Thế nào là "Vũ khí phóng và quên" và "Vũ khí phóng và bỏ chạy"?
Vũ khí phóng và quên (Fire and Forget Weapons) là các loại vũ khí điều khiển chính xác (tên lửa, bom, đạn pháo...) có khả năng tự tìm đến mục tiêu đã định mà không cần bất cứ một sự can thiệp nào từ bên ngoài.
Nhờ ưu điểm này mà ngay sau khi phóng vũ khí, thiết bị mang - phóng (máy bay, xe, pháo…) có thể lập tức cơ động để tìm mục tiêu khác hoặc tránh đòn giáng trả của đối phương.
Vũ khí phóng và quên được trang bị “bộ não” là máy tính điện tử dùng để phát hiện, nhận dạng cũng như để dẫn đường, tự điều khiển vũ khí tới mục tiêu.
Hơn nữa, do kết hợp nhiều phương thức dẫn (radar, hồng ngoại…) chúng có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết với xác suất trúng đích cao và có thể được phóng từ ngoài tầm hỏa lực phòng thủ trực tiếp của đối phương.
Cũng cần phân biệt loại vũ khí này với Vũ khí phóng và bỏ chạy (Launch and Leave Weapons).
Vũ khí phóng và bỏ chạy cũng cho phép thiết bị mang - phóng cơ động ngay lập tức song đòi hỏi phải chiếu xạ chỉ thị mục tiêu (bằng laser, radar…) từ một nguồn khác cho đến khi bắn trúng mục tiêu.
Trong khi đó nhờ sự hỗ trợ của máy tính mang theo, Vũ khí phóng và quên không đòi hỏi phải có thêm tác động nào từ bên ngoài.
Lịch sử phát triển Vũ khí phóng và quên
Vào thập niên 1970 đã chứng kiến sự nâng cao không ngừng xác suất trúng đích của vũ khí.
Đến thập niên 1980 là thập kỷ của kỹ thuật phát hiện và bám bắt mục tiêu. Do đó, các máy bay trở nên dễ bị tiêu diệt hơn trong khi tiến công.
Một trong những bí quyết để sống còn là bắn trúng đối phương và kịp thời lẩn tránh. Song muốn làm điều đó phải có những hệ thống vũ khí thích hợp. Đó là bối cảnh dẫn đến khái niệm và những hệ thống vũ khí được gọi là Vũ khí phóng và bỏ chạy, Vũ khí phóng và quên.
Khái niệm "phóng và quên" được đưa ra lần đầu ở Mỹ vào cuối những năm 1960. Ngay từ lúc đó ở Mỹ đã có chương trình chế tạo tên lửa chống tăng có thể phóng và quên để trang bị cho máy bay trực thăng.
Năm 1971, Mỹ đã thử thành công tên lửa bám theo vết laser và đến năm 1973 đã đầu tư cho việc hoàn thiện một loại tên lửa chống tăng kiểu module, tức là tên lửa có khả năng sử dụng nhiều dạng thiết bị dẫn đường khác nhau (laser, hồng ngoại, radar…).
Đó chính là tên lửa Hellfire.
Theo số liệu sơ bộ, tên lửa AGM-114 Hellfire có trọng lượng 45,4 - 49 kg; tầm bắn 500 - 8.000 m (có thể lên tới 20 km nếu bắn từ máy bay phản lực).
Thực ra với hệ thống dẫn bám theo vệt laser, tên lửa chỉ được phóng quên với thiết bị phóng, tức là mới thuộc loại Vũ khí phóng và bỏ chạy.
Năm 1978, Mỹ tập trung cho chương trình AGM-124 WASP, đây là chương trình nghiên cứu loại tên lửa chống tăng phóng từ trên không có khả năng tự tìm đến mục tiêu.
Tên lửa sẽ mang đầu dò radar làm việc ở dải sóng mm, hoạt động tốt trong mọi điều kiện thời tiết, có thể phóng nhiều tên lửa một lúc, mỗi tên lửa được lập trình riêng để tiến công những mục tiêu nhất định. Chúng được coi là những Vũ khí phóng và quên thực thụ.
Sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghệ tiên tiến, đặc biệt là của công nghệ điện tử là tiền đề phát triển cho các loại vũ khí điều khiển chính xác nói chung, cũng như của Vũ khí phóng và quên nói riêng.
Công nghiệp điện tử hiện nay cho phép chế tạo những thiết bị dẫn đường và cảm biến (sensor) đủ nhỏ, thậm chí lắp được cả trong đạn pháo.
Tuy nhiên một vấn đề khó khăn nữa là phân biệt dấu hiệu đặc trưng của mục tiêu trên nền các vật thể khác. Vấn đề này đã được giải quyết vào khoảng giữa tới cuối thập niên 1980.
Vũ khí phóng và quên đầu tiên được Mỹ sử dụng là vào năm 1984 lại Lybia, đó là tên lửa chống radar cao tốc AGM-88 HARM (High-speed Anti-Radiation Missile).
HARM có vận tốc lớn hơn nhiều so với tên lửa AGM-45 Shrike đã từng sử dụng tại Việt Nam, hơn nữa nó còn có thể nhớ chính xác tọa độ mục tiêu sau khi đài radar tắt máy.
Trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh, ngoài tên lửa HARM còn có các loại Vũ khí phóng và quên khác được triển khai như tên lửa chống radar TLAM của Anh và đặc biệt, nổi tiếng nhất chính là tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk.
Dự báo trong ngắn hạn, số lượng các loại Vũ khí phóng và quên sẽ tăng lên nhanh chóng và giá thành của chúng cũng sẽ dễ chịu đi nhiều. Đây được xem là vũ khí chủ đạo của những cuộc chiến tranh trong tương lai.