Nghi án chấn động: Đổi vũ khí lấy thi thể nạn nhân

Nhật Huy |

Tờ Mail & Guardian đã phanh phui một vụ đổi chác gây chấn động giữa Nigeria và Nam Phi mà đằng sau đó ẩn chứa những động cơ chính trị.

Những bức thư đáng ngờ

Ngày 12/09/2014, một tòa nhà khách cao tầng tại Lagos, thủ đô Nigeria, bất ngờ đổ sập, làm 116 người thiệt mạng, trong đó có 84 người Nam Phi.

Tuy nhiên, vì lí do nào đó, chính phủ Nigeria lại chần chừ trong việc trao trả những thi thể này cho Nam Phi. Phải đến giữa tháng 11/2014, 74 thi thể nạn nhân mới được đưa về Nam Phi, số còn lại vẫn bị giữ ở Nigeria.

Động thái này diễn ra ngay sau khi ông Jeff Radebe, từng là Bộ trưởng Tư Pháp Nam Phi, có chuyến công tác tại Nigeria.

Tuy nhiên, tờ Mail & Guardian của Nam Phi trong một bài báo ngày 28/11/2014 đã tố cáo rằng, điều kiện để Nigeria trao trả các thi thể là Nam Phi phải đồng ý nối lại những thương vụ mua bán vũ khí lậu vừa bị đổ bể trước đó không lâu.

Hiện trường vụ sập nhà tại Lagos

Trước đó, vào ngày 5/9, nhà chức trách Nam Phi đã phát hiện và tịch thu 9,3 triệu USD tiền mặt được một phái đoàn Nigeria mang vào nước này.

Số tiền đó nằm trong nhiều vali trên một máy bay tư nhân hạ cánh xuống sân bay Lanseria.

Sau đó, vào tháng 10, một tài khoản ngân hàng trị giá 5,7 triệu USD chuyển từ Nigeria vào Nam Phi cũng bị phong tỏa.

Mục đích của những số tiền này là để mua vũ khí từ các nhà cung cấp của Nam Phi, bao gồm trực thăng vũ trang, máy bay không người lái và đạn dược.

Tuy nhiên, tất cả các giao dịch trên đều không theo đúng trình tự pháp luật của những vụ mua bán vũ khí, do không hề có yêu cầu chính thức nào từ phía chính phủ Nigeria gửi cho chính phủ Nam Phi.

Chính phủ Nam Phi phủ nhận cáo buộc về vụ trao đổi này, nhưng Mail & Guardian cho biết tờ báo này nắm giữ những bức thư của ông Jeff Radebe gửi các quan chức chính phủ, đề nghị họ giúp Nigeria có thể nhận số vũ khí trên.

Nigeria rất cần vũ khí để chống lại nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan Boko Haram. Đây chính là nhóm đã bắt cóc gần 300 nữ sinh tại Chibok hồi tháng 4/2014.

Những bức thư trên được gửi đến Cục điều tra trọng án hình sự và Ủy ban quốc gia về kiểm soát vũ khí (NCACC).

Trong đó, ông Radebe cho rằng, tuy hoạt động mua vũ khí trên của Nigeria là không đúng theo trình tự pháp luật, nhưng đó chỉ là sai sót khách quan.

Ông Radebe đề nghị 2 cơ quan trên dừng cuộc điều tra về những giao dịch này và phối hợp để hợp thức hóa chúng.

NCACC là cơ quan chịu trách nhiệm đảm bảo rằng vũ khí được bán từ Nam Phi chỉ đến tay các chính phủ hợp pháp.

Tuy vậy, Cục điều tra trọng án hình sự cho biết, họ vẫn đang tiếp tục cuộc điều tra của mình về vụ mua bán vũ khí trái phép trên.

Còn ông Radebe bị nhiều quan chức chính phủ khác chỉ trích vì đã tự mình đưa ra quyết định.

“Tại sao ông ấy có thể cho phép Nigeria lợi dụng chúng ta trong hoàn cảnh đau thương này?”, một quan chức ngoại giao cấp cao Nam Phi bình luận.

Tham vọng chính trị

Động cơ đằng sau hành động của ông Radebe được cho là xuất phát từ tham vọng chính trị.

Ông Radebe hiện đang nhắm đến chức Bộ trưởng Ngoại giao, trước khi đạt đến mục tiêu cuối cùng là chiếc ghế Tổng thống.

Thành công trong việc đưa các thi thể nạn nhân về nước đã khiến uy tín cá nhân ông này lên cao.

Ông Jeff Radebe (giữa) đóng vai người hùng khi đưa được các thi thể nạn nhân trở về Nam Phi 2 tháng sau thảm kịch

Phía chính phủ Nigeria thừa nhận sai lầm của mình, nhưng cho rằng đó là do nước này đang rất cần vũ khí để chống lại Boko Haram.

Tuy vậy, hành động lén lút của Nigeria khiến chính phủ Nam Phi rất bất bình.

Một quan chức ngoại giao cấp cao của nước này đặt câu hỏi:

“Tại sao họ không thực hiện theo cách hợp pháp? Chúng tôi không thể biết được nếu đó là chính phủ Nigeria hay Boko Haram đang tìm cách mua số vũ khí này”.

Trên thực tế, quan hệ giữa 2 nước trong những năm gần đây đang trong tình trạng căng thẳng, khi mà cả Nam Phi và Nigeria đều muốn đóng vai trò "nước lớn" trong khu vực.

Rạn nứt trong quan hệ bắt đầu xuất hiện khi Nam Phi trục xuất 125 người Nigeria vì mang giấy chứng nhận tiêm chủng giả vào tháng 3/2012.

Trong số những vũ khí mà Nigeria muốn mua từ nhà cung cấp ở Nam Phi là pháo 20mm M75 do Nam Tư cũ sản xuất.

Được thiết kế như pháo phòng không, M75 cũng rất hữu dụng để chống lại mục tiêu trên bộ. Nó được sử dụng hiệu quả trong cuộc nội chiến ở Nam Tư và tại Kosovo.

Sự đơn giản và cơ động của nó cũng thích hợp cho tác chiến tại Châu Phi.

M75 có tầm bắn hiệu quả từ 1000m-1500m, nhịp bắn từ 650-750 viên/phút

M75 có thể được kéo theo phía sau xe cơ giới

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại