"Người hùng trong chiến tranh Iraq" bị KQ Mỹ xóa sổ phũ phàng

Vy Lam |

Không quân Mỹ ước tính sẽ tiết kiệm được gần 300 triệu USD trong 4 năm nếu chuyển một nửa số máy bay EC-130H tới nghĩa địa máy bay ở Arizona.

Trong bài viết đăng tải hôm 20/4, tờ The Week cho biết, Không quân Mỹ đang có kế hoạch thu hẹp quy mô phi đoàn máy bay tấn công điện tử EC-130H Compass Call, bất chấp thực tế rằng những máy bay này vẫn có hiệu quả tác chiến cao.

15 chiếc máy bay gây nhiễu công nghệ cao EC-130H hiện thuộc Liên đoàn tác chiến điện tử số 55 tại căn cứ không quân Davis-Monthan ở Arizona.

Nếu Không quân Mỹ nhất quyết làm theo ý mình thì họ sẽ cho nghỉ hưu 7 chiếc vào thời khắc chuyển giao năm tài khóa trong tháng 10 năm nay, theo yêu cầu ngân sách của Lầu Năm Góc.

The Week cho biết, mặc dù có số lượng ít ỏi nhưng những máy bay này rất quan trọng.

Những chiếc EC-130H này đã 2 lần vô hiệu hóa các hệ thống phòng không của Saddam Hussein, giúp các phi công và binh sĩ Mỹ sống sót trở về nhà sau các cuộc xung đột ở Kosovo, Haiti, Panama, Serbia và gần đây là Libya, Afghanistan, Iraq và Syria.

Trang bị các thiết bị gây nhiễu và đối phó radar tiên tiến, EC-130H tạo điều kiện cho các máy bay chiến đấu Mỹ qua mặt các hệ thống phòng không tinh vi của đối phương và tránh bị radar cảnh báo sớm phát hiện.

EC-130H thậm chí còn có thể làm sập mạng lưới chỉ huy và kiểm soát của đối phương.

Một chiếc EC-130H Compass Call tại căn cứ không quân Davis-Monthan vào tháng 8/2014
Một chiếc EC-130H Compass Call tại căn cứ không quân Davis-Monthan vào tháng 8/2014

Theo Lynn Berg, một cựu thành viên của phi đoàn EC-130H, những khả năng chính xác của EC-130H không được phép tiết lộ nhưng có thể khẳng định rằng, EC-130H có thể thực hiện các nhiệm vụ mà phi đoàn máy bay Growler của Hải quân Mỹ không thể.

Sự hiện diện của EC-130H đôi lúc còn là yếu tố quyết định liệu một nhiệm vụ tác chiến đặc biệt có thể tiến hành hay không.

Theo Lynn Berg, 8 chiếc EC-130H sẽ không đủ để đáp ứng các yêu cầu chỉ huy tác chiến của quân đội Mỹ.

Trong 8 chiếc này, sẽ có một số chiếc được sử dụng cho công tác huấn luyện, một số chiếc phải đưa đi bảo dưỡng, nâng cấp.

Tháng 9 năm ngoái, Không quân Mỹ đã trình lên Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ một bản báo cáo để đáp lại những lo ngại của cơ quan này về việc cắt giảm các máy bay EC-130H.

Theo báo cáo, Không quân Mỹ ước tính sẽ tiết kiệm được gần 300 triệu USD trong 4 năm nếu chuyển một nửa số máy bay EC-130H tới nghĩa địa máy bay ở Arizona.

Bản báo cáo viết:

“Lo ngại của Thượng viện rất đúng.

Song, việc loại biên 7 chiếc EC-130H không phải quyết định khinh suất mà được thúc đẩy từ các hạn chế về tài chính và nhu cầu hiện đại hóa các lĩnh vực khác của Không quân Mỹ”.

The Week nhận định, tiết kiệm 300 triệu USD trong 4 năm, hay 75 triệu USD trong 1 năm, không phải là số tiền lớn.

Loại biên một nửa phi đoàn EC-130H vẫn chưa đủ chi trả cho một chiếc máy bay ném bom – tấn công tầm xa (LRSB) với chi phí 500 triệu USD/chiếc khi đi vào sản xuất (theo số liệu từ báo cáo năm 2013 của Lầu Năm Góc, chưa tính chi phí phát triển).

Kế hoạch cắt giảm phi đoàn EC-130H thậm chí được đưa ra khi Không quân Mỹ chưa có bất cứ kế hoạch thay thế bằng các máy bay mới.

Bộ tư lệnh tác chiến không quân hiện mới yêu cầu tiến hành một loạt các nghiên cứu để tìm kiếm mẫu máy bay tấn công điện tử mới.

Bản báo cáo của Không quân Mỹ cho biết, số máy bay EC-130 còn lại sẽ được nâng cấp đến hết năm 2025.

Một bản báo cáo khác vào năm 2017 sẽ đề cập cụ thể hơn về các máy bay được nâng cấp.

John Knowles, biên tập tạp chí Journal of Electronic Defense, cho rằng Quốc hội Mỹ có thể ngăn cản kế hoạch loại biên các máy bay EC-130H của Không quân Mỹ và phân bổ thêm ngân sách để duy trì 15 chiếc này cho tới hết năm 2016.

Theo The Week, Ủy ban quốc phòng quốc hội Mỹ sẽ cân nhắc các đề xuất ngân sách trong vài tháng tới và sau đó do Quốc hội Mỹ thông qua.

Vì vậy, nếu các nhà lập pháp Mỹ muốn giữ lại các máy bay EC-130, họ chỉ có thời gian tới tháng 1 năm sau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại