc lại là hiện nay trên thế giới có hai điểm nóng thực sự nguy hiểm: Trung Quốc và Syria. Và lực lượng chủ yếu đóng vai trò cân bằng quân sự không cho Phương Tây thống trị hoàn toàn thế giới chính là Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại